Chiến lược để phỏng vấn thành công

Để thành công hơn trong việc tuyển dụng, các nhà tuyển dụng cần áp dụng các công cụ phù hợp, bao gồm các kỹ thuật phỏng vấn hiệu quả, các câu hỏi cẩn trọng và các buổi gặp gỡ ứng viên được dàn xếp trước. Dưới đây là một số kỹ năng cơ bản để nhà tuyển dụng cân nhắc cho kế hoạch tuyển dụng của mình.

Soạn câu hỏi trước

Hãy chuẩn bị một danh sách câu hỏi trước khi ứng viên đến. Việc lên kế hoạch trước sẽ bảo đảm buổi phỏng vấn diễn ra thuận lợi và bạn sẽ khai thác được các thông tin mà bạn cần. Ngoài ra, sự chuẩn bị này cũng giúp bạn tránh được việc đưa ra các câu hỏi mơ hồ vốn dĩ rất khó để ứng viên trả lời.


Lựa chọn người phỏng vấn phù hợp

Thường sếp quản lý trực tiếp vị trí sẽ là người phỏng vấn trong vòng đầu tiên. Nếu bạn là một tổ chức kinh doanh nhỏ và tự mình thực hiện cuộc phỏng vấn, hãy nhờ các thành viên khác trò chuyện với ứng viên. Thảo luận trước những chủ đề nào mà mỗi người phỏng vấn sẽ đảm trách. Điều này sẽ giúp mọi người khai thác được thông tin có chiều sâu về kỹ năng và kinh nghiệm của ứng viên.

Lắng nghe hơn nói

Khi cuộc phỏng vấn bắt đầu, hãy để ứng viên thoải mái bằng việc hỏi những câu hỏi tổng quan và sau đó hãy nhớ bí quyết: để họ tự nói trong phần còn lại. Hãy để phần giới thiệu sơ lược công ty và vị trí công việc đến cuối buổi phỏng vấn. Nếu không, các ứng viên sẽ trả lời những điều hoa mĩ bạn muốn nghe hơn là những câu trả lời thật lòng.

Tránh “câu hỏi tủ”

Những câu hỏi phỏng vấn như “Bạn muốn đạt được vị trí nào trong 5 năm tới?” sẽ vô tình “trúng tủ” những nội dung đã chuẩn bị trước của các ứng viên. Thay vào đó, hãy sử dụng những câu hỏi bất ngờ. Hãy quan sát cách họ ứng viến để tìm ra câu trả lời – điều này cũng phần nào giúp bạn đánh giá khả năng xử lý tình huống trong công việc hàng ngày.

Khai thác các thông tin thực tế

Hãy suy nghĩ về những loại câu hỏi giúp bạn khai thác được các thông tin cần thiết. Những câu hỏi tình huống về một thử thách công việc cụ thể sẽ cho bạn biết cách mà ứng viên sẽ ứng biến trên thực tế. Những câu hỏi tập trung vào kết quả có thể đo lường như “Những khó khăn nào bạn đã gặp phải trong quá trình triển khai kế hoạch và cách bạn vượt qua chúng?” sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thành tích của ứng viên. Hãy hỏi các câu hỏi liên hoàn để có được thông tin chi tiết mà bạn cần biết.

Nói về thương hiệu và văn hóa của doanh nghiệp

Nếu là một công ty nhỏ, thương hiệu cá nhân là một yếu tố cốt lõi để thu hút ứng viên. Yếu tố đầu tiên của thương hiệu sẽ được thể hiện trong các lợi ích về vật chất mà bạn đề nghị với ứng viên, chẳng hạn như chế độ chăm sóc sức khỏe, tiền phụ cấp, chế độ làm việc linh hoạt, chế độ dinh dưỡng và hệ thống liên lạc. Bạn cũng hãy đề cập đến cơ hội phát triển và thăng tiến trong nghề nghiệp.


Điều thứ hai cần nói về thương hiệu của doanh nghiệp là các lợi ích về mặt tinh thần. Hãy nói về văn hóa doanh nghiệp – những yếu tố tạo động lực để nhân viên làm việc, các sáng kiến của nhân viên, các chương trình tình nguyện cộng đồng hay các truyền thống của doanh nghiệp.


Điều thứ ba đồng thời cũng là điều quan trọng nhất chính là lý do tạo lòng tin cho nhân viên. Thay vì kể về một giai thoại nào đó chứng tỏ rằng công ty bạn là một nơi tốt để làm, hãy cân nhắc để một nhân viên cốt lõi của công ty gặp gỡ ứng viên và chia sẻ những trải nghiệm tích cực trong công việc.

Kiểm soát thời gian

Hãy cân nhắc thời gian mà bạn dành ra cho buổi phỏng vấn và tỷ lệ thời gian giữa việc phỏng vấn và giới thiệu về vị trí tuyển dụng. Đừng tự bắt buộc phải sử dụng cho các ứng viên kém tiềm năng, nhưng cũng nhớ rằng họ có thể kể lại cuộc phỏng vấn với người khác.

Phỏng vấn lần hai nếu cần thiết

Nếu bạn thấy ứng viên nào đó thực sự tiềm năng, hãy mời họ đến phỏng vấn lần nữa với bạn hay một thành viên khác. Hãy hỏi những câu hỏi mới và hỏi lại một số câu hỏi cũ để kiểm tra tính nhất quán so với lần đầu tiên. Nếu lần phỏng vấn thứ hai chưa mang lại sự tự tin cho bạn về ứng viên này, đừng ngại ngần phỏng vấn một lần nữa.

Quyên Trần

Sao chép thành công