Cách để thoát khỏi sự rập khuôn trong buổi phỏng vấn?

Là người quản lý, cách để thoát khỏi sự rập khuôn trong buổi phỏng vấn là bạn nên đưa ra dạng câu hỏi mang tính thực tiễn cao về những sự việc mà nhân viên đã trải qua thay vì tuân theo mẫu câu hỏi mang tính chất lý thuyết, khuôn mẫu có sẵn như thông lệ.

Bạn có thể “đánh úp” ứng viên bằng các câu hỏi đi thẳng vào trọng tâm vấn đề. Đó vừa là cách tránh trường hợp bạn sẽ nghe những câu trả lời được lập trình sẵn mà ứng viên đã chuẩn bị từ trước, vừa là cách đánh giá được khả năng ứng phó linh hoạt từ ứng viên mà bạn đang quan tâm với mong muốn tìm hiểu rõ hơn về họ. Liệu rằng đây có thật sự là ứng viên tiềm năng cho vị trí mà bạn đang cần hay không? CareerLink.vn sẽ chia sẻ vài gợi ý để bạn cùng tham khảo nhé.

1. Một công việc mà bạn cho đó là “cơn ác mộng”, hãy chia sẻ về quãng thời gian ấy với tôi.

Thay vì đề cập một lần nữa về kinh nghiệm của ứng viên theo cách đơn thuần, thì bạn có thể bắt đầu buổi phỏng vấn bằng câu hỏi về vấn đề khó khăn mà ứng viên đã từng phải đối mặt ở công việc trước đây.

Thông qua những lời chia sẻ đó, bạn cũng phần nào đánh giá được mức độ chịu đựng áp lực công việc và khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên như thế nào?

Chẳng ai có thể thêu dệt nên câu chuyện về cuộc đời mình chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi được cả nên bạn sẽ có cơ hội tiếp thu bài học thật sự bổ ích và chân thật nếu như ứng viên là người có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bạn đang công tác. Qua đó, bạn có thể học hỏi được nhiều điều khi rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Việc đặt ra câu hỏi về quãng thời gian khó khăn của ứng viên là cách phỏng vấn thông minh mà bạn có thể áp dụng để xoay chuyển tình thế theo hướng một buổi trao đổi mang tính tương tác hai chiều.

2. Hoàn thành công việc đúng thời hạn nhưng thiếu xót và trễ hạn nhưng đi sâu vào từng chi tiết, bạn lựa chọn hướng đi nào?

Bạn cũng có thể đề xuất câu hỏi để ứng viên đưa ra sự lựa chọn của họ về một tình huống cụ thể nào đó xảy ra trong công việc, tức là bạn nên vận dụng linh hoạt quy luật “3 phần nổi 7 phần chìm” để sàng lọc ra ứng viên sáng giá nhất. Bởi vì ẩn đằng sau câu trả lời mà ứng viên đưa ra chỉ trong vài phút sẽ phần nào phản ánh về cách làm việc của họ ở môi trường trước đây.

Qua câu hỏi này, bạn sẽ phán đoán được khuynh hướng tư tưởng chú trọng về số lượng hay chất lượng, bộc lộ một phần tính cách trong cách giải quyết công việc của ứng viên. Đồng thời, bạn cũng biết đích xác được thái độ, cách xử trí ưu tiên giải quyết công việc như thế nào? Liệu rằng họ có phù hợp với mong muốn từ phía bạn hay ứng viên có thể thay đổi theo yêu cầu mà bạn đưa ra hay không?

Cách trả lời của ứng viên sẽ thể hiện được tinh thần trách nhiệm đảm bảo tiến độ và chất lượng về công việc, đây là dấu hiệu tích cực cho bạn trong việc cân nhắc chuyển giao khối lượng công việc sao cho hợp lý.

3. Kỹ năng nào bạn chưa nhuần nhuyễn và cảm thấy thiếu tự tin?

Dùng biện pháp phủ định câu hỏi cũng là một trong những cách sáng suốt để thoát khỏi sự rập khuôn trong buổi phỏng vấn, thay vì đưa ra câu hỏi mang ý nghĩa tường minh như “Điểm mạnh/ điểm yếu của bạn là gì?”.

Câu hỏi này sẽ mang lại hiệu quả cao nếu lĩnh vực mà bạn đang quản lý liên quan trực tiếp đến các kỹ năng chuyên môn về thực hành – ứng dụng như phần mềm điện tử, thiết kế, IT,… Qua trao đổi, bạn sẽ nhanh chóng biết được những yêu cầu nào về mặt kỹ thuật mà ứng viên không thể đáp ứng và cân nhắc xem kỹ năng ấy thật sự quan trọng hay có thể cải thiện trong quá trình làm việc sau này hay không?

Lợi thế từ câu hỏi trên sẽ giúp bạn đánh giá mức độ hiểu biết nhất định của ứng viên về công việc, lẽ đương nhiên kỹ năng đó phải thuộc phạm vi yêu cầu vị trí cần có. Bên cạnh đó, ứng viên tự nhìn nhận về mặt hạn chế của bản thân là gì và mong muốn cải thiện nó ra sao? Từ đó, đưa ra giải pháp hỗ trợ cần thiết khỏa lấp đi thiếu xót.

4. Mâu thuẫn từng xảy ra giữa bạn và đồng nghiệp là gì? Bạn giải quyết mâu thuẫn ấy như thế nào?

Đây là câu hỏi ít nhiều đòi hỏi cách trả lời tinh tế của ứng viên. Quá trình tiếp cận vấn đề xảy ra trong trạng thái bất đồng khi xảy ra mâu thuẫn sẽ giúp người quản lý nắm bắt tâm lý, đưa ra sự đánh giá sơ bộ về khả năng kiểm soát cảm xúc của cá nhân ứng viên trong công việc lẫn cuộc sống.

Câu hỏi này là công cụ để bạn kiểm chứng được những kỹ năng mà ứng viên liệt kê trong CV như “kỹ năng làm việc nhóm”, “kỹ năng giao tiếp” có phải là sáo rỗng hay không?Từ tình huống cụ thể, là quản lý, bạn sẽ biết được cách ứng viên ứng xử với đồng nghiệp và khả năng hòa hợp với mọi người xung quanh, tiến tới xây dựng môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp.

5. Ai là người có sức ảnh hưởng lớn trong mọi quyết định về công việc của bạn?

Bởi mỗi người đều có riêng một người thầy “cầm tay chỉ lối”, nên khi ứng viên chia sẻ về việc ai là người truyền cảm hứng và có sức ảnh hưởng lớn trong mọi quyết định liên quan đến công việc của họ thì bạn sẽ biết được ứng viên có phải là người khiêm nhường, có tinh thần cầu tiến, biết cách lắng nghe hay không?

Ứng viên luôn đề cao khả năng tự thân bồi đắp, trau dồi kinh nghiệm sống và làm việc từ những điều giản đơn nhất thông qua sự truyền đạt, chỉ dẫn của người có sức ảnh hưởng lớn trong sự nghiệp của họ. Từ đó, nhen nhóm nên mục tiêu phấn đấu, khẳng định giá trị của bản thân đối với công việc và ngoài cuộc sống. Hẳn đó sẽ là những lời chia sẻ thú vị mà bạn không muốn bỏ qua trong buổi phỏng vấn này.

 Một sự sáng tạo tạo nên điều mới mẻ trong buổi phỏng vấn sẽ khiến ứng viên không khỏi ấn tượng về người đại diện cho công ty là bạn và nếu không được lựa chọn, thì cung cách phỏng vấn thông minh của bạn sẽ đưa đến nhận định về việc lựa chọn của họ là hoàn toàn đúng đắn.

Hương Giang

Sao chép thành công