Năng lực lãnh đạo của người quản lý cùng với môi trường làm việc chuyên nghiệp là hai yếu tố quan trọng giúp “giữ chân” được nhân viên giỏi. Vậy làm thế nào để xây dựng được đội ngũ nhân lực dồi dào, tăng hiệu quả công việc, hãy cùng CareerLink.vn tìm hiểu nhé!
Công bằng
Một người lãnh đạo chuyên thiên vị, giải quyết công việc mập mờ, không rõ ràng thì liệu rằng có thể khiến nhân viên nể phục, tôn trọng và yên tâm công tác? Họ dễ chán nản và thất vọng vì cho rằng những nỗ lực, cố gắng đã không được ghi nhận một cách xứng đáng. Vì vậy, là lãnh đạo, hãy đối xử công bằng, công tư phân minh với nhân viên bởi điều đó sẽ khiến bạn nhận được sự tôn trọng, kính nể từ mọi người xung quanh, tạo cơ sở để nhân viên xác định gắn bó trung thành và nỗ lực cống hiến lâu dài vì bạn và công ty.
Tôn trọng
Điều quan trọng nhất đối với nhân viên là thái độ tôn trọng từ sếp hay đồng nghiệp. Nếu bạn thực lòng đối xử tốt với nhân viên thì sẽ củng cố thêm sự trung thành của nhân viên với lãnh đạo và công ty. Điều này thể hiện ở việc lắng nghe, đón nhận ý kiến đóng góp của nhân viên, ghi nhận kết quả của họ trong công việc và tôn trọng cả cuộc sống cá nhân. Đây là điều các nhà lãnh đạo cần nằm lòng nếu muốn giữ chân các nhân viên giỏi.
Tạo sự gắn kết trong tập thể
Nhiều nhà quản lý không giữ được nhân viên giỏi bởi vì họ không tạo được sự gắn kết giữa các nhân viên với nhau và với công ty. Sự gắn kết có thể được tạo ra thông qua các hoạt động tập thể như buổi họp nâng cao kỹ năng chuyên môn, làm việc nhóm hay buổi thảo luận chung sau giờ làm việc. Mối liên kết giữa mọi người trong công ty là sợi dây gắn kết bền chắc nhất đối với mỗi nhân viên.
Trao quyền cho nhân viên
Giữ một công ty vận hành suôn sẻ không phải là nhiệm vụ của một cá nhân đơn lẻ mà nó đòi hỏi sự đóng góp của cả tập thể để tạo dựng nên thành công. Muốn làm được điều này, nhà lãnh đạo nên chuyển giao cho nhân viên cấp dưới quyền giải quyết vấn đề và ra quyết định trong công việc. Tuy nhiên, phải chú ý giao công việc dựa trên năng lực, nguyện vọng và mục tiêu phát triển nghề nghiệp của nhân viên. Nếu làm được điều này, bạn sẽ giúp cho nhân viên phát huy tối đa điểm mạnh của họ và họ sẽ làm việc một cách tích cực, chủ động. Bởi qua đó giúp họ có cảm giác được phát triển nghề nghiệp và là một thành phần quan trọng của công ty. Khi được chủ động trong công việc, nhân viên sẽ thấy tự hào, gắn kết hơn với công ty và muốn ở lại lâu hơn để cùng nhau thực hiện những điều cần làm.
Tạo môi trường làm việc cởi mở
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của người lãnh đạo là xây dựng một môi trường làm việc năng động, thân thiện với chế độ lương, thưởng, phúc lợi công bằng và hợp lý cũng như sự quan tâm chân thành của lãnh đạo đến người lao động. Ở đó, nhân viên có thể học tập, được đào tạo, và phát triển kỹ năng của họ, từ đó phát huy sở trường, cống hiến năng lực vốn có cho công ty. Nhờ vậy mà hiệu quả công việc chắc chắn sẽ được nâng cao, và nhân viên cũng cảm thấy thoải mái, năng động hơn.
Ghi nhận thành quả lao động
Một nhà lãnh đạo giỏi sẽ biết được việc gì nhân viên mình làm tốt, khả năng hoàn thành công việc tới đâu và có sự ghi nhận kết quả một cách xứng đáng. Bên ngoài khía cạnh về mặt tài chính thì nhà quản lý có thể khen ngợi nhân viên bằng lời cảm ơn chân thành, cơ hội thăng tiến hoặc một số đặc quyền nhất định.
Mỗi nhân viên có sở thích, thói quen và cách suy nghĩ khác nhau nên cũng có sự khác biệt về cách công nhận những đóng góp của họ cho công ty. Đó là điều mà các nhà lãnh đạo phải hiểu được để từ đó lựa chọn hình thức khuyến khích, động viên đội ngũ nhân viên phù hợp nhất. Như vậy sẽ khiến họ cảm thấy được tôn trọng và muốn gắn bó lâu dài với công ty trong tương lai.
Tạo cơ hội cho nhân viên phát triển
Để giữ chân nhân viên giỏi, hãy cho họ thấy các cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Theo một cuộc khảo sát thì phát triển nghề nghiệp là một trong năm yếu tố quan trọng hàng đầu tạo ra sự thỏa mãn trong công việc cho nhân viên và làm cho họ gắn bó hơn với doanh nghiệp. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của một nhà lãnh đạo là tạo ra các cơ hội cho nhân viên – cơ hội để học hỏi, phát triển và thành công.
Thấu hiểu cấp dưới
Phẩm chất tốt nhất của một nhà lãnh đạo tài giỏi là luôn thấu hiểu cấp dưới và luôn lắng nghe quan điểm cũng như tâm tư, nguyện vọng của họ. Nếu biết cách lắng nghe và thấu hiểu cấp dưới thì sẽ giúp bạn thu nhận được những ý kiến phản hồi hữu ích, giúp nâng cao năng lực quản lí của mình cũng như ra quyết định chính xác và hợp lí hơn.
Phương Thảo
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.073 kỹ năng giao tiếp giúp phỏng vấn ứng viên hiệu quả hơn
- Nghệ thuật quản lý2024.09.30Làm gì khi nhân viên phản đối sự đổi mới?
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.234 câu hỏi giúp đánh giá tinh thần trách nhiệm của ứng viên
- Nghệ thuật quản lý2024.09.16Để các cuộc họp doanh nghiệp diễn ra đúng tiến độ và đúng hướng