6 câu hỏi để đánh giá chỉ số thông minh cảm xúc của ứng viên

Về cơ bản, chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) là một tập hợp gồm 5 phẩm chất tích cực được cho là giúp mọi người trở nên thành công hơn, bao gồm: nhận biết cảm xúc của chính mình, biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, biết cách tự tạo động lực, hiểu cảm xúc của người khác và biết cách ứng xử hợp tình hợp lý.

Một nhân viên sở hữu trí tuệ cảm xúc sẽ là người xuất sắc trong giao tiếp xã hội vì họ có thể dự đoán và hiểu được hành vi của con người cũng như linh hoạt để giải quyết vấn đề một cách hài hòa. Thế nên, việc đánh giá trí tuệ cảm xúc của ứng viên là điều quan trọng khi nói đến việc tuyển dụng hiệu quả.

Để tìm hiểu sâu hơn về mức độ thông minh cảm xúc thực sự của ứng viên, bạn có thể đặt ra các câu hỏi phỏng vấn sau đây.

Nếu bạn đang tìm kiếm ứng viên có khả năng làm việc nhóm, bạn sẽ cần người có chỉ số thông minh cảm xúc cao hơn mức trung bình”.

Hãy kể về một lần bạn cố gắng làm điều gì đó và thất bại

Yêu cầu ứng viên chia sẻ về một lần gặp thất bại không chỉ là cách hay để xem họ ứng phó thế nào khi mọi thứ không diễn ra như mong đợi, mà còn là cơ hội để biết liệu họ có dũng cảm nhận trách nhiệm cho hành động của mình hay không.

Hãy tìm một ứng viên có thể thẳng thắn nói về thất bại mà không né tránh hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh. Ngay cả khi có một số yếu tố bất ngờ góp phần gây ra sự cố, bạn cũng nên tìm một ứng viên “dám làm dám chịu” và có thể thảo luận những điều gây ra thất bại một cách khách quan.

Khi nhận được phản hồi tiêu cực từ cấp trên, bạn cảm thấy như thế nào?

Một trong những đặc điểm dễ nhận biết nhất của người thông minh về mặt cảm xúc là khả năng ứng phó với lời chỉ trích. Họ tiếp nhận các phản hồi tiêu cực mà không đánh mất đi sự tự tin, bình tĩnh.

Điều đó không có nghĩa là phản hồi tiêu cực không có tác động đến cảm xúc của họ. Họ cũng trải qua các cung bậc cảm xúc giống như mọi người nhưng họ biết cách xử lý những cảm xúc đó với một cái đầu tỉnh táo và tập trung vào việc cải thiện.  

Hãy tìm kiếm một ứng viên có thể mô tả cụ thể cảm giác mà họ trải qua khi nhận được phản hồi tiêu cực và thể hiện sự thấu hiểu về quan điểm của người quản lý.

Ví dụ “Lúc đầu, tôi rất ngạc nhiên và hơi thất vọng trước nhận xét của sếp, nhưng khi tìm hiểu sâu hơn về lý do đằng sau những lời phê bình, tôi nhận ra rằng đáng lẽ tôi nên chú ý nhiều hơn. Tôi luôn sử dụng phản hồi đó như một lời nhắc nhở nghiêm khắc cho bản thân”.

Bạn có thể kể về một xung đột tại nơi làm việc khiến bạn cảm thấy thất vọng?

Ai cũng có lúc nản lòng nhưng cách xử lý sự thất vọng đó mới thực sự quan trọng.

Xung đột có thể khơi dậy nhiều cảm xúc tiêu cực và yêu cầu ứng viên nói về các mâu thuẫn cũng như cách họ giải quyết có thể cho bạn cái nhìn sâu sắc về khả năng quản lý cảm xúc và đồng cảm với người khác của họ.

Những người có chỉ số thông minh cảm xúc cao sẽ có thể giải thích tình huống xung đột một cách rõ ràng và khách quan, đưa ra diễn biến cụ thể về cảm giác của họ vào thời điểm đó, cách họ quản lý cảm xúc và sử dụng ngôn ngữ lẫn các dấu hiệu phi ngôn ngữ để giải quyết tình huống mà không gây tổn hại đến mối quan hệ.

Bạn có sở thích nào ngoài công việc? Cho tôi biết một chút về nó được không?

Hãy yêu cầu ứng viên nói về một trong những sở thích của họ như thể bạn không biết gì về nó. Đó có thể là trồng cây, sưu tầm tem, đá bóng hoặc bất cứ thứ gì họ quan tâm và sẵn sàng chia sẻ thông tin chi tiết.

Khi đó, hãy khiến họ phải đơn giản hóa mọi thứ, giải thích lại hoặc thay đổi phong cách giao tiếp cho phù hợp với sự mơ hồ của bạn và xem cách họ phản ứng. Họ có đang bối rối hay thất vọng hay nhanh chóng thay đổi cách nói hoặc sử dụng từ ngữ dễ hiểu hơn để đáp ứng nhu cầu của bạn không?

Những người có trí tuệ cảm xúc luôn kiên nhẫn và bình tĩnh khi đối mặt với khó khăn trong giao tiếp. Họ có thể dễ dàng nhận ra nếu thông điệp của họ không được truyền tải rõ ràng và sẽ khéo léo điều chỉnh cách tiếp cận để giúp người nghe hiểu rõ hơn.

Đồng nghiệp thích nhất và ghét nhất điều gì khi làm việc với bạn?

Để đánh giá trí tuệ cảm xúc của ứng viên, cụ thể là nhận thức của họ về điểm mạnh và hạn chế của bản thân tại nơi làm việc, hãy yêu cầu họ nói lên suy nghĩ về cách người khác nhìn nhận điều tích cực và không tích cực của họ.

Hãy tìm những ứng viên tỏ ra thoải mái khi đưa ra bình luận thẳng thắn mà không bào chữa hoặc ngay lập tức bác bỏ những lời chỉ trích mà đồng nghiệp đã nói về họ.

Đâu là lúc bạn cần sự hỗ trợ khi thực hiện công việc?

Những ứng viên có trí tuệ cảm xúc luôn tự tin nhưng không tỏ ra quá cao ngạo. Họ nhận thức rõ về điểm mạnh và hạn chế của bản thân và không ngại thừa nhận những gì họ không biết. Họ biết rằng yêu cầu sự trợ giúp và hợp tác với người khác là dấu hiệu của sức mạnh chứ không phải là sự yếu kém.

Hãy cảnh giác với những ứng viên có vẻ do dự hoặc xấu hổ khi thừa nhận đôi khi họ cần giúp đỡ. Và tìm một người có thể tự tin thảo luận về thời điểm mà họ phải cần đến sự giúp đỡ của đồng nghiệp do sự hạn chế của họ về lĩnh vực nào đó, bởi đó là người có chỉ số thông minh cảm xúc khá cao.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công