Quản lý 7 kiểu tính cách cá nhân khó chịu khi làm việc từ xa

Trong sự nghiệp quản lý, bạn luôn mong muốn làm việc với những nhân viên có tính cách cá nhân tích cực như định hướng, đáng tin cậy, tử tế, giao tiếp tốt và hiệu quả. Nhưng thực tế, nhất là khi làm việc từ xa, bạn có thể gặp một số nhân viên khó chịu – những người lười biếng, thiếu an toàn, cố chấp… 

Khi những vấn đề này phát sinh, bạn sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn giải quyết hoặc sa thải nhân viên phiền phức. Giải pháp thứ hai rất dễ thực hiện và đôi khi, đó là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bạn có thể giúp nhân viên khó chịu vượt qua thử thách và trở thành “trụ cột” của đội nhóm.

Dưới đây là 7 kiểu nhân viên khó chịu khác nhau mà bạn có thể gặp phải trong quá trình làm việc, cũng như một vài ý tưởng về cách xử lý.

“Làm việc từ xa mang lại cho nhân viên sự tự do và linh hoạt, nhưng không phải không có nhược điểm. Tuy nhiên, các công ty thông minh nhất sẽ đạt được lợi thế trong quá trình làm việc bằng cách chủ động giải quyết những vấn đề đó.”

Lười biếng

Một số nhân viên luôn có sẵn lí do cho việc không hoàn thành công việc, nhất là khi cùng làm việc nhóm. Vì vậy hãy sử dụng các công cụ theo dõi năng suất và kiểm tra thường xuyên qua các cuộc gọi video để giúp họ luôn hoạt động hiệu quả.

Bạn cũng nên cố gắng tìm hiểu điều gì thúc đẩy một nhân viên đôi khi lười biếng, sau đó lên kế hoạch khuyến khích, khen thưởng họ vì đã đạt được những mục tiêu tích cực hơn.

Hay phản đối, bất đồng ý kiến

Kiểu nhân viên này không thích thay đổi và thường bày tỏ sự bất đồng với các chính sách, quy trình mới. Trong trường hợp này, hãy cho phép họ thể hiện ý kiến khác biệt và tận dụng sự tiêu cực tự nhiên của họ để giải quyết vấn đề toàn diện, giúp nhóm đạt được kết quả tích cực hơn.

Nhưng đừng đặt họ vào vai trò lãnh đạo và đảm bảo rằng họ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến các thành viên khác. Khi làm việc từ xa, hãy theo dõi các đồng nghiệp mà họ thường xuyên tương tác nhất để nhận ra các thông tin bất lợi và nắm bắt chúng ngay từ đầu.

Tính cách bất thường

Kiểu nhân viên có tính cách cá nhân này làm tiêu hao năng lượng của cả nhóm khi họ biến mọi thứ hoàn toàn trở nên rối rắm, tràn ngập những cơn giận dữ, cảm thấy bị đánh giá thấp và một loạt các cảm xúc tiêu cực khác.

Để kiềm chế kiểu người này, hãy xác định rõ hành vi mà bạn sẽ không dung thứ và sẵn sàng để loại họ ra khỏi tình huống mà họ đang gây rắc rối, chẳng hạn như không thể tiếp tục tham gia vào cuộc họp nhóm. Sau đó, bạn có thể gặp riêng họ để giải thích vấn đề và cố gắng giúp họ cải thiện.

Nóng tính

Đây là kiểu nhân viên rất dễ tức giận và sẽ phá hủy các kế hoạch tốt nhất của bạn nếu bạn để họ tiếp tục như vậy. Nếu là nhân viên làm việc từ xa, họ có thể “nổi tiếng” với việc la hét, tranh cãi với mọi người trong các cuộc gọi và cúp máy để chứng tỏ cơn giận của mình. 

Cũng giống như đối với người có tính cách thất thường, hãy làm cho người nóng tính hiểu rằng hành vi xấu sẽ không được chấp nhận và họ nên học cách kiểm soát.

Trì hoãn

Ban đầu có thể họ rất sốt sắng và đồng ý với kế hoạch nhưng lại không thực hiện đúng cam kết. Họ biến mất khi thời hạn đến gần và người khác phải làm thay công việc của họ. Trong trường hợp này, giải pháp duy nhất là quản lý vi mô.

Hãy đặt ra các mốc quan trọng thường xuyên (thậm chí hàng ngày) và đưa ra hình phạt. Bên cạnh đó, bạn cần có nhiều tùy chọn liên lạc (điện thoại, nhắn tin hay trò chuyện nhóm) để sử dụng cho việc kiểm tra hàng ngày. 

Biết tất cả mọi thứ

Nhân viên này cho rằng họ biết cách giải quyết mọi vấn đề và sẽ không ngần ngại thể hiện điều đó với đồng nghiệp, thường là theo cách “đáng ghét” và trịch thượng nhất có thể.

Để ứng phó với một nhân viên từ xa có xu hướng này, hãy chỉ định một người nào đó làm người chủ chốt để họ liên lạc, rất có thể đó là bạn. Sau đó, cố gắng giúp họ hiểu tại sao một số ý tưởng của họ là không hiệu quả, đồng thời hướng dẫn họ cách chia sẻ các đề xuất hữu ích theo cách phù hợp hơn.

Giao tiếp kém

Kiểu nhân viên này dường như không thể khiến đồng nghiệp hiểu được ý của họ và họ cũng gặp khó khăn để hiểu được ý của người khác. Nếu làm việc từ xa, điều này có thể dẫn đến hậu quả tồi tệ như trễ hạn và dự án thất bại.

Hãy dành thời gian để hỏi họ rằng họ thích sử dụng phương pháp giao tiếp nào hơn. Sau đó, lắng nghe tích cực để hiểu những gì họ nói. Khi bạn biết nhân viên từ xa đang cố gắng nói gì với bạn, bạn sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn để phản hồi theo cách mà họ sẽ hiểu.

Đôi khi người kém giao tiếp cũng là người lắng nghe kém. Điều đó có nghĩa là không nói vòng vo, không dùng các ngôn ngữ hoa mỹ hoặc các bổ ngữ không cần thiết. Bạn càng ngắn gọn, thì càng ít có sự hiểu lầm. Và để hạn chế triệt để việc hiểu sai, bạn cần đặt câu hỏi làm rõ trước khi cuộc trò chuyện kết thúc.

Đây hoàn toàn không phải là danh sách đầy đủ về những kiểu nhân viên khó chịu mà bạn có thể gặp phải với tư cách là người quản lý một nhóm từ xa, nhưng nếu bạn đã làm việc với mọi người một thời gian, bạn có thể nhận ra ít nhất một vài trong số những “kẻ gây rối” này.

Tin tốt là trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể giúp họ thay đổi các hành vi xấu. Hãy nói chuyện với họ, xác định vấn đề, kiên nhẫn và cùng nhau đưa ra giải pháp. Nếu làm như vậy, bạn có thể phát hiện ra rằng những nhân viên có tính cách cá nhân tiêu cực này sẽ có thể trở thành nhân viên hàng đầu. Tình huống tốt nhất đó sẽ có lợi cho bạn, nhóm của bạn và cho cả công ty.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công