Bạn đã có một cuộc trò chuyện qua điện thoại, một cuộc phỏng vấn trực tiếp với ứng viên hoàn hảo và rất vui mừng khi đưa ra lời mời làm việc. Nhưng có một vấn đề xảy ra – ứng viên vừa nhận việc ở một nơi khác. Bạn đã chậm một bước và giờ đây phải làm lại từ đầu.
Có thể nói không có gì khiến bạn khó chịu trong việc tuyển dụng hơn kịch bản trên. Không những vị trí cần tuyển còn đang bỏ trống mà thời gian và công sức của bạn cũng bị lãng phí.
Làm thế nào bạn có thể giữ lại các ứng viên tiềm năng? Bí mật nằm ở trải nghiệm phỏng vấn của họ. Nếu bạn khiến ứng viên có một trải nghiệm tiêu cực, họ sẽ giảm nhiệt và bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở nơi khác. Trong khi bạn mong đợi ứng viên thể hiện sự chuyên nghiệp thì họ cũng mong đợi được đối xử như vậy. Nhiều trường hợp, ứng viên cũng có thể là khách hàng của bạn, do đó hãy giúp họ có được trải nghiệm tích cực.
Vậy, ứng viên mong muốn điều gì trong quá trình phỏng vấn? Đó có thể là 4 điều sau.
Đầy đủ thông tin về vị trí ứng tuyển
Các ứng viên muốn hiểu rõ về những gì họ sẽ thực hiện khi đảm nhận vị trí. Hãy chắc chắn cung cấp cho họ nhiều thông tin cần thiết để họ có thể đưa ra quyết định sáng suốt, bao gồm một mô tả công việc ghi rõ các nhiệm vụ, lương thưởng, phúc lợi và đường hướng phát triển. Bên cạnh đó, cũng đừng quên thể hiện văn hóa của công ty bạn. Hãy đảm bảo rằng ứng viên có thể nhìn thấy toàn bộ bức tranh để có thể đưa ra quyết định chính xác và hào hứng gia nhập đội nhóm của bạn.
Các bước tiếp theo trong quá trình tuyển dụng
Nếu bạn đã phỏng vấn ứng viên thì bước tiếp theo sẽ thế nào? Đó là những gì ứng viên của bạn muốn biết. Quá trình tuyển dụng của công ty trông như thế nào? Bạn sẽ mất bao lâu để đưa ra quyết định cuối cùng? Ứng viên phải đợi bao lâu để biết được kết quả?
Thời gian hợp lý để liên lạc lại với một ứng viên với các bước tiếp theo là hai đến bốn ngày sau phỏng vấn. Nếu quá trình này mất nhiều thời gian hơn, hãy đảm bảo bạn luôn nhớ đến và tuân thủ ngày đã hứa. Ngay cả khi bạn chưa có quyết định cuối cùng thì một email hoặc một cuộc gọi cho ứng viên biết cũng làm cho họ có trải nghiệm tích cực hơn. Ngoài ra, nếu vai trò ứng tuyển bị hủy đột ngột hoặc tạm hoãn trong khi ứng viên đã sẵn sàng thì hãy lịch sự thông báo càng sớm càng tốt để họ có thể tiếp tục tìm kiếm hoặc quyết định chờ đợi công ty của bạn đăng tuyển trở lại.
Giảm thời gian phỏng vấn
Quá trình phỏng vấn có thể kéo dài dựa trên các chính sách tuyển dụng của tổ chức. Trong khi ứng viên đang ứng tuyển vào công ty của bạn, họ cũng có thể đang xem xét các công ty khác. Bằng cách đưa ra quá nhiều vòng phỏng vấn, bạn đang cho thấy rằng bạn không chắc về khả năng của ứng viên và họ không phải là lựa chọn hàng đầu của bạn. Do đó, các ứng viên tiềm năng có thể nhanh chóng rút lui. Ngoài ra, việc đưa ra nhiều phương pháp sàng lọc ngoài cuộc phỏng vấn như các bài kiểm tra IQ, thuyết trình, phỏng vấn nhóm… cũng có thể làm chậm quá trình phỏng vấn và tạo ra nhiều rào cản khiến các ứng viên chùn bước. Do đó, hãy cân nhắc loại bỏ các bước không cần thiết và đưa ra lời đề nghị sớm nhất có thể.
Giao tiếp và kết nối sau phỏng vấn
Yếu tố cần thiết nhất nhưng thường xuyên bị bỏ qua trong quá trình tuyển dụng là liên lạc kịp thời và thường xuyên. Nếu thiếu giao tiếp, các ứng viên sẽ cho rằng họ không được chọn và sẽ theo đuổi các lựa chọn khác. Hoặc nếu đứng giữa hai công ty yêu thích, ứng viên sẽ tự nhiên nghiêng về phía tổ chức nhiệt tình hơn vì họ cảm thấy có giá trị và được tôn trọng. Do đó, việc quan trọng của bạn là luôn kết nối với ứng viên và cho họ biết bạn đang ở giai đoạn nào trong quá trình tuyển dụng.
Tóm lại, các ứng viên không chỉ muốn, mà còn xứng đáng với phép lịch sự và thời gian của họ cần được tôn trọng. Một trải nghiệm phỏng vấn kém có thể ảnh hưởng đến nỗ lực tuyển dụng của bạn và ảnh hưởng đến uy tín của công ty nếu ứng viên đưa những gì đã trải qua lên phương tiện truyền thông xã hội. Nếu thực hiện tốt những điều trên đây, bạn sẽ tránh được sự thất vọng liên quan đến việc mất ứng viên hoàn hảo và đồng thời cũng giúp trải nghiệm của ứng viên về công ty bạn trở nên tích cực hơn.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?