Môi trường làm việc nào cũng có nhiều người với tính cách và khí chất khác nhau, có người hướng nội và người hướng ngoại. Kiểu tính cách không nói lên năng lực làm việc, nhưng những nhân viên nhút nhát có thể gặp khó khăn trong việc thể hiện ý tưởng của họ, đặc biệt là nhân viên càng trẻ thì càng có xu hướng khép kín hơn bởi tự ti về khả năng và chưa quen với môi trường làm việc.
Một người quản lý giỏi là người biết cách “kéo” những nhân viên này ra khỏi lớp vỏ bọc của họ, khiến họ thoải mái hơn để đóng góp ý kiến, bởi những nhân viên hướng nội thường có các ý tưởng độc đáo để chia sẻ, trong một số trường hợp, đó có thể là những ý tưởng hay nhất. Dưới đây là 5 điều bạn nên làm nếu nhận thấy nhân viên nhút nhát của bạn có điều gì đó muốn nói nhưng còn e ngại để trình bày.
Giải thích sự mong đợi của bạn
Tất cả các nhân viên của bạn nên là một phần của tổ chức và nhân viên nhút nhát cũng không ngoại lệ. Vì vậy, nếu họ chỉ im lặng mà không có bất kỳ chia sẻ nào, hãy cho họ biết rằng bạn mong muốn họ tham gia vào cuộc trò chuyện và đóng góp ý kiến về công việc. Nếu nhân viên đó biết rằng họ được mong chờ để đóng góp ý kiến, họ có nhiều khả năng sẽ làm điều này. Ngoài ra hãy cho thấy rằng bạn coi trọng năng lực và trí tuệ của nhân viên, đó là lý do tại sao bạn cần họ lên tiếng và chia sẻ các ý tưởng của họ cho tập thể.
Hỏi ý kiến phản hồi
Thay vì chờ đợi các nhân viên hướng nội tự động lên tiếng, hãy hỏi ý kiến phản hồi của họ. Đôi khi, những người rụt rè cần được khuyến khích và đây là một cách dễ dàng để mở đường giúp họ đưa ra ý kiến. Hãy khiến cho nhân viên cảm thấy thoải mái bằng cách hỏi một câu hỏi đơn giản, chẳng hạn như: “Chúng ta đang thảo luận về hai giải pháp cho vấn đề A hoặc B, bạn thiên về lựa chọn nào và tại sao?”
Cho họ thời gian để chuẩn bị
Nhân viên nhút nhát nên được cung cấp nhiều thời gian để suy nghĩ, lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ của họ. Điều này sẽ giúp họ thu thập ý tưởng và suy nghĩ của họ cho một kết quả hoàn hảo. Họ có thể đưa ra những ý tưởng và giải pháp tuyệt vời khi có thời gian phù hợp để suy nghĩ. Do đó, khi các trao đổi đang đến gần, các nhân viên này cần được thông báo trước để có thể chuẩn bị và trình bày suy nghĩ của mình một cách có tổ chức. Bằng cách này, họ có thể tự tin hơn để đưa ra ý kiến hoặc thảo luận cùng với các đồng nghiệp hoạt bát và hướng ngoại.
Cám ơn họ
Nhân viên nhút nhát không nên bị đánh giá thấp vào bất cứ thời điểm nào. Khi một người nhút nhát lên tiếng và chia sẻ, đóng góp điều gì đó liên quan đến công việc, hãy cảm ơn vì họ đã làm như vậy. Hãy cho họ biết rằng bạn đánh giá cao những suy nghĩ và ý tưởng của họ bằng những phát biểu như:“Cảm ơn bạn đã chia sẻ, suy nghĩ đó rất hay”. Một lời cảm ơn có thể tạo ra một hiệu ứng tích cực và họ được thúc đẩy để tiếp tục đóng góp vào cuộc trò chuyện cũng như đưa ra nhiều ý tưởng hơn nữa trong tương lai.
Chỉ ra nguy cơ của việc không lên tiếng
Là người quản lý, bạn phải biết cách ứng xử với những nhân viên không đáp ứng được kỳ vọng và điều đó bao gồm cả những người không đóng góp ý kiến vào các cuộc hội họp, trò chuyện liên quan đến công việc. Hãy làm cho họ hiểu tác động của họ ở hai kịch bản khác nhau, chẳng hạn như liệt kê các hiệu quả của việc lên tiếng và tác hại của việc có ý kiến nhưng im lặng. Thực hiện điều này sẽ nhấn mạnh rằng họ có thể khiến đội nhóm gặp nguy hiểm khi không chia sẻ những đóng góp đáng giá.
Mặc dù người hướng nội, nhút nhát có những điểm còn hạn chế nhưng họ là những người có kỹ năng ra quyết định và tư duy sáng tạo rất tốt. Họ chu đáo trong mọi tình huống và có thể đọc được biểu cảm khuôn mặt của người khác một cách dễ dàng. Là nhà quản lý, bạn nên tìm hiểu cảm giác của nhân viên nhút nhát, khuyến khích và hỗ trợ họ về mọi mặt. 5 lời khuyên được đề cập ở trên là những cách hữu ích và hiệu quả để ứng xử với nhân viên nhút nhát. Bằng cách này, họ cảm thấy an toàn và nhận được sự quan tâm cũng như được đánh giá cao, từ đó đóng góp tích cực hơn nữa vào sự thành công của tổ chức.
Pha Lê
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.09.04Điều gì xảy ra nếu đặt kỳ vọng thiếu thực tế cho nhân viên?
- Bí quyết tuyển dụng2024.08.26Thổi phồng công việc để thu hút ứng viên, lợi hay hại?
- Nghệ thuật quản lý2024.08.19Nên làm gì với những nhân viên thiếu tự tin?
- Bí quyết tuyển dụng2024.08.12Xử lý khéo khi ứng viên xin việc làm “bùng” phỏng vấn