Ngay cả những nhà tuyển dụng giàu kinh nghiệm nhất cũng sẽ có lúc tuyển dụng nhân sự cho một vị trí hoàn toàn mới lạ, vậy họ làm gì để chọn đúng người?
Làm việc trong lĩnh vực nhân sự lâu năm, có lẽ chúng ta đã quá thành thạo trong việc phân loại CV, đánh giá thư xin việc, viết tin đăng tuyển, phỏng vấn ứng viên tiềm năng, đặt câu hỏi phù hợp, kiểm tra người tham khảo, thương lượng lương và nhiều hơn nữa. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta biết rành rẽ về mọi vị trí tuyển dụng.
Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ tuyển dụng cho một vị trí hoàn toàn mới hoặc chúng ta không biết nhiều về nó. Có thể là công việc liên quan đến khoa học, kỹ thuật hoặc điều gì đó chúng ta chưa từng nghe qua trước đây. Sự phức tạp và khó hiểu của một số vị trí có thể làm chúng ta bối rối và quay cuồng. Tuy nhiên, chỉ vì không hiểu về công việc không có nghĩa là chúng ta không thể tuyển dụng đúng người đúng việc.

Vậy, làm thế nào để đưa ra lựa chọn tốt nhất? Hãy xem người trong nghề nói gì về cách họ vượt qua thử thách này nhé.
“Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Hiểu cặn kẽ về công việc mới chọn đúng người” – Chị Nguyễn Thanh Hà, Chuyên viên tuyển dụng
Làm công tác tuyển dụng, không phải lúc nào chúng tôi cũng hiểu đầy đủ ngọn ngành về mọi vị trí cần tuyển. Đó là điều hết sức bình thường. Nhưng quan trọng là không biết thì phải hỏi, thế mới giỏi được.
Có lần, tôi chịu trách nhiệm tuyển kỹ sư dự án, là vị trí mà tôi chưa từng tuyển bao giờ. May là trong công ty đã sẵn có vài người đảm nhận công việc này. Tận dụng “của nhà trồng được”, tôi nhanh chóng liên hệ để có được một khóa học cấp tốc. Tôi mời họ đi cà phê và ăn trưa, sẵn tiện tìm hiểu thêm về vị trí. Tôi nói rõ là mình cần biết thông tin gì và vì sao lại cần để nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất. Tôi cũng hỏi thăm về những gì được mong đợi ở họ, kinh nghiệm trước đây cũng như tìm hiểu điều gì sẽ giúp họ làm tốt hơn ở vai trò của mình. Là anh em cùng công ty nên họ không ngại giúp đỡ, được hỏi gì là cứ kể tuốt, kể cả nhiều chuyện thâm cung bí sử.
Nhờ vậy mà chỉ sau vài buổi là tôi đã nắm được các kỹ năng và kinh nghiệm cụ thể cần thiết cho vai trò cũng như hiểu rõ về các nhiệm vụ hàng ngày có liên quan. Đối với tôi, đó là những kiến thức vô giá khi viết mô tả công việc, thực hiện các cuộc phỏng vấn và chọn đúng người.
Nếu đó là vị trí hoàn toàn mới và chưa có ai đảm nhiệm trong công ty cũng không sao bởi chúng ta có thể tìm kiếm các nguồn lực thay thế. Chẳng hạn như nhờ bạn bè giới thiệu người từng làm ở vị trí đó, tìm hiểu trên internet, đọc qua các mô tả công việc về vai trò đang tuyển dụng để có cái nhìn sơ qua. Nếu là thành viên của các hội nhóm hoặc câu lạc bộ tuyển dụng thì có thể nhờ sự giúp đỡ của các thành viên để hiểu rõ hơn về yêu cầu công việc. Họ có thể giúp chúng ta xác định những điểm chính mà ứng viên lý tưởng nên có, biết đâu còn có thể giới thiệu ứng viên đầy tiềm năng. Bắt tay vào tìm kiếm rồi bạn sẽ thấy kinh ngạc vì lượng thông tin thu thập được.
“Để có thể chọn đúng người khi không biết nhiều về vị trí cần tuyển, nghiên cứu là điều quan trọng.”
“Tự mình thử việc để có sự hiểu biết và kinh nghiệm thực tế” – Đỗ Kim Quý, Senior HR Executive
Khó mà tuyển dụng hiệu quả khi không hiểu đầy đủ về vai trò cần tuyển. Nếu việc hỏi ý kiến chuyên gia và nghiên cứu trên internet chưa giúp bạn tự tin thì cứ làm thử đi. Theo chân một người nào đó đảm nhận vai trò tương tự với vị trí đang tuyển dụng trong 3-4 ngày là cách tôi đã áp dụng để nhanh chóng nắm bắt công việc. Nói vậy chứ không cần phải lăn xả hết mình đâu mà chỉ cần tập trung vào những gì cần thiết để hoàn thành công việc. Với trải nghiệm thực tế, tôi đã có cái nhìn chân thực hơn về vị trí, còn hiểu thêm một số mẹo chỉ người trong nghề mới biết và thuật ngữ liên quan. Cũng nhờ đó mà tôi có thể đặt ra những câu hỏi hay hơn và dễ dàng đánh giá các ứng viên tiềm năng để chọn đúng người.
“Nhờ người có kinh nghiệm làm việc phỏng vấn cùng” – Lê Hữu Chương, Chuyên viên tuyển dụng và đào tạo
Sau khi đã có kiến thức nền vững chắc về vai trò bao gồm những gì, đã sàng lọc và chọn ra các ứng viên tiềm năng, giờ là lúc bắt đầu phỏng vấn. Để quá trình này diễn ra suôn sẻ mình nhờ một đồng nghiệp, người đã đảm nhận vai trò này, ngồi phỏng vấn cùng. Đúng là người có kinh nghiệm có khác, họ đã đặt ra những câu hỏi mà mình không bao giờ nghĩ tới. Nếu bạn cũng áp dụng cách này thì lúc đó đừng ngồi yên nhé. Nhanh tay ghi chú lại các loại câu hỏi mà họ đặt ra và câu trả lời họ mong đợi để làm bí kíp sau này khi phỏng vấn một mình.
Có những lúc “khách mời” bận việc không thể phỏng vấn cùng, mình sẽ hỏi ý kiến của họ về những điều mà mình nên hỏi. Không hỏi thì thôi, hỏi thì như gãi vào chỗ ngứa, họ đưa ra một lô một lốc những kỹ năng quan trọng mà ứng viên cần sở hữu, họ kể về các thách thức trước đây đã gặp phải và cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề này. Điều này giúp ích cho mình rất nhiều trong việc cấu trúc các câu hỏi phỏng vấn và tương tác đúng cách với ứng viên.”
“Tránh ứng viên chưa từng có kinh nghiệm trong vị trí” – Dương Minh Phát, Trưởng nhóm tuyển dụng
Đây là quy tắc của tôi khi tuyển người cho vị trí mà mình không hiểu biết nhiều.
Nhiều lúc ứng viên được chọn đơn giản chỉ vì người phỏng vấn cảm thấy họ có tiềm năng. Điều này có thể đúng trong trường hợp bạn đã quá quen thuộc với vị trí tuyển dụng, bạn sẽ dễ dàng xác định người có tính cách hoặc kinh nghiệm phù hợp. Tuy nhiên, khi không biết gì về vai trò, cảm xúc hay trực giác không còn đáng tin nữa.
Hơn năm trước, công ty tôi có kế hoạch cải thiện năng suất bằng cách áp dụng công nghệ mới. Chúng tôi đã tuyển một người dường như rất thành thạo về cách sử dụng công nghệ này. Anh ấy nói về sự cần thiết phải tự động hóa các quy trình và nêu rõ tầm nhìn mà chúng tôi đang hướng đến. Anh ấy cũng chia sẻ kinh nghiệm sử dụng công nghệ này của mình tại các công ty khác. Nghe đến đâu thấm đến đấy. Nhưng tiếc rằng anh ấy chỉ giỏi lý thuyết thôi chứ chưa bao giờ bắt tay vào làm việc một cách hiệu quả. Vì quá cần người mà chúng tôi đã bỏ qua việc kiểm tra thực tế, đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm.
Rõ ràng, việc tuyển dụng nhân viên mới rất thú vị nhưng cũng khá mệt mỏi. Bạn không chỉ cần dành thời gian phỏng vấn ứng viên mà còn phải hiểu rõ về vai trò để chọn đúng người. Đương nhiên bạn không cần phải loay hoay trong vòng luẩn quẩn một mình mà có thể tận dụng nhiều nguồn lực bên ngoài. Các dịch vụ tuyển dụng như CareerLink hoàn toàn có thể trợ giúp bạn tìm những nhân viên “cứng kỹ năng, giàu kinh nghiệm” trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ không chỉ biết các vị trí đòi hỏi những gì mà còn hiểu thị trường trông như thế nào và có thể đảm bảo đáp ứng các nhu cầu của bạn trong lần tuyển dụng tiếp theo.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
Nghệ thuật quản lýMarch 10, 2025Xây dựng kịch bản phỏng vấn để tìm ra ứng viên chất lượng
Nghệ thuật quản lýMarch 4, 20255 điều cần tìm kiếm khi tuyển dụng kỹ thuật viên
Nghệ thuật quản lýFebruary 27, 2025Làm thế nào để trở thành nhà lãnh đạo thích ứng?
Nghệ thuật quản lýFebruary 26, 2025Can thiệp thế nào khi nhân viên không chịu hợp tác cùng nhau?