“Em đã nhận lời mời làm việc tại công ty khác”, chỉ vài từ đơn giản khi nhân viên bỏ việc vậy thôi nhưng lại là một cú đấm như trời giáng đối với tôi.
Khi một nhân viên rời bỏ công ty có 30, 100 hoặc 1000 người thì đó không phải là vấn đề quá lớn, đặc biệt nếu công ty đã xây dựng được thương hiệu mà các tài năng luôn muốn gia nhập. Trái lại, khi một nhân viên rời bỏ công ty 5 người, tức là 1/5 lực lượng lao động đã biến mất chỉ trong một ngày như startup của chúng tôi thì đó là cú sốc, thất vọng, tức giận và cả hoang mang.
Thời hạn đến rất gần rồi, làm sao để kịp ra mắt sản phẩm? Em không thấy rằng em quan trọng như thế nào với công ty sao? Sao em có thể nghỉ việc ngay lúc này?… Hàng loạt phàn nàn, trách móc cứ thế không ngừng xuất hiện trong đầu. Những khó khăn có thể thấy trước khiến tôi hoang mang vô cùng” – anh Minh Khôi, Giám đốc điều hành của một công ty khởi nghiệp vẫn còn nhớ như in cảm giác bị “sốc” khi lần đầu tiên nghe tin nhân viên nghỉ việc.
Tất nhiên đó không phải là lần duy nhất anh bị nhân viên “sa thải” khỏi vai trò quản lý theo cách nói ví von của những người làm công tác nhân sự. “Quãng thời gian đó đã cho tôi rất nhiều bài học về cách ứng xử khi nhân viên nghỉ việc cũng như giúp nhóm giảm nguy cơ xáo trộn khi những thành viên cộm cán bước theo con đường riêng của họ”, anh tâm sự.
Hãy cùng tiếp tục theo dõi câu chuyện của anh Khôi để xem những kinh nghiệm đó là gì và chúng ta có thể áp dụng cho tình huống của mình không nhé.
Nhân viên nghỉ việc là chuyện bình thường như cân đường hộp sữa
Với tư cách là người sáng lập, bạn có thể cam kết dành 10 năm thanh xuân làm việc vất vả vì một mục tiêu duy nhất: biến điều bạn đam mê thành công việc kinh doanh thành công. Bạn sẵn sàng hi sinh nhiều điều để theo đuổi mục tiêu đó nhưng không đồng nghĩa với việc nhân viên của bạn cũng làm như vậy.
Nhân viên không chỉ làm việc chăm chỉ vì công việc kinh doanh của bạn mà họ còn làm vì chính họ. Họ không ngừng nỗ lực để cải thiện bản thân và vị trí của họ trong cuộc sống. Nếu bạn có mục tiêu thì họ cũng có định hướng riêng cho mình, đó có thể là trở thành một người khởi nghiệp giống như bạn, hoặc trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nào đó. Và nếu bạn không thể giúp họ trở thành những gì họ mong muốn, họ có quyền rời đi.
Bạn có thể sẽ khó chấp nhận nếu lần đầu nghe thấy một nhân viên chủ chốt xin nghỉ việc. Tôi cũng vậy. Nhưng dần dần tôi đã nhận ra được cố gắng thuyết phục nhân viên ở lại để giảm bớt khó khăn trước mắt của mình là điều ích kỷ. Tôi chấp nhận rằng đã đến lúc họ cần rời đi và mong cho họ gặp những điều tốt đẹp nhất”, anh Khôi bộc bạch.
Khi được hỏi về một vấn đề khá “hot” trong hầu hết các cuộc “chia tay” rằng có sẵn sàng tăng lương để giữ chân nhân viên hay không, anh thẳng thắn cho biết:
Tiền không bao giờ là lý do tốt để níu kéo nhân viên ở lại
“Sẽ không bao giờ hữu ích khi cố gắng níu kéo nhân viên bỏ việc nếu tất cả những gì họ muốn là nhiều tiền hơn.”
Nếu bạn đồng ý tăng lương, thỏa thuận làm việc chỉ là một giao dịch tiền tệ thuần túy và có thể họ sẽ bỏ việc trong vài tháng sau đó khi được đề xuất một mức lương “ngon lành” hơn. Lúc này cảm giác còn “đau” hơn khi nhân viên xin nghỉ việc lần đầu.
Công việc của bạn là làm cho nhân viên yêu thích công việc
“Không thể mong chờ nhân viên đừng nghỉ việc, việc của bạn là quan tâm hơn đến người ở lại và cố gắng hết sức để họ yêu thích những gì đang làm” anh Khôi tiếp tục câu chuyện.
“Rất nhiều người sáng lập công ty startup bao gồm cả tôi, đã không làm đủ tốt để khiến nhân viên yêu thích công việc của họ trong những ngày đầu. Sau những lần nhân viên rời đi thì tôi chú trọng đến việc này hơn. Tôi dành nhiều thời gian để nói chuyện với nhân viên về cuộc sống, dự định trong tuần tới, năm tới và 5, 10 năm sau của họ cũng như khó khăn mà họ gặp phải.
Mỗi người đều có mục tiêu riêng, điều nào cũng hợp lý và không có cái nào tốt hơn hay kém hơn cái nào cả. Nhưng điều quan trọng là phải biết mục tiêu đó là gì và nếu bạn không thể giúp họ đạt được mục tiêu bằng cách giao cho họ những trách nhiệm phù hợp với mục tiêu đó, thì cuối cùng họ sẽ không hài lòng và đạt kết quả kém ở vị trí của mình.
Và khi bạn đã tạo điều kiện tốt nhất bằng tất cả khả năng có được nhưng họ vẫn ra đi thì họ sẽ làm điều đó với thái độ tích cực nhất, chẳng hạn như nhiệt tình tìm người thay thế, đào tạo người thay thế đó hoặc bất kỳ điều gì khác mà họ có thể làm.”
Đảm bảo guồng quay công việc vẫn suôn sẻ
“Nhân viên nghỉ việc bao giờ cũng sẽ gây xáo trộn nhưng hãy để sự xáo trộn ấy chỉ là thoáng qua”, anh Khôi đưa ra lời khuyên.
Anh chia sẻ “Dù là startup hay các công ty lâu năm thì ai cũng đều muốn tuyển dụng được các nhân viên làm công việc mà không ai khác có thể. Thế nhưng không một nhân viên nào nên một mình một cõi, nắm giữ tất cả mọi thứ trong lĩnh vực nào đó, bởi vì khi họ rời đi những người còn lại sẽ lơ ngơ như bò đội nón ngay lập tức.
Để phòng tránh điều này thì ngay từ lúc còn “sóng yên biển lặng” tôi luôn đặt câu hỏi cho chính mình: Nếu nhân viên X nghỉ việc vào ngày mai, thì công việc sẽ như thế nào? Dĩ nhiên câu hỏi này cũng sẽ dành cho từng nhân viên Y, Z khác và lên kế hoạch chuẩn bị. Đối với những công việc mà chỉ một hoặc hai nhân viên biết cách thực hiện, tôi đều yêu cầu ghi lại quy trình làm việc, bởi vì một ngày nào đó, người khác cũng sẽ cần biết cách thực hiện những điều đó.”
Và chào đón sự trở lại của họ
“Đã hơn một lần tôi nghe ý kiến rằng một khi nhân viên rời công ty của bạn, họ sẽ rất khó quay lại vì theo cách nào đó họ là “kẻ phản bội” và bạn không nên chấp nhận họ. Khi ai đó nói với bạn như thế, hãy nhớ đến Steve Jobs, người đã bị sa thải khỏi công ty của chính mình vì một vụ bê bối, nhưng đã trở lại thành công chỉ vài năm sau đó. Và bây giờ nhắc đến tên công ty, không ai là không nhớ đến ông.
Nếu bạn tạo ra một môi trường chào đón và nếu nhân viên biết rằng họ sẽ được chấp nhận, bạn sẽ ngạc nhiên bởi có rất nhiều người muốn quay lại chỉ sau vài tháng, ngay cả với những điều kiện như nhau và cùng một mức lương mà họ đã có trước đây.
Nếu một người thực sự có giá trị quyết định bỏ việc và rời xa bạn, hãy đảm bảo với họ rằng bạn sẽ luôn vui mừng khi thấy họ quay trở lại. Điều này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về sau, đặc biệt là vì việc tìm kiếm nhân viên mới hoàn toàn phù hợp với doanh nghiệp của bạn trong thời gian ngắn nhất là một việc cực kỳ khó khăn”, anh Khôi tiết lộ.
Bạn có cùng suy nghĩ với những điều trên đây không? Hãy chia sẻ cùng CareerLink nhé.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.28Khám phá cách đọc CV hiệu quả giúp tìm được ứng viên phù hợp
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.215 điều cần tìm kiếm khi tuyển dụng nhân viên Digital Marketing
- Nghệ thuật quản lý2024.10.145 sai lầm trong cách quản lý nhân sự khiến người giỏi rời đi
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.073 kỹ năng giao tiếp giúp phỏng vấn ứng viên hiệu quả hơn