7 điều cần thiết để phát triển kỹ năng ra quyết định

Kỹ năng quan trọng nhất mà nhà lãnh đạo cần có là kỹ năng ra quyết định, bởi đó là một trong những chìa khóa dẫn đến sự thành công. Chất lượng và kết quả từ quyết định của lãnh đạo có khả năng ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến nhân viên và cả công ty. Vì vậy, điều quan trọng là phải biết tối đa hóa kỹ năng ra quyết định nếu bạn muốn trở thành một nhà quản trị có hiệu quả thực sự. Vậy cần phải làm gì để phát triển kỹ năng ra quyết định? CareerLink.vn sẽ chia sẻ với bạn 7 điều cần thiết để phát triển kỹ năng này.

1. Lập kế hoạch

Để trở thành một nhà lãnh đạo với nhiều quyết định chính xác, bạn cần nắm vững và áp dụng nhiều kỹ năng. Trong đó, có lẽ kỹ năng lập kế hoạch là yếu tố cơ bản nhất giúp bạn đưa ra quyết định và giải pháp tốt nhất trong kinh doanh. Đứng trên góc độ ra quyết định, lập kế hoạch là một loại ra quyết định đặc thù để xác định một tương lai cụ thể mà các nhà quản lý mong muốn. Giá trị lớn nhất mà bản kế hoạch tạo ra là phác thảo ra được một bức tranh trong đó đánh giá tất cả ưu thế lẫn hạn chế, mô tả và phân tích các viễn cảnh tương lai về nền tảng kinh tế của công ty. Khi bạn lập được một bản kế hoạch cụ thể, chi tiết thì bạn sẽ có một tầm nhìn mới về các kế hoạch của công ty, nhanh chóng tiến hành phối hợp được mọi nguồn lực từ cá nhân đến tập thể để đạt được các mục tiêu chung.

2. Phân tích vấn đề thấu đáo

Để ra quyết định hiệu quả, bạn cần phân tích một cách kỹ lưỡng để cân nhắc những lợi ích và thiệt hại, đặt chúng lên bàn cân và xem kết quả. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ là dễ dàng. Chính vì vậy, bạn cần phân tích mọi việc thật chi tiết để xác định các vấn đề hiện có của các bên liên quan và các mục tiêu mong muốn cuối cùng. Việc xem xét từ tổng quát đến chi tiết là kim chỉ nang cho việc ra quyết định một cách hiệu quả và chính xác.

3. Làm chủ cảm xúc cá nhân

Đây là kỹ năng đòi hỏi bạn cần phải thường xuyên rèn luyện bởi cảm xúc là thứ khó điều khiển và kiểm soát nhất. Các vấn đề gây tranh cãi trong quá trình thực hiện để đưa ra quyết định có thể làm bạn cảm thấy bực bội, nhưng hãy luôn nhớ rằng việc thể hiện cảm xúc cá nhân lúc đó có thể dẫn đến kết quả không như mong muốn. Một phút nóng giận hay một quyết định cảm tính có thể khiến kế hoạch của bạn hoàn toàn thất bại. Vì vậy, ngay cả trong lúc bực tức, bạn cũng nên giữ sự minh mẫn, bình tĩnh giải quyết trọn vẹn vấn đề. Người có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình sẽ có những quyết định khách quan nhất.

4. Ứng biến linh hoạt

Với mỗi trường hợp cụ thể, bạn sẽ gặp phải tình huống bất ngờ đòi hỏi bạn phải có cách ứng biến và quyết định linh hoạt, phù hợp. Một kế hoạch dù được tính toán kỹ lưỡng đến đâu thì khi áp dụng vào thực tế cũng sẽ nảy sinh khó khăn, khúc mắc. Khi điều này xảy ra, bạn có thể cân nhắc xem có nên xử lý linh hoạt theo từng tình huống thực tế hay không, đánh giá tình hình từ nhiều khía cạnh khác nhau để giúp bạn thấy được điểm mấu chốt của vấn đề, từ đó mà có quyết định hợp lý.

5. Chấp nhận và học hỏi từ những thất bại

Đôi lúc chúng ta sẽ phải đối mặt với thất bại từ chính quyết định của mình. Có một sự thật rằng không có một quyết định nào mà không có mặt hạn chế. Đừng bao giờ để quyết định nào đó từng thất bại trong quá khứ ám ảnh bạn suốt một thời gian dài. Thất bại là bài học vô giá, hãy nghiên cứu, học hỏi và tận dụng chúng, chắc chắn bạn sẽ thành công. Nhớ rằng người thành công là người biết kiên trì, nhẫn nại, thay vì thất bại khiến mình gục ngã thì hãy rút ra bài học từ sai lầm đó và tiếp tục tiến lên. Vì vậy, bạn hãy bĩnh tĩnh, sáng suốt để tìm ra phương án khắc phục tốt nhất cho sai lầm của chính mình.

6. Đánh giá chủ quan

Khi ra quyết định, đôi lúc bạn cần đến sự đánh giá chủ quan, ví dụ như kinh nghiệm hay cảm xúc. Có một thí nghiệm được nhà tâm lý học Wesley Moons cùng các đồng nghiệp thuộc trường Đại học California (Mỹ) đưa ra khi yêu cầu hai nhóm sinh viên xác định chiếc xe lý tưởng nhất để mua trong hai chiếc xe có sẵn. Một nhóm sinh viên được yêu cầu chọn lựa dựa trên phân tích các thông số kỹ thuật của hai xe, nhóm còn lại dựa trên cảm giác của mình. Kết quả là có đến 70% số sinh viên quyết định theo cảm xúc đã chọn được chiếc xe tốt hơn, trong khi con số này ở nhóm phân tích là 25%. Từ đó có thể cho thấy những đánh giá chủ quan cũng có thể giúp bạn giải quyết được vấn đề nhưng đừng lạm dụng bởi đôi lúc sẽ dẫn đến phán xét hoặc quyết định sai lầm, thiếu căn cứ xác thực.

7. Lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các thành viên

Quá trình ra quyết định luôn luôn có ảnh hưởng tới các thành viên trong nhóm. Lợi ích là của tập thể nên tất cả thành viên đều có quyền và nghĩa vụ đóng góp ý kiến cho kế hoạch, quyết định đó. Lắng nghe là cách thể hiện sự tôn trọng đối với các thành viên trong nhóm, cũng như thể hiện trách nhiệm của mỗi người vào công việc chung. Điều này tường chừng như đơn giản nhưng lại chính là chìa khóa giúp quá trình làm việc nhóm đạt đạt hiệu quả cao hơn, đưa ra được những quyết định chính xác và mang lại thành quả cho công ty.


Ra quyết định chính xác, được mọi người ủng hộ và đem lại chất lượng công việc tốt nhất là cả một nghệ thuật mà tất cả các nhà lãnh đạo đều phải học hỏi và rèn luyện. Nếu bạn thực sự nắm được 7 điều cần thiết để đưa ra quyết định đúng đắn, bạn sẽ ngạc nhiên với bước tiến mà bạn đạt được trong công việc hiện tại và sự nghiệp tương lai.


Phương Thảo

Sao chép thành công