Kinh nghiệm tuyển dụng: 10 điều bạn cần tự hỏi trước khi quyết định

Bạn cần biết một số kinh nghiệm tuyển dụng nếu có kế hoạch phát triển đội ngũ, cụ thể là tự mình trả lời 10 câu hỏi sau đây trước khi chọn bất cứ ứng viên nào.  

Bạn vừa mới hoàn thành cuộc phỏng vấn với ứng viên cuối cùng và đã đến lúc bắt đầu đánh giá để đưa ra quyết định chính thức. Bạn có thể nghiêng về ứng viên nào đó một chút nhưng bạn vẫn chưa chắc chắn lắm. Lúc này bạn cần dành thời gian để xem lại các ghi chú, cân nhắc nhiều hơn nhằm đảm bảo lựa chọn bạn đưa ra là chính xác.

Nhưng làm thế nào bạn có thể đạt được điều đó? Rất đơn giản. Hãy tự hỏi mình 10 câu hỏi sau đây trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Ứng viên có đủ khả năng hay không?

Đây là điều tất nhiên, nhưng bạn cần phải tự hỏi mình điều này trước khi quyết định tuyển dụng bởi chúng ta là con người và thường có thể bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Nhiều ứng viên có cá tính tương đồng với bạn hoặc sở hữu một số đặc điểm nổi bật khiến bạn yêu thích họ và nhìn họ qua lăng kính màu hồng mà bỏ qua việc họ không có đủ khả năng cho vị trí ứng tuyển.

Một trong những kinh nghiệm tuyển dụng hiệu quả là cần tránh tuyển một người không đủ tiêu chuẩn hoặc không phù hợp với vị trí. Vì vậy, hãy nhớ đừng bỏ qua các yêu cầu còn thiếu chỉ vì quá phấn khích.  

Họ sẽ giúp thúc đẩy văn hóa của công ty?

Nhân viên là người giúp thúc đẩy và xây dựng văn hóa công ty. Vì vậy, với mỗi ứng viên mới, điều quan trọng là phải tự hỏi “Họ sẽ thúc đẩy văn hóa của công ty hay làm suy giảm nó?”. Nếu văn hóa của công ty bạn là phản hồi nhanh chóng, sẵn sàng làm việc ngoài giờ khi cần thiết nhưng ứng viên lại không thể thì có thể công ty của bạn không dành cho họ. Nếu chấp nhận hợp tác, họ cũng sẽ không gắn bó lâu dài với công ty.

Họ có một thái độ tuyệt vời?

Chia sẻ về kinh nghiệm tuyển dụng hiệu quả, các chuyên gia nhân sự cho rằng nên chọn một ứng viên có thái độ tích cực là có lý do của nó. Một người có thái độ không tốt khi ứng tuyển có thể họ sẽ có thái độ tiêu cực trong công việc hàng ngày. Điều đó có thể gây ảnh hưởng không tốt đến đội ngũ hiện tại của bạn dù ứng viên đó có nhiều kỹ năng và trình độ giỏi đến đâu đi nữa. Mặt khác, một nhân viên có thái độ tuyệt vời nhưng thiếu một số kỹ năng thì bạn có thể cân nhắc để đào tạo.

Họ giao tiếp tốt như thế nào?

Giao tiếp là chìa khóa tại nơi làm việc. Bạn không thể mong đợi nhân viên đạt năng suất cao nếu họ không thể giao tiếp hiệu quả với nhau. Đó là lý do vì sao giao tiếp là một trong những kỹ năng hàng đầu mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên.

Hãy chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của ứng viên và cách họ nói chuyện. Họ có thư giãn và thoải mái? Họ nói quá nhanh hoặc quá chậm? Hoặc họ nói quá to hay chỉ lí nhí trong miệng?… Cách ứng viên giao tiếp trong quá trình phỏng vấn có thể báo trước cách họ sẽ tương tác với các đồng nghiệp khác. Nếu họ có kỹ năng giao tiếp kém, bạn cần xem xét lại việc tuyển dụng.

Họ có nhiệt tình với công việc ứng tuyển không?

Tuyển dụng một người thực sự hứng thú với công việc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho công ty của bạn, cụ thể là họ sẽ dành nhiều tâm huyết để hoàn thành công việc và nghĩ ra các giải pháp mới nhằm nâng cao năng suất. Những người hào hứng với một vai trò hoặc tổ chức cụ thể thường sẽ có sự chuẩn bị tốt trước khi phỏng vấn. Quan tâm đến thương hiệu của bạn, biết về các thành tựu mới nhất của công ty và mang đến các giải pháp giúp công ty phát triển đều là các dấu hiệu cho thấy vị trí công việc và công ty này là dành cho họ.

Bạn và ứng viên có kết nối được với nhau?

Khả năng xây dựng mối quan hệ với người phỏng vấn là điểm khiến một ứng viên trở nên khác biệt với những người còn lại. Trong công việc, có mối quan hệ tốt giữa các đồng nghiệp sẽ giúp tăng năng suất. Chúng ta đều dành phần lớn thời gian của mình với những người làm việc cùng, vậy nên nếu không có mối quan hệ tốt, công việc sẽ trở nên nhàm chán và kém hiệu quả. Khi các nhân viên của bạn thích nhau thay vì chịu đựng lẫn nhau thì điều này sẽ thúc đẩy sự hợp tác và sáng tạo. Họ sẽ thực sự muốn làm việc và hỗ trợ lẫn nhau vì một mục tiêu chung.

Họ có hoài bão không?

Nếu ứng viên không có động lực, bạn sẽ không thể mong đợi họ thành công và giúp doanh nghiệp của bạn phát triển. Đây là kinh nghiệm tuyển dụng đáng giá bạn cần lưu ý.

Trong quá trình phỏng vấn ứng viên, hãy cảm nhận xem họ có hoài bão như thế nào, quyết tâm của họ mạnh ra sao và đặt câu hỏi xoay quanh các mục tiêu để khám phá ra mức độ cống hiến của họ. Một số câu hỏi bạn có thể hỏi như “Bạn muốn thấy bản thân ra sao trong 5 năm nữa?”, “Mục tiêu dài hạn của bạn là gì?”, “Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì và tại sao bạn theo đuổi những mục tiêu đó?”… Tìm một ứng viên đầy hoài bão có nghĩa là bạn đang tuyển một người gắn bó lâu dài với công ty của bạn.

Họ có thừa nhận sai lầm?

Nhiều người cho rằng sai lầm là dấu hiệu của sự yếu đuối và thiếu khả năng. Tuy nhiên, thực tế là sai lầm sẽ cho chúng ta rất nhiều bài học quý giá. Vì vậy, hãy tìm một ứng viên dám thừa nhận thất bại và rút ra được bài học từ các sai lầm đó.

Họ có hỏi các câu hỏi không?

Các ứng viên không đặt câu hỏi có thể không quan tâm đến vai trò, công ty của bạn và cũng không quan tâm liệu họ có được tuyển dụng hay không.

Cung cấp cho ứng viên cơ hội để đặt câu hỏi với bạn trước khi cuộc phỏng vấn kết thúc là một kinh nghiệm tuyển dụng hiệu quả khác. Nếu họ quyết định đặt câu hỏi, những gì họ hỏi sẽ cho bạn biết thêm về việc họ là ai. Và các loại câu hỏi sẽ cung cấp cho bạn ý tưởng về những suy nghĩ của ứng viên và những gì họ cho là quan trọng.

Tôi có bất kỳ khúc mắc nào chưa giải quyết?

Người tham khảo của ứng viên có trung thực không? Các thông tin bạn kiểm tra có trùng khớp với những gì họ đã trình bày? Có bất cứ điều gì đáng nghi ngờ khiến bạn phân vân? Nếu bạn nghĩ rằng có điều gì đó cần được làm sáng tỏ, hãy tìm hiểu kỹ hơn. Và nếu bạn có cảm giác rằng có gì đó không ổn thì đừng ngần ngại khám phá thêm. Tốt hơn là hỏi trực tiếp ứng viên tiềm năng của bạn. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm tuyển dụng hiệu quả mà bạn nên thực hiện.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công