Các cuộc phỏng vấn hội đồng có phù hợp với công ty của bạn?

Phỏng vấn hội đồng là khi có hai, ba người (thường là những người ra quyết định trong công ty) trở lên phỏng vấn một ứng viên cùng lúc. Chiến thuật tuyển dụng này nhằm mục đích kết hợp phản hồi từ nhiều nguồn khác nhau thay vì dựa vào đánh giá của một cá nhân. Vì điều này nên phỏng vấn hội đồng được đánh giá là mang lại kết quả rất khả quan. Mặc dù vậy, bạn có nên sử dụng hình thức này cho những lần tuyển dụng sắp tới không? Và lí do tại sao?

Để giải tỏa nghi ngờ này, không còn cách nào tốt hơn là đi sâu vào những ưu và nhược điểm của các cuộc phỏng vấn hội đồng. Bắt đầu nào!

Các cuộc phỏng vấn hội đồng có phù hợp với công ty của bạn

Trước tiên hãy cùng tìm hiểu về ưu điểm của phỏng vấn hội đồng nhé.

Anh Đặng Tiến Đạt, Trưởng phòng Nhân sự chia sẻ: “Với tôi, phỏng vấn hội đồng rất hữu ích vì chúng giúp loại bỏ được một vấn đề nhức nhói trong tuyển dụng, đó là sự thiên vị. Tất cả chúng ta đều có một vài thành kiến ​​trong tiềm thức của mình về nhiều vấn đề trong công việc lẫn cuộc sống và phỏng vấn cũng không ngoại lệ.

Với các cuộc phỏng vấn 1-1, nhà tuyển dụng có thể đánh rớt ứng viên chỉ vì cái bắt tay của họ yểu xìu hay không giao tiếp bằng mắt đủ nhiều khi trả lời câu hỏi. Hoặc nhà tuyển dụng cho rằng ứng viên là mảnh ghép hoàn hảo vì cả hai cùng thích một đội bóng hay có chung quan điểm về cảnh đẹp của một đất nước xa xôi. Đây là những quyết định bị che mờ bởi định kiến cá nhân, không hề có chút công tâm nào nhưng lại rất phổ biến khi phỏng vấn.

Các cuộc phỏng vấn hội đồng loại trừ hoàn toàn khả năng xảy ra những điều như vậy. Vì có nhiều người cùng tham dự nên một lập luận vô căn cứ được đưa ra sẽ ngay lập tức bị phản bác, do đó sẽ không có chỗ cho bất kỳ hình thức thiên vị nào. Điều này giúp cho việc đánh giá công bằng và khách quan hơn”. 

Cùng suy nghĩ với anh Đạt, chị Huỳnh Mỹ Phương, Chuyên viên Nhân sự cũng đóng góp ý kiến: “Với phỏng vấn hội đồng, chúng ta sẽ có nhiều góc nhìn hơn và điều đó giúp đánh giá ứng viên một cách toàn diện hơn.

Ở đây, những người phỏng vấn thường là đại diện của các bộ phận khác nhau và cũng không giống nhau về độ tuổi, thâm niên và vị trí. Vì tất cả họ đều đến từ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau nên khả năng đưa ra các câu hỏi “đụng hàng” là rất thấp. Thay vào đó, họ có thể nghĩ ra những điều độc lạ khác nhau cho từng ứng viên. Ngoài ra, mỗi người cũng có thể tập trung vào một khía cạnh khác nhau về kiến ​​thức, kỹ năng, hành vi, kinh nghiệm làm việc và tiềm năng trong tương lai của ứng viên. Điều này sẽ hỗ trợ việc đánh giá chính xác hơn về ứng viên và đưa ra lựa chọn phù hợp nhất”.

“Một ưu điểm khác của phỏng vấn hội đồng là ứng viên sẽ được làm quen với văn hóa làm việc của công ty”, chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh, HR Senior giải thích. “Với các cuộc phỏng vấn 1-1, ứng viên chỉ có thể gặp một, hai nhân sự của công ty, khiến họ ít có sự hiểu biết về toàn bộ cuộc sống nơi công sở cũng như kỳ vọng dành cho họ. Khi phỏng vấn hội đồng thì khác, ngoài việc có thể làm quen với những người làm việc cùng, thông qua cách họ trao đổi, bàn luận thậm chí tranh biện, ứng viên sẽ có cái nhìn thực tế về những gì đang diễn ra cũng như hiểu rõ mong chờ của các bên liên quan dành cho vị trí của họ”. 

Bên cạnh đó thì “Những ưu điểm của phỏng vấn hội đồng đều đã mọi người chia sẻ hết rồi. Mình chỉ thêm một ý nhỏ thôi, là nếu công ty muốn đào tạo về kỹ năng phỏng vấn cho những nhân viên nhân sự mới thì phỏng vấn hội đồng là lựa chọn số một. Trải nghiệm thực tế sẽ là cách tốt nhất để họ tích lũy kinh nghiệm về cách thực hiện một cuộc phỏng vấn hiệu quả”, anh Nguyễn Thanh Lý, HR Admin chia sẻ.

“Mục tiêu chính của phỏng vấn hội đồng là để có được cái nhìn toàn diện về ứng viên, cũng như đánh giá khả năng tương thích của họ với nhóm và doanh nghiệp.”

Đi cùng với các ưu điểm, phỏng vấn hội đồng cũng có những nhược điểm.

“Dễ thấy nhất là nếu làm không khéo, các cuộc phỏng vấn hội đồng có thể khiến ứng viên có ấn tượng không tốt về công ty.

Thử nghĩ nhé, đối mặt với quá nhiều người phỏng vấn, thậm chí là các lãnh đạo cấp cao có thể khiến ứng viên rơi vào trạng thái sợ hãi. Phỏng vấn vốn dĩ đã khiến mọi người căng thẳng rồi lại còn phải tiếp xúc với rất nhiều người lạ đang cố gắng tìm hiểu tất tần tật mọi thứ về mình, thậm chí còn bắt bẻ, vặn vẹo đủ điều. Thế nên, dù có thể đã biết trước và có sự chuẩn bị nhưng rất nhiều người vẫn toát mồ hôi hột, nói lắp, tay chân lúng túng không biết để đâu.

Nào chỉ vậy, còn có quá nhiều câu hỏi do nhiều người phỏng vấn đặt ra khiến cả ứng viên có năng lực cũng có thể bối rối và không thể hiện hết khả năng, dẫn đến việc chúng ta không thể đánh giá đầy đủ. Càng khó hơn nếu ứng viên là người hướng nội không thích và cũng không giỏi giao tiếp, họ sẽ có trải nghiệm tiêu cực và điều đó gây ảnh hưởng đến thương hiệu tuyển dụng”, chị Mỹ Phương phân tích.

“Phỏng vấn hội đồng có nhiều cái lợi nhưng tiềm ẩn trong đó là xung đột rất dễ xảy ra. Do người tham dự đến từ các vai trò khác nhau nên khi ứng viên đưa ra câu trả lời nào đó, mỗi người có thể diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Có người đồng ý cũng có người phản đối. Cùng một việc nhưng người này có thể nhìn ra “quả táo”, người khác nhìn ra “quả lê”. Điều này dễ dẫn đến bất đồng giữa các thành viên. Nếu không tuân thủ các tiêu chuẩn đánh giá đã được thống nhất thì việc ra quyết định sẽ rất khó khăn”, anh Thanh Lý tiếp lời.

Với anh Tiến Đạt thì “Cũng giống như các hình thức phỏng vấn khác, phỏng vấn hội đồng cũng có nhiều nhược điểm như kéo dài thời gian hơn và ảnh hưởng đến công việc của người tham dự.

Không có hình thức phỏng vấn nào là tốt nhất hay tệ nhất. Mỗi kiểu phỏng vấn sẽ phù hợp với từng tình huống khác nhau. Và để biết khi nào cần sử dụng hình thức nào, bạn cần đánh giá vị trí bạn đang tuyển dụng là gì, đó là vị trí quản lý hay nhân viên, bạn muốn đánh giá những phẩm chất nào? Công ty của bạn có thời gian và nhân lực để thực hiện các cuộc phỏng vấn hội đồng không?”.

Nếu quyết định phỏng vấn hội đồng, bạn có thể áp dụng các mẹo mà anh Tiến Đạt chia sẻ sau đây để tăng thêm hiệu quả.

Khi chọn ai sẽ phỏng vấn ứng viên, bạn cần đảm bảo sự đa dạng. Tốt nhất là hội đồng phỏng vấn nên bao gồm nhân viên tuyển dụng, một hoặc hai người trong bộ phận mà ứng viên sẽ làm việc cùng với đại diện của bộ phận khác có tương tác thường xuyên với ứng viên, trong đó nhân viên tuyển dụng sẽ đóng vai trò là người dẫn dắt cuộc phỏng vấn.

Cùng với sự đa dạng người tham dự, các thành viên trong hội đồng phỏng vấn cũng cần biết về bản mô tả công việc, thông tin chi tiết về ứng viên, các chủ đề cấm kỵ, những gì cần chú trọng và thời điểm thích hợp cho từng câu hỏi, nên thay phiên đặt câu hỏi như thế nào. Việc tấn công dồn dập tất cả các câu hỏi cùng lúc có thể khiến ứng viên choáng ngợp và sợ hãi, điều này sẽ dẫn đến sự thiếu hợp tác và trải nghiệm ứng tuyển tiêu cực.

Với các câu trả lời đưa ra, mỗi người tham dự nên ghi chú riêng để có thể thảo luận về sau và dựa vào đó để đưa ra quyết định. Buổi thảo luận này nên thực hiện trong vòng 24 giờ sau khi diễn ra buổi phỏng vấn hội đồng nhân lúc mọi điều vẫn còn mới mẻ trong tâm trí mọi người. Nhớ là đừng để bị sa lầy bởi ý kiến của một người về một hoặc hai khía cạnh nhỏ nào đó mà cần đánh giá toàn diện các kỹ năng cốt lõi. Và đừng quên, không có ứng viên nào là hoàn hảo cả.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công