Học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực để quản lý hiệu quả hơn

Nhận ra vai trò của cảm xúc và học cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực tại nơi làm việc sẽ giúp các nhà quản lý tạo ra môi trường tích cực cho nhóm và giúp họ trở nên xuất sắc hơn.

Vừa bước khỏi phòng của sếp, Thùy Linh – một ngôi sao bán hàng đang lên nhận được tin nhắn “Còn sống sót sau bão tố à?”. Linh biết đây không phải là một trò đùa hay nhưng đó là cách nhóm của cô nói đến các cuộc họp với sếp Minh Hải.

Sau khi đã yên vị ở bàn làm việc, Thùy Linh nhắn lại “Mới vừa vào phòng là sếp đã quát vào mặt, mình có nói được gì đâu”. Cô đã làm việc với Minh Hải đủ lâu nên biết sếp không phải là người thô lỗ nhưng việc anh ấy thường làm ầm lên vì những điều hết sức nhỏ nhặt khiến nhóm cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Có điều ít ai biết là đằng sau cánh cửa văn phòng, Minh Hải cũng đang tự hỏi bản thân “Sao mình lại cư xử như vậy chứ?”

Cũng từng rơi vào hoàn cảnh như Minh Hải nên tôi rất hiểu cảm giác của anh. Một trong những cảm xúc mà tôi thường xuyên gặp phải là sự thất vọng. Theo thời gian, sự thất vọng của tôi cứ tuôn trào như dung nham núi lửa, tôi dần trở nên khó chịu hơn và ít có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình. Hay nói đúng hơn, tôi không biết cách phản ứng hiệu quả với những cảm xúc mà mình đang trải qua. Tôi nhớ có lần đã nặng lời với một nhân viên thiết kế khi bạn ấy không hoàn thành công việc đúng hạn. Điều này không giống với tính cách của tôi và càng không phải là thái độ mà tôi muốn thể hiện ở nơi làm việc. Tất nhiên, tôi đã xin lỗi sau đó nhưng trong nhiều trường hợp các mối quan hệ không thể trở lại như trước. Bát nước đã hắt đi, làm sao có thể lấy lại được?

Vì vậy, tôi quyết định sẽ học cách kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn. Tôi chắc chắn không phải là người dễ nổi nóng nhất nhưng tôi vẫn nghĩ đó là điều mình nên làm.

“Làm quản lý oai thật đấy nhưng nó cũng có thể gây căng thẳng và bực bội. Đó là lý do tại sao chúng ta cần học cách kiểm soát cảm xúc khi lãnh đạo nhân viên của mình.”

Học cách kiểm soát cảm xúc để trở thành nhà quản lý tốt hơn

Có thể quản lý cảm xúc không có nghĩa là loại bỏ chúng hoàn toàn. Con người chúng ta là những sinh vật có cảm xúc, vì vậy chúng ta không thể tránh khỏi cảm xúc. Tôi tin rằng điều chúng ta thực sự nên làm và có thể làm là phản ứng với cảm xúc của mình một cách phù hợp và có tính xây dựng hơn.

Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ một số cách mà tôi đã sử dụng để kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Nếu thấy ổn bạn có thể áp dụng thử và xem điều gì hiệu quả với mình.

Bước đầu tiên là nhận thức rõ hơn về cảm xúc. Nếu như trời sắp mưa thường sẽ có mây đen kéo đến, giông gió nổi mạnh thì cảm xúc bùng nổ của chúng ta cũng như thế. Trước khi nổi nóng với ai đó, cơ thể chúng ta sẽ phát đi các tín hiệu riêng. Nếu nhận ra và giảm thiểu các tín hiệu này ngay từ đầu, cơn giận dữ của chúng ta khó có thể dâng cao hơn. Ví dụ như trong các cuộc họp, đôi khi tôi nhận thấy vai mình căng lên mà không rõ lý do. Tôi dần nhận ra rằng đôi vai căng cứng của mình là dấu hiệu của sự căng thẳng. Từ đó trở đi, mỗi khi có cảm giác này tôi cố gắng thả lỏng vai để tránh khiến mọi thứ căng như dây đàn.

Tuy vậy không phải lúc nào chúng ta cũng có thể xác định ngay được cảm xúc mà mình đang có.  Đôi khi khó biết được chính xác điều gì đang xảy ra. Lúc này bạn có thể học cách kiểm soát cảm xúc bằng cách xem xét các giải thích thay thế.

Quá trình này rất đơn giản, bao gồm việc giải thích các sự kiện hoặc hành vi đang gây căng thẳng một cách tích cực hơn. Lấy ví dụ như bạn đang bị ai đó cướp lời trong cuộc họp. Bình thường chúng ta sẽ cho rằng người kia thật thô lỗ, thiếu suy nghĩ, không biết cách giao tiếp, thậm chí là thiếu tôn trọng. Lần này, hãy nghĩ theo cách khác, biết đâu vì họ thực sự hào hứng với ý tưởng đang được đề cập, họ đang bị thôi thúc đóng góp ý kiến vì trong cuộc họp trước bạn đã nói rằng họ cần năng động hơn nữa hoặc đơn giản là họ không nhận ra rằng đã cắt ngang lời của bạn.

Vấn đề ở đây không phải là bào chữa cho những hành vi xấu như nói chen vào mà là đưa ra lời giải thích tích cực để làm giảm mức độ phản ứng cảm xúc của bạn. Điều này có nghĩa là bạn có thể phản hồi một cách nhẹ nhàng và phù hợp hơn thay vì để cảm xúc chi phối.

Cuối cùng, tôi cho rằng nghĩ đến ý định của mình trước khi phản ứng trong mọi tình huống luôn là điều nên làm.

Trong công việc trước đây, tôi đã nhiều lần chọn để cảm xúc kiểm soát phản ứng của mình, trong khi lẽ ra tôi có thể điềm tĩnh hơn. Tôi biết mình đã to tiếng nhưng vẫn làm vì thấy là cần thiết. Việc này khiến tôi cảm thấy tốt vào thời điểm đó nhưng đã làm hỏng mối quan hệ và không thực sự khiến nhân viên tâm phục khẩu phục. Thế nên cần hiểu về ý định của mình các bạn ạ!

Bạn có ý định làm tổn thương người khác hoặc khiến họ cảm thấy xấu hổ không? Hay bạn muốn đạt được một kết quả tích cực.

Nếu là trường hợp thứ hai thì rõ ràng là việc đưa ra một phản ứng mạnh mẽ không giúp ích được gì. Có nhiều cách mang tính xây dựng hơn để gây ảnh hưởng hoặc thuyết phục mọi người về một hướng đi tốt hơn. Còn nếu ý định của bạn là làm tổn thương, thì có lẽ tốt nhất bạn nên tránh tương tác hoàn toàn.

Cảm xúc là một phần quan trọng trong trải nghiệm của con người. Tuy nhiên, có những giới hạn về cảm xúc mà chúng ta nên thể hiện ở nơi làm việc và ở vai trò một nhà quản lý. Thay vì làm nô lệ cho cảm xúc, hãy học cách kiểm soát cảm xúc để dẫn đến các kết quả tốt nhất và mọi nhà quản lý đều có thể bắt đầu cuộc hành trình đó ngay hôm nay.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công