Thực tế cuộc sống lẫn các lĩnh vực khoa học, triết học đều xác nhận rằng một người thể hiện thái độ, niềm tin lạc quan sẽ sống lâu hơn, hạnh phúc và khỏe mạnh hơn những người khác. Không những vậy, điều này còn đảm bảo mang đến sự thành công mà bạn mong muốn trong vai trò quản lý. Vậy tại sao người lạc quan là những nhà lãnh đạo tốt hơn? Dưới đây là 5 lý do mà bạn có thể tham khảo.
Người lạc quan tập trung vào giải pháp
Những người lạc quan muốn giải quyết vấn đề và cải thiện tình hình mà họ đang gặp phải. Họ luôn tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp thay vì phân tích và than phiền về các vấn đề xung quanh khó khăn. Các câu hỏi chính mà một nhà lãnh đạo lạc quan sẽ hỏi khi tìm kiếm giải pháp là “Điều gì cần thiết để hướng tới việc thực hiện giải pháp?”, “Làm thế nào có thể biết được rằng giải pháp mang lại hiệu quả?”, chứ không phải là “Điều tồi tệ gì đang diễn ra vậy?”
Những người lạc quan không sợ thất bại
Người lạc quan làm việc tốt hơn những người bi quan vì khả năng thích ứng của họ cao hơn. Họ kiên cường hơn và có thể nhanh chóng đứng dậy từ sau thất bại và trở ngại trong công việc lẫn cuộc sống.
Một người lạc quan là người thích mạo hiểm và thoải mái khi đưa ra các quyết định khó khăn. Họ chấp nhận thất bại và khả năng phạm sai lầm như là một phần của cuộc sống đồng thời xem đó là cơ hội để học hỏi và tiến bộ. Một nhà lãnh đạo lạc quan sẽ nhanh chóng thích nghi và ứng phó với tình huống gặp phải. Họ muốn đưa đội nhóm của mình tiến lên phía trước và trở lại đúng hướng càng nhanh càng tốt.
Những người lạc quan cũng không tìm kiếm “vật tế thần” hoặc chơi “trò chơi đổ lỗi”. Nếu có sai lầm xảy ra, họ sẽ tìm hiểu những gì đã làm sai và những gì cần làm để tránh đi vào “vết xe đổ”.
Người lạc quan là những người giao tiếp tuyệt vời
Những người lạc quan rất giỏi trong việc tạo và giữ mối quan hệ lâu dài. Họ thoải mái giao tiếp và chia sẻ mong muốn của họ về một tương lai tốt hơn hoặc các giải pháp tốt hơn.
Người lạc quan hiểu được tầm quan trọng của việc kết nối và thúc đẩy người khác. Họ sẽ nói từ trái tim hơn là sử dụng dữ liệu, báo cáo hoặc nghiên cứu để hỗ trợ mọi người. Để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, bạn cần trở thành một người giao tiếp tốt và hiệu quả trong việc tạo ảnh hưởng đến người khác để thuyết phục họ thực hiện những điều bạn hướng đến.
Người lạc quan coi trọng tinh thần hợp tác
Những người lạc quan không thích làm việc một mình và sẽ tham khảo ý kiến của người khác trước khi đưa ra quyết định. Họ tin rằng hợp tác cùng nhau có thể tạo nên sức mạnh bất ngờ. Do đó, họ sẽ cởi mở chia sẻ thông tin và kiến thức để mọi người có thể tham gia vào quá trình ra quyết định. Một nhà lãnh đạo lạc quan sẽ tìm cách để các thành viên trong nhóm kết nối với nhau và làm việc cùng nhau để hướng đến mục đích và tầm nhìn chung. Họ không phải là người thích ra lệnh và kiểm soát mà là người khuyến khích các suy nghĩ và ý kiến trái chiều.
Người lạc quan có tư duy thành công
Những người lạc quan luôn tập trung vào các khía cạnh tích cực của một tình huống. Quan điểm sống của họ khác với quan điểm của một người bi quan. Cùng một chiếc ly chứa phân nửa thể tích nước, người lạc quan sẽ thấy “vẫn còn đầy một nửa” trong khi người bi quan nhìn thấy “đã vơi mất đi một nửa”.
Một người lạc quan có hy vọng và niềm tin vào một tương lai tốt hơn. Họ tập trung vào các cơ hội thay vì những trở ngại. Họ hiểu những gì thúc đẩy và truyền cảm hứng cho họ để sống một cuộc sống thành công và trọn vẹn. Tiêu cực và sợ hãi không thuộc về thế giới của họ và thực tế đó là những yếu tố ngăn cản họ đi đến thành công.
Tóm lại, một nhà lãnh đạo lạc quan không cho phép bản thân và nhân viên của họ đắm mình trong “thời kỳ đen tối” và khó khăn. Họ khuyến khích cấp dưới nhận thức được tình huống thực tế, lên kế hoạch, hành động và hướng tới một tương lai tốt hơn và thành công hơn. Bất cứ ai cũng có thể trở thành một nhà lãnh đạo lạc quan và bạn cũng vậy, chỉ cần bạn biết cách.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bạn có thể điều khiển bộ não của mình để phản ứng lạc quan hơn bằng cách thay đổi thái độ đối với các sự kiện tiêu cực như không chỉ trích, tập trung vào cách giải quyết và xem đó là các khó khăn tạm thời… Vì vậy, hãy xây dựng các thói quen này cho bản thân nếu bạn mong muốn được xem trọng và quý mến với tư cách là một người lãnh đạo đầy lạc quan.
Ngân Linh
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.073 kỹ năng giao tiếp giúp phỏng vấn ứng viên hiệu quả hơn
- Nghệ thuật quản lý2024.09.30Làm gì khi nhân viên phản đối sự đổi mới?
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.234 câu hỏi giúp đánh giá tinh thần trách nhiệm của ứng viên
- Nghệ thuật quản lý2024.09.16Để các cuộc họp doanh nghiệp diễn ra đúng tiến độ và đúng hướng