Tích lũy nhiều kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự, bạn sẽ sớm có thể tìm được những ứng viên tốt nhất.
Dạo một vòng internet chúng ta có thể bắt gặp vô số lời khuyên dành cho ứng viên về cách để có một buổi phỏng vấn thành công. Thế nhưng, ngoài gợi ý về các câu hỏi phỏng vấn nên hỏi thì có rất ít bài viết nói đến việc người phỏng vấn cũng có thể tự tay phá hủy quy trình tuyển dụng của chính mình và cách để tránh điều đó.
Như những người làm nhân sự chúng tôi luôn nói, tuyển dụng là một con đường hai chiều và điều tối quan trọng là người phỏng vấn phải có phong độ cao nhất, ít ra thì cũng bằng những người được họ phỏng vấn. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Làm sao có thể tuyển dụng một ngôi sao đang lên nếu kỹ năng phỏng vấn của chúng ta khiến họ cảm thấy hoài nghi, kinh ngạc và thậm chí khó chịu?
Trong cuộc trò chuyện với một vài người bạn cũ gần đây, tôi được nghe về các tình huống phỏng vấn “ối giời ơi” mà họ đã gặp phải. Tôi nghĩ rằng những câu chuyện nhỏ này sẽ rất hữu ích với chúng ta – những người luôn hướng đến một quy trình tuyển dụng hiệu quả – nên chia sẻ cùng các bạn sau đây.
Kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự từ những chia sẻ của người trong cuộc.
Vội vã chạy thoát thân
Đầu tiên là tình huống của bạn Thủy Tiên. Cách đây vài năm, bạn được mời đến phỏng vấn ở một đại lý xe ô tô cho vị trí Nhân viên nội dung và quản lý trang web.
“Khi mình đến đó, người phỏng vấn vẫn chưa sẵn sàng lắm. Anh ấy (tạm gọi là T.) đã quên lịch phỏng vấn với mình. Sau khi đợi khoảng 15 phút, mình được mời ngồi vào một trong những chiếc bàn tiếp khách ở sảnh lớn, giống như mình là một người đến mua xe vậy. Ngỡ ngàng lần thứ nhất.
Sau một vài câu giới thiệu, anh T. cho mình xem trang web của đối thủ cạnh tranh và hỏi mình về những điều cần làm để có một trang web giống như vậy. Mình nói rằng mình cần xem xét trang web và nói sơ qua về cách tạo nội dung, hình ảnh, quy trình làm việc, kỳ vọng và những thứ tương tự như thế. Anh ấy lại khiến mình ngỡ ngàng lần 2 với câu hỏi “Không, không. Ý anh là em có thể làm điều này trong vài giờ, đúng không?”
– Không anh, không thể làm điều này chỉ trong vài tiếng đồng hồ được.
– Có một ứng viên khác nói với anh rằng bạn ấy có thể làm trong một ngày.
– Vậy tại sao bạn đó không làm việc này vậy anh?
Mình đã rất cố gắng để kết thúc buổi phỏng vấn với một thái độ tử tế nhất có thể. Mình mong đợi một cuộc phỏng vấn xin việc nghiêm túc nhưng người phỏng vấn này dường như không biết gì về vị trí đang tuyển dụng và không có chút kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự nào cả.
Thế nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng lại. Anh ấy đề nghị mình thử việc ngay hôm đó rồi nói về lương thưởng sau. Lúc này mình chỉ muốn ra khỏi đó trước khi nổi khùng lên nên đã đứng dậy, nói lời cảm ơn về cuộc phỏng vấn và ra về”, Thủy Tiên nhớ lại.
Không có gì tệ hơn một người phỏng vấn thiếu sự chuẩn bị. Không biết gì về vị trí ứng tuyển sẽ không thể giúp chúng ta chọn được ứng viên phù hợp. Phỏng vấn theo kiểu tự phát cũng không giúp chúng ta tạo được ấn tượng tốt với ứng viên. Và kết quả của tình huống trên giống như câu nói của Benjamin Franklin: Thất bại trong việc chuẩn bị có nghĩa là chuẩn bị để thất bại.
“Kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự là một phần tất yếu của việc trở thành một nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nó phức tạp hơn việc đơn giản là xem xét hồ sơ và thực hiện các cuộc phỏng vấn”
Đúng người nhưng sai thời điểm
Cũng gặp phải người phỏng vấn thiếu sự chuẩn bị nhưng Ngọc Ánh lại rơi vào tình huống khác.
“Nhìn vào CV của tôi là thấy ngay được tôi đã không còn làm sales trong hơn 5 năm rồi. Thế mà có công ty lại mời tôi đến phỏng vấn cho vị trí kinh doanh. Khi nói chuyện qua điện thoại, tôi cũng nói rõ ràng mình không quan tâm đến công việc sales này. Vậy mà người bên kia đầu dây chưa chịu hiểu, vẫn tiếp tục nói về lương thưởng rồi phúc lợi công ty này nọ. Nếu cúp máy ngang mà không bị nói là bất lịch sự thì tôi đã làm liền, ngay và lập tức. Thật sự rất là bực mình”, Ngọc Ánh kể lại với gương mặt vẫn còn phảng phất chút khó chịu.
Ứng viên có thể rất ấn tượng vì thời gian mà chúng ta đã dành để nói chuyện với họ nhưng sẽ rất thất vọng vì sự thiếu chuẩn bị của chúng ta. Ở vai trò tuyển dụng, chúng ta cần có sự tìm hiểu rõ ràng để có thể cung cấp thông tin phù hợp, trả lời các câu hỏi và cuối cùng là thu hút được những người quan tâm đến phỏng vấn. Liên hệ với một ứng viên trong khi chỉ biết sơ sài về họ sẽ tạo ấn tượng rằng họ chỉ là một cái tên khác trong danh sách hơn là một ứng viên tiềm năng được đánh giá cao.
Người bị lãng quên
Nếu 2 câu chuyện trên kể về ứng viên không được sự quan tâm đúng mức thì ở câu chuyện này chúng ta sẽ được nghe về một ứng viên hoàn toàn bị quên lãng của bạn Dương Nhi.
“Đó là buổi phỏng vấn đáng quên nhất trong 30 nồi bánh chưng của mình. Văn phòng mình đến phỏng vấn dường như rất bận rộn, mà phải nói là bận rộn đến mức điên cuồng mới đúng nhưng mình không nghĩ nhiều về điều đó. Cô bé tiếp tân vội vàng đưa mình vào một phòng họp nhỏ và nói rằng lát nữa sẽ có người vào phỏng vấn. Sau 10 phút, mình ngó nghiêng ngang dọc xem có thấy bóng dáng của người phỏng vấn hay không. 10 phút nữa lại trôi qua, mình gửi mail cho nhà tuyển dụng. Sau khoảng 45 phút cô độc trong căn phòng vắng, người mình mong chờ cuối cùng cũng xuất hiện. Anh ấy xông vào cửa nói rằng hôm nay không thể phỏng vấn mình và kêu mình quay lại vào tuần sau rồi vụt đi như một cơn gió khiến mình không kịp định thần. Ủa alô!”
Bạn thấy gì qua câu chuyện này? Chúng ta có thể bận rộn thực sự do các cuộc họp đột xuất hoặc các vấn đề có mức độ ưu tiên cao hơn nhưng điều quan trọng là sau khi bắt ứng viên chờ đợi, chúng ta có xin lỗi họ, đưa ra lời giải thích cho ứng viên hay không? Một người phỏng vấn chuyên nghiệp sẽ làm điều đó, họ tôn trọng thời gian của ứng viên và cho thấy sự hối tiếc vì đã khiến ứng viên phải chờ đợi.
Sau khi đăng tin tuyển dụng, xem xét CV, thư xin việc và cuối cùng là chọn lọc những ứng viên yêu thích, có vẻ như phần khó khăn của quá trình tuyển dụng của bạn đã kết thúc, nhưng không may là vẫn còn một trở ngại lớn cần vượt qua, đó là phỏng vấn!
Để thu hút những ứng viên đầy nhiệt huyết, tài năng và chủ động nhất, bạn sẽ phải là người đại diện tuyệt vời cho công ty bằng cách tạo ra một môi trường tôn trọng và chào đón ứng viên. Sai lầm của những người thiếu kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự trong các câu chuyện trên như một lời nhắc nhở chúng ta về điều đó. Nếu ứng viên có trải nghiệm phỏng vấn đặc biệt tệ, họ sẽ truyền tai cho những người khác, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự làm khó mình trong việc tuyển dụng các ứng viên hàng đầu.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.12.095 câu hỏi phỏng vấn sàng lọc mà mọi nhà tuyển dụng cần hỏi
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?