Đọc vị ngôn ngữ cơ thể ứng viên khi phỏng vấn

Mặc dù đọc vị ngôn ngữ cơ thể chỉ là một phần nhỏ trong việc lựa chọn ứng viên phù hợp, nhưng người phỏng vấn có thể cân nhắc nó để giúp đưa ra quyết định tuyển dụng.

Tìm hiểu về ngôn ngữ cơ thể, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều thông tin thú vị. Như khi khảo sát các vận động viên tham gia Paralympics (thế vận hội dành cho người khuyết tật), các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng họ sử dụng các cử chỉ để truyền đạt một ý nghĩ hoặc ý nghĩa, chẳng hạn như dang rộng cánh tay để thể hiện niềm tự hào. Hoặc những người mù (người chưa bao giờ nhìn thấy cử chỉ của người khác) cũng vậy, họ sẽ dang tay để cho thấy niềm hãnh diện hoặc sẽ kêu lên bất cứ khi nào họ cảm thấy sợ hãi hoặc xấu hổ. 

Rộng hơn nữa, chúng ta thấy ngôn ngữ cơ thể là một phần vốn có của tự nhiên. Chẳng hạn như chim công trống xòe đuôi nhằm gây chú ý với chim công mái hoặc chó vẫy đuôi như một dấu hiệu của sự phấn khích.

Có thể thấy, ngôn ngữ cơ thể là một công cụ phổ biến được sử dụng bởi tất cả các loài để truyền đạt một thông điệp nào đó. Vì vậy, điều quan trọng là phải chú ý đến ngôn ngữ cơ thể bất cứ khi nào chúng ta gặp gỡ mọi người, đặc biệt là khi đang cố gắng đánh giá ứng viên trong cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài khoảng 30 phút.

Để đọc được chính xác ngôn ngữ cơ thể của ứng viên, có một số điều mà mình luôn tâm niệm, xin chia sẻ cùng các bạn.

Xem xét các yêu cầu công việc

Có thể bạn sẽ thắc mắc: Ngôn ngữ cơ thể và mô tả công việc có liên quan gì đến nhau? Câu trả lời là đây: Tùy theo yêu cầu công việc mà mình sẽ chú ý nhiều hơn hoặc ít hơn đến ngôn ngữ cơ thể của ứng viên. Đối với các vị trí như PR, Sales… đòi hỏi kỹ năng giao tiếp xuất sắc và tạo ấn tượng ban đầu tuyệt vời, mình sẽ tập trung đánh giá ngôn ngữ cơ thể ứng viên nhiều hơn. Ngược lại, với những công việc phải dành hàng giờ dán mắt vào màn hình như Developer, thì kỹ năng lập trình xuất sắc có thể quan trọng hơn ngôn ngữ cơ thể của họ.

Đánh giá kết hợp nhiều cử chỉ

Một lỗi sai mà mình và có thể nhiều người khác dễ gặp phải khi mới bắt đầu tập tành đọc ngôn ngữ cơ thể của ứng viên là chỉ tập trung vào một cử chỉ duy nhất rồi mạnh miệng “phán” như đúng rồi. Chỉ với cái gãi đầu của ứng viên thôi đã có rất nhiều ý nghĩa, có thể là họ đang nói dối, họ quên mất điều gì đó hoặc đơn giản là bị gàu. Vậy nên nếu chỉ dựa vào một cử chỉ thì rất khó để biết cách giải thích nào là đúng. Đó là lí do vì sao cần kết hợp nhiều cử chỉ khác nhau mới có thể hiểu đúng về ngôn ngữ cơ thể của ứng viên.

Ngữ cảnh là yếu tố không thể bỏ qua

Ngoài việc đánh giá kết hợp nhiều cử chỉ thì một điều khác cũng giúp chúng ta đọc vị ngôn ngữ cơ thể chính xác hơn, đó là bối cảnh của tình huống. Lần nọ khi đang phỏng vấn ứng viên cho vị trí sales, mình để ý thấy ứng viên cứ ngồi khoanh tay, kiểu như co rúm lại. Mình chợt nghĩ: Không được rồi, nhân viên sales có thái độ phòng thủ thế này thì làm sao mà tiếp cận khách hàng. Nhưng suy nghĩ này nhanh chóng thay đổi khi 5 phút sau ứng viên hỏi rằng có thể tăng nhiệt độ phòng lên một chút không vì bạn ấy không giỏi chịu lạnh. Lúc đó, máy lạnh đang được đặt ở 20 độ và đang hướng thẳng về phía ứng viên.

Chú ý đến trình tự cử chỉ

Có một chi tiết hết sức nhỏ mà nhiều người trong chúng ta thường không quan tâm nhưng lại rất hữu ích khi quan sát ngôn ngữ cơ thể của ứng viên. Mình muốn nói đến trình tự của câu nói và cử chỉ hành động. Nếu ứng viên nói thật, cử chỉ sẽ thể hiện trước và phản ứng bằng lời nói sẽ theo sau. Nếu điều ngược lại xảy ra, đó có thể là một dấu hiệu của sự thiếu thành thật.

Giả sử chúng ta nói rằng: “Công việc này yêu cầu phải đi công tác thường xuyên”, nếu ứng viên trả lời bằng một nụ cười và sau đó trả lời: “Em rất sẵn lòng nếu điều đó tốt cho công việc” thì có thể họ đang nói thật. Nhưng nếu ứng viên trả lời trước, sau đó là một nụ cười, thì chúng ta nên đặt câu hỏi về sự chân thành của họ.

“Khi phỏng vấn ứng viên, đọc vị ngôn ngữ cơ thể có thể giúp bạn đánh giá sự tự tin, khả năng làm việc nhóm và mức độ đáng tin cậy của họ.”

Đưa ứng viên vào môi trường làm việc thực tế                                 

Đôi khi chúng ta sẽ gặp phải những ứng viên dày dặn kinh nghiệm. Họ có CV xin việc hoàn hảo, họ đến với buổi phỏng vấn với những câu trả lời được chuẩn bị chu đáo và thực hiện mọi thứ một cách hoàn hảo. Nếu muốn nhìn thấy “màu sắc” thực sự của họ, chúng ta cần khiến họ mất cảnh giác. Một cách đơn giản để làm điều này là đưa họ ra khỏi phòng phỏng vấn, dẫn họ tham quan văn phòng và giới thiệu họ với các thành viên trong nhóm. Đây là lúc chúng ta có thể nhìn thấy ngôn ngữ cơ thể “chưa được luyện tập trước” của họ, vì vậy hãy chú ý cẩn thận!

Cơ thể và khuôn mặt của ứng viên gửi đi rất nhiều tín hiệu phi ngôn ngữ khác nhau có thể cung cấp những thông tin cực kỳ hữu ích cho nhà tuyển dụng chúng ta. Tuy nhiên, việc đọc ngôn ngữ cơ thể của ứng viên không dễ dàng và nó có những hạn chế riêng.

Ngôn ngữ cơ thể của ứng viên không thể cho chúng ta biết họ sẽ thực hiện công việc như thế nào nhưng nó có thể tiết lộ cảm xúc hiện tại của họ. Đó là lý do tại sao chúng ta nên tránh đưa ra các giả định chung chung.

Khi nhận ra một tư thế, cử chỉ hoặc nét mặt nhất định của ứng viên, hãy sử dụng nó như một gợi ý. Đừng vội kết luận mà hãy tiếp tục hỏi họ nhiều câu hỏi đào sâu để có sự đánh giá chính xác về ngôn ngữ cơ thể của họ. Và một điều mình luôn ghi nhớ là khả năng đọc vị ngôn ngữ cơ thể của ứng viên là một kỹ năng bổ trợ, không thể thay thế cho việc lắng nghe những điều họ sẻ chia.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công