Hầu hết người đi làm đều trải qua những khoảng thời gian căng thẳng dẫn đến mất ngủ, suy nghĩ liên tục về công việc và cảm thấy lo lắng. Điều đáng ngạc nhiên là những lần họ cảm thấy căng thẳng nhất không phải là lúc các dự án đến dồn dập, áp lực thời hạn hoặc khi thương lượng với những lãnh đạo cấp cao, mà là khi thiếu sự hỗ trợ của người quản lý.
Đừng để các thành viên trong nhóm của bạn cảm thấy như vậy. Hãy cùng tham khảo một vài cách dưới đây để hỗ trợ nhóm của mình tốt hơn nhé!
Đánh giá công việc thường xuyên
Đừng là người quản lý chỉ gặp gỡ nhóm của bạn khi có khủng hoảng xảy ra. Để các thành viên “tự thân vận động” cho đến khi bạn bước vào và chỉ trích công việc của họ sẽ làm tăng sự căng thẳng và thất bại dễ dàng xảy ra. Do đó, hãy chắc chắn kiểm tra, đánh giá công việc của các thành viên trong nhóm kịp thời và thường xuyên. Điều này sẽ giúp bạn hiểu hơn cách họ thực hiện và sớm đưa ra các giải pháp điều chỉnh nếu có sự cố xảy ra.
Thiết lập các tiêu chuẩn
Làm việc trong một nhóm mà không có bất kỳ tiêu chí nào sẽ gây khó khăn cho cả bạn và các thành viên. Khó cho người quản lý bởi vì các thành viên trong nhóm sẽ tạo ra các kết quả khác nhau và khó cho các thành viên trong nhóm vì họ không có phương hướng. Thế nên, bạn cần hỗ trợ nhóm của mình bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn cho công việc cần thực hiện. Nếu các nhiệm vụ liên quan đến sáng tạo, hãy chuẩn hóa các quy trình thay vì chỉ quan tâm đến kết quả độc đáo, khác biệt. Điều này sẽ giúp tăng sự tự tin cho nhân viên và cung cấp cho họ một số “đường ray an toàn” để làm theo.
Phát triển các kĩ năng
Một đội nhóm không được tạo điều kiện để phát triển các kỹ năng sẽ trở nên thiếu tự tin để thực tốt công việc. Tùy thuộc vào bạn để cung cấp các cơ hội đó thông qua trải nghiệm thực tế hoặc các khóa học. Đào tạo chéo, có nghĩa là trao đổi kỹ năng và kinh nghiệm của các thành viên trong nhóm với nhau, cũng rất quan trọng. Điều này có thể giúp ngăn chặn tình trạng chỉ có một người biết tất cả mọi thứ về vấn đề nào đó và các đồng nghiệp còn lại sẽ gặp khó khăn khi họ rời đi.
Tạo điều kiện dễ dàng liên lạc, gặp gỡ trao đổi
Một số nhà lãnh đạo rất khó để liên lạc, đôi khi đây là bản chất vị trí của họ. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo rằng cung cấp cho nhóm nhiều cơ hội trao đổi, thảo luận và xác nhận mọi thứ với bạn. Bạn có thể nghĩ rằng mình đang thể hiện sự tin tưởng bằng cách cho phép nhóm của mình làm việc mà không có bạn, thế nhưng họ lại cảm thấy rằng bạn không bao giờ ở bên cạnh và không quan tâm đến họ.
Giao trách nhiệm, vai trò rõ ràng
Khi giao trách nhiệm cho các thành viên trong nhóm, thông tin cần truyền đạt một cách rõ ràng. Nếu bạn phân công nhiệm vụ cho nhân viên nhưng lại không nói cho bất kỳ ai khác biết, điều này sẽ đặt họ vào tình huống phải giải thích, thuyết phục người khác tin rằng họ đang đảm trách công việc đó để nhận được sự hỗ trợ.
Hãy tạo cảm giác thoải mái cho các thành viên khi bạn ủy quyền trách nhiệm cho họ. Nói cho họ và các thành viên làm việc cùng rằng họ đang chịu trách nhiệm về một công việc cụ thể. Điều này giúp giảm bớt rất nhiều sự tổn thương – cảm giác có thể xảy ra khi phải giải trình về trách nhiệm với những người khác.
Đứng lên vì các nhân viên trong nhóm
Đôi khi, mọi người sẽ “tấn công” nhóm của bạn. Với vị trí là người quản lý bạn cần phải đứng lên vì nhóm của mình nếu không, bạn sẽ dễ dàng đánh mất sự tin cậy từ các nhân viên cấp dưới. Tất nhiên, không thể bỏ qua những vấn đề mà nhóm của bạn có thể đã gây ra. Mặc dù vậy, các thành viên trong nhóm cần phải thấy rằng bạn sẵn sàng bảo vệ họ khi cần thiết.
Yến Nhi
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.28Khám phá cách đọc CV hiệu quả giúp tìm được ứng viên phù hợp
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.215 điều cần tìm kiếm khi tuyển dụng nhân viên Digital Marketing
- Nghệ thuật quản lý2024.10.145 sai lầm trong cách quản lý nhân sự khiến người giỏi rời đi
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.073 kỹ năng giao tiếp giúp phỏng vấn ứng viên hiệu quả hơn