5 điều chuyên viên tuyển dụng nên làm để kết thúc phỏng vấn

Bạn là chuyên viên tuyển dụng và đang gặp khó khăn để kết thúc buổi phỏng vấn một cách chuyên nghiệp thì không nên bỏ lỡ nội dung sau đây.

Mặc dù mọi phần của cuộc phỏng vấn đều quan trọng nhưng biết cách kết thúc buổi gặp gỡ chuyên nghiệp có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn về việc liệu ứng viên có chấp nhận lời mời làm việc hay không. Vậy, làm thế nào để kết thúc buổi phỏng vấn hiệu quả và nâng cao trải nghiệm của ứng viên?

Cho dù ứng viên có khả năng lọt vào vòng tiếp theo hay không, bạn cũng nên thực hiện những điều sau đây để kết thúc buổi phỏng vấn một cách hoàn hảo.  

5 điều chuyên viên tuyển dụng luôn thực hiện để kết thúc buổi phỏng vấn

Giải quyết mối quan tâm của ứng viên

Mỗi ứng viên đều có một số câu hỏi trong đầu về công việc chi tiết, cách đánh giá hiệu suất cũng như văn hóa công ty, vì vậy hãy để họ lên tiếng và giải đáp thắc mắc đó. Qua các câu hỏi cụ thể, bạn cũng có thể đánh giá sự nhiệt tình của họ đối với vị trí ứng tuyển và giúp cả hai bạn biết chính xác về khả năng tương thích.

Cho ứng viên biết những gì sẽ xảy ra tiếp theo

Hầu hết các ứng viên đều muốn biết những gì sẽ xảy ra sau buổi phỏng vấn. Làm sao họ biết mình đã nhận được công việc hay không? Bạn sẽ gọi cho họ hay gửi email? Họ sẽ nhận được kết quả trong vài ngày hay vài tuần? Hãy kết thúc buổi phỏng vấn bằng cách nói cho ứng viên biết những gì sẽ diễn ra tiếp theo, bạn đang ở đâu trong quá trình tuyển dụng và cách thức họ có thể nhận được phản hồi.

Hãy để họ gặp gỡ nhóm của bạn

Hầu hết các nhà tuyển dụng không cho phép ứng viên tiềm năng gặp gỡ nhóm trước khi gia nhập vì có thể tạo ấn tượng rằng họ đã được chấp nhận. Tuy nhiên, nếu bạn giữ được thái độ trung lập và chuyên nghiệp, việc gặp gỡ các thành viên sẽ cho ứng viên thấy được sự năng động của nhóm cũng như môi trường làm việc thực tế. Điều này có thể tác động đến quyết định của họ về việc “đầu quân” cho bạn thay vì các đối thủ cạnh tranh.

Hoàn thành ghi chú

Hãy xem cuộc phỏng vấn diễn ra thế nào, ứng viên có bằng cấp phù hợp, có thích nghi với văn hóa doanh nghiệp… Ghi chú chi tiết sẽ giúp bạn dễ dàng so sánh các ứng viên và nhắc nhở về bất cứ điều gì nổi bật trong cuộc phỏng vấn, chẳng hạn như các dấu hiệu tích cực hoặc tiêu cực.

Một số dấu hiệu tiêu cực mà các chuyên viên tuyển dụng luôn chú ý bao gồm:

–       Đến muộn;

–       Ít chú ý trong suốt cuộc phỏng vấn (ví dụ như liên tục nhìn điện thoại hoặc lúi húi kiểm tra thời gian);

–       Đặt câu hỏi không liên quan đến công việc, sử dụng ngôn từ hoặc đưa ra ý kiến không phù hợp;

–       Nói dối hoặc phóng đại về kinh nghiệm làm việc…

Cảm ơn các ứng viên

Cuối cùng, hãy cảm ơn ứng viên đã dành thời gian và nhắc lại khi nào họ có thể mong đợi phản hồi từ bạn. Đứng dậy hoặc bắt tay là cách chính thức kết thúc cuộc phỏng vấn và cung cấp tín hiệu để ứng viên rời đi. Bạn cũng có thể tiễn họ đến thang máy hoặc sảnh trước để thể hiện sự nhiệt tình và chu đáo. 

“Kết thúc buổi phỏng vấn là thời điểm mà ứng viên sẽ chú ý nhiều nhất đến lời nói và hành động của chuyên viên tuyển dụng, vì họ đang nóng lòng muốn biết tình trạng của mình.”

Điều các chuyên viên tuyển dụng cần tránh khi kết thúc buổi phỏng vấn

Cung cấp quá nhiều phản hồi

Khi người tìm việc chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, họ thường được khuyên nên hỏi một số câu hỏi nhất định vào cuối buổi gặp gỡ, chẳng hạn như, “Liệu tôi có khả năng được tuyển dụng không?” hoặc “Sau khi gặp tôi, anh/chị có cảm thấy tôi có những gì công ty đang tìm kiếm không?”

Việc trả lời cụ thể cho những câu hỏi này có thể tạo ấn tượng sai cho ứng viên. Thay vào đó, hãy phản hồi một cách chung chung, cho ứng viên biết rằng bạn rất vui khi được gặp họ, bạn sẽ không mời họ đến phỏng vấn nếu họ không có đủ các tiêu chí mà công ty đang tìm kiếm và tại thời điểm này bạn chưa thể so sánh giữa ứng viên này với ứng viên khác.

Đừng để sự nhiệt tình lấn át

Đôi khi một cuộc phỏng vấn diễn ra thực sự tốt đẹp, chẳng hạn như do tính cách của bạn và ứng viên hòa hợp hoặc ứng viên rất đáng yêu hay bạn bị ấn tượng về tính cách hoặc họ có kỹ năng phỏng vấn tuyệt vời và bạn muốn ứng viên biết điều đó.

Nếu bạn không thể tránh được sự háo hức đưa ra phản hồi ngay lập tức, những gì ứng viên có thể cảm nhận được là bạn chắc chắn sẽ tuyển dụng họ.

Việc dành thời gian để xem xét lại trình độ của ứng viên, kiểm tra người tham chiếu và bất kỳ thông tin nào khác đồng thời so sánh tất cả các ứng viên sau khi phỏng vấn luôn là điều cần thiết. Do đó, hãy cố gắng chống lại sự cám dỗ để nói với một ứng viên rằng họ có cơ hội được tuyển dụng rất lớn.

Việc tìm kiếm ứng viên phù hợp có thể gây căng thẳng cho bất kỳ chuyên viên tuyển dụng nào nhưng không phải là quá đáng sợ. Mặc dù bạn chịu trách nhiệm về điều này nhưng nó cũng có nghĩa là bạn kiểm soát kết quả và có thể nhận được chính xác những gì mong đợi. Miễn là bạn có thể đánh giá mức độ quan tâm và phù hợp của ứng viên, không tỏ ra quá phấn khích hoặc tạo ấn tượng sai và ghi chép chi tiết, bạn có thể đảm bảo rằng ứng viên phù hợp có ấn tượng tích cực về công ty trước khi nhận được lời mời làm việc.

Pha Lê

Sao chép thành công