Mục Lục
Một chiến dịch thảm họa, một khách hàng bị mất, một dự án bị hủy, một sự cố dịch vụ… những thất bại như thế này sẽ ảnh hưởng đến sự tự tin chung của bất kỳ đội nhóm nào. Là sếp, vai trò của bạn là hướng dẫn nhân viên đi đến chiến thắng và vực dậy tinh thần sau những thất bại không thể tránh khỏi. Nhưng làm thế nào để bạn truyền cảm hứng để họ tiếp tục hành trình mà không làm mất đi sự tự tin và động lực vốn có?
Hành động cần thiết giúp nhân viên vực dậy tinh thần sau thất bại
Dành ra khoảng thời gian nhất định để bạn và nhân viên cùng bình tĩnh lại
Nhân viên gặp thất bại có thể gây tổn thất cho công ty, dẫn đến hiệu suất kém và sự thụt lùi của nhóm. Chính vì vậy mà nhiều nhà quản lý cảm thấy thất vọng, than trời trách đất thậm chí là nổi giận đùng đùng. Tuy nhiên, giận quá mất khôn. Nếu bạn cảm thấy cảm xúc của mình có thể lấn át lý trí, hãy uống một tách cà phê hay đến một không gian thoáng đãng hơn để “hạ hỏa”. Sự bình tĩnh là cái nôi của sức mạnh. Khi đã giải tỏa căng thẳng, bạn có thể sử dụng lý trí để đánh giá lại tình hình và suy nghĩ về các giải pháp theo góc nhìn hợp lý.
Ngoài ra, khi nhân viên gây ra lỗi, họ cũng rất bối rối và hoảng sợ. Nếu họ có vẻ xúc động, hãy cho họ cơ hội để lấy lại tinh thần trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện về thất bại.
“Với tư duy đúng đắn, nhóm của bạn vực dậy tinh thần và rút ra những bài học giá trị giúp biến thất bại trở nên tích cực.”
Lắng nghe và kiềm chế mong muốn chỉ trích
Khi bạn và nhân viên đã ổn định xong cảm xúc của mình, đã đến lúc cùng nhau thảo luận. Nhân viên có thể sẽ sợ cuộc trò chuyện đầu tiên với người quản lý sau khi trải qua thất bại (Trong sự nghiệp, chắc hẳn bạn cũng đã từng gặp thất bại và hiểu được cảm giác lúc ấy phải không?). Thế nên, bạn cần đảm bảo rằng trong suốt cuộc họp, nhân viên cảm thấy thoải mái và an toàn. Bạn có thể bắt đầu bằng cách hỏi nhân viên những câu hỏi đơn giản như họ cảm thấy thế nào, cảm xúc ra sao. Chú ý là khi đặt câu hỏi, bạn cần cho thấy mục đích là để có được thông tin, chứ không phải hỏi cho có hay nhằm mỉa mai, đánh giá thấp khả năng của họ.
Dù đơn giản là muốn xả giận chứ không có ý xấu nhưng bạn cũng nên kiềm chế mong muốn chỉ trích. Trừng phạt nhân viên và chỉ trích công việc của họ sẽ chỉ tạo thêm căng thẳng và thất vọng. Hãy tạo động lực cho nhân viên vực dậy tinh thần thông qua thái độ tích cực bằng việc để họ giải thích, lắng nghe và giao tiếp bằng mắt, ghi chú lại nếu cần thiết.
Chỉ cần cảm thấy thoải mái khi nói ra suy nghĩ của mình cũng có thể giúp ích rất nhiều. Nhân viên sẽ không ngại nói thật những điều gặp phải, chân thành tiết lộ nhiều điều trước đây bạn chưa nghĩ, chưa nghe và chưa biết đến, từ đó bạn có thể đưa ra phương hướng xử lý, cải thiện để đưa nhóm hướng đến thành công.
Thể hiện tinh thần xem thất bại là cơ hội để phát triển
Theo quan điểm của tôi, thất bại không nên bị “phân biệt đối xử” là điều gì đó tồi tệ hay đáng tránh xa. Chúng ta vẫn thường nghe nói “Thất bại là mẹ thành công” đấy thôi. Rốt cuộc, làm sao có thể phát triển nếu chúng ta không mắc lỗi? Thất bại cho thấy sự quyết tâm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Khi thất bại, chúng ta không chỉ biết được các suy nghĩ, giả định của mình đúng hay sai mà còn học cách cải thiện và phát triển. Là người quản lý, bạn có nhiệm vụ vô cùng ý nghĩa là giúp nhân viên biến lỗi lầm thành cơ hội học tập và là đòn bẩy cho thành công.
Để nhấn mạnh những mặt tích cực của thất bại, hãy chia sẻ rằng bạn cũng đã từng mắc lỗi. Điều này có thể khiến họ cảm thấy thoải mái hơn khi thảo luận về những thách thức và thiếu sót của bản thân. Ngoài ra, hãy cho họ một số góc nhìn tích cực hơn, chẳng hạn như thất bại của họ sẽ không làm mặt trời mọc ở hướng tây hay trái đất quay theo chiều ngược lại.
Vạch ra con đường giúp họ tiếp tục tiến về phía trước
Khi bạn và nhân viên của mình đã xác định được quy trình của họ sai ở đâu, đã đến lúc đánh giá phương pháp nào sẽ hiệu quả hơn trong trong thời gian sắp tới.
Một chiến lược mà tôi đã học được trong nhiều năm quản lý của mình để giúp nhân viên đối phó với thất bại là chỉ cần suy nghĩ về phía trước. Thất bại đã là quá khứ, không thể làm gì để thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm nhiều điều để đạt được kết quả thuận lợi hơn trong tương lai. Tôi khuyến khích nhân viên hãy bỏ lại thất bại phía sau và tiến về phía trước bằng cách tập trung năng lượng của họ vào việc xác định những bài học nào từ thất bại này có thể giúp thử thách tiếp theo của họ đạt được thành công.
Khi quyết định con đường phía trước, hãy cân nhắc những nguồn lực nào có sẵn cho nhân viên, mức độ tự tin của họ, những kỹ năng nào cần cải thiện và xem họ hứng thú nhất với điều gì đồng thời hướng dẫn họ vượt qua mọi khó khăn có thể gặp phải. Bằng cách này, họ sẽ sớm nhìn nhận thất bại theo một góc nhìn khác. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là nhân viên không phải chịu trách nhiệm về sai lầm của mình. Họ vẫn phải thừa nhận về những điều đã gây ra nhưng không nên mãi đắm chìm vào thất bại trong quá khứ.
Mục tiêu của bạn ở vai trò quản lý không nên là ngăn chặn hoàn toàn những thất bại và sự thụt lùi. Sai lầm có thể là điều tốt và thường dẫn đến sự đổi mới của nhân viên, tăng trưởng kinh doanh và những hiểu biết mới cho công ty. Điều quan trọng là định hình chúng theo cách khuyến khích nhân viên của bạn vực dậy tinh thần, tiếp tục nỗ lực và cùng nhau trở nên tốt hơn.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.205 cái bẫy cần tránh khi phỏng vấn tuyển dụng ứng viên
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.13Offer letter nên tránh lỗi nào để tăng cơ hội ứng viên đồng ý?
- Nghệ thuật quản lý2025.01.066 dấu hiệu bạn đang lãnh đạo nhóm hiệu quả
- Bí quyết tuyển dụng2024.12.305 câu hỏi giúp đánh giá khả năng ứng viên qua CV