Làm gì để giảm số lượng nhân viên nghỉ việc sau Tết?

Bạn có nhận thấy rằng nhân viên có xu hướng nghỉ việc sau Tết không? Nếu bạn đã từng cảm thấy thất vọng hoặc bối rối vì điều này, thì bạn không đơn độc.

“Ngày đầu tiên trở lại văn phòng sau kỳ nghỉ Tết, Hoàng Vân một trong những kỹ sư hàng đầu trong nhóm của tôi trông có vẻ không vui như thường lệ. Càng lạ hơn là cô ấy đề nghị được nói chuyện riêng với tôi. Sau vài lời hỏi thăm, cô ấy thông báo rằng sẽ nghỉ việc.

Năm qua Hoàng Vân là người có thành tích xuất sắc và nhận được một khoản đãi ngộ hậu hĩnh, và tôi luôn đảm bảo rằng cô ấy biết tôi đánh giá cao năng suất của cô ấy. “Vậy thì lí do nghỉ việc của em là gì?”, tôi thắc mắc.

Hóa ra, dù là một kỹ sư giỏi nhưng định hướng của cô ấy là mong muốn một ngày nào đó sẽ trở thành Giám đốc sản phẩm, muốn tương tác nhiều hơn với khách hàng, tìm hiểu thêm về người dùng cũng như nhu cầu của họ. Tôi biết rằng cô ấy sẽ làm tốt việc này. Về phần mình, tôi cảm thấy thất vọng vì không biết ai sẽ hỗ trợ các kế hoạch dày đặc sắp tới. Giá như tôi biết về nguyện vọng nghề nghiệp của Vân sớm hơn, tôi sẽ giao cho cô ấy các công việc tiếp xúc với khách hàng nhưng giờ đây có lẽ chỉ nói cho vui. Vân đang chuyển sang một công ty khác và dù thất vọng nhưng lại mừng cho cô ấy”.

Có thể ở vai trò quản lý bạn đã ít nhất một lần gặp phải tình huống này như anh Hữu Thịnh, Giám đốc một công ty sản xuất. Xu hướng nhân viên nghỉ việc sau Tết không quá hiếm.

Tại sao nhân viên nghỉ việc sau Tết?

Tại sao đôi khi những nhân viên được đánh giá cao nhất của công ty lại nghỉ việc sau Tết? Thông thường, đó là vì họ đã đặt ra những mục tiêu nghề nghiệp cho năm mới và bây giờ cơ hội đã đến.

Chị Tuyết Ngô, Trưởng phòng Nhân sự cho biết: “Không có gì lạ khi những nhân viên giỏi nhất của công ty cân nhắc nghỉ việc sau Tết. Tháng Giêng và tháng Hai là những tháng truyền cảm hứng cho mọi người mơ về điều tốt đẹp hơn trong tương lai. Có nhiều nhân viên mà bạn nghĩ rằng hoàn toàn hài lòng với mọi thứ, cũng đang mơ ước có một khởi đầu mới tại một công ty mới. Đó là lí do mà các công ty luôn tìm kiếm các giải pháp thiết thực để giữ chân nhân viên, nhất là trong thời điểm nhạy cảm như thế này”.

“Giữ nhân viên không nghỉ việc sau Tết là cuộc chiến của rất nhiều nhà quản lý. Tuy nhiên, đó là một trận chiến mà chúng ta có thể giành chiến thắng.”

Làm gì để nhân viên không bỏ việc khi bắt đầu năm mới?

Không một lãnh đạo nào muốn nhìn thấy những nhân viên hàng đầu rời bỏ công ty và họ đã áp dụng nhiều cách khác nhau để ngăn chặn tình trạng này, đặc biệt là nghỉ việc sau Tết.

“Chiến lược giữ chân nhân viên của công ty mình bắt đầu từ quá trình tuyển dụng. Nhiều người có thể giỏi các kỹ năng mềm và xuất sắc về chuyên môn nhưng không phải ai cũng phù hợp với nhóm hiện có cũng như chia sẻ các giá trị văn hóa của doanh nghiệp. Việc tuyển dụng phù hợp với văn hóa sẽ giúp đảm bảo giữ chân nhân viên lâu dài vì họ sẽ hòa nhập tốt với nhóm nhanh hơn, giúp mọi người thoải mái hơn và đưa năng suất trở lại đúng hướng nhanh hơn” – Vinh Hiển, Trưởng phòng Nhân sự chia sẻ.

“Hãy đối mặt với sự thật rằng, nếu bạn không thể đưa ra mức lương cạnh tranh ngang bằng với tiêu chuẩn của ngành thì khả năng thu hút và giữ chân nhân viên của bạn sẽ yếu đi đáng kể. Mặc dù tiền không là tất cả nhưng đưa ra mức lương cạnh tranh sẽ khiến nhân viên cảm thấy công việc và thời gian của họ được coi trọng. Nếu nhân viên của bạn đang nỗ lực hết mình nhưng lại nhận về mức lương không tương xứng, họ có thể sẽ chán nản và tìm kiếm cơ hội ở nơi khác” – Thùy Linh, Quản đốc sản xuất nêu quan điểm.  

“Một cách mà công ty chúng tôi giữ chân nhân viên là cho phép họ làm việc từ xa. Đại dịch Covid toàn cầu đã chứng minh rằng chúng ta có thể làm việc từ xa trong thời gian dài. Ở góc độ nhà tuyển dụng, việc cung cấp các lợi ích như linh hoạt giờ giấc và địa điểm làm việc sẽ khiến nhân viên hiện tại hài lòng hơn và gắn bó với công ty lâu hơn. Mặt khác, đây cũng là ưu thế để tăng khả năng cạnh tranh và thu hút các ứng viên hàng đầu” – Minh Ngọc, Chuyên viên tư vấn Nhân sự bày tỏ.

“Mọi người đều muốn thấy mình “có giá”và điều đó đặc biệt đúng ở nơi làm việc. Khi một nhân viên cảm thấy được đánh giá cao thì khả năng họ tìm kiếm cơ hội mới sẽ giảm đi 56%.

Có nhiều cách để công nhận và khen thưởng nhân viên, nhưng công ty tôi ưu tiên cả phần thưởng tinh thần lẫn vật chất. Điều đặc biệt là không chỉ thưởng cho nhân viên vì kết quả đạt được mà còn vì nỗ lực của họ. Đôi khi các dự án không thành công như chúng ta mong đợi, chỉ tiêu không đạt được hay giao dịch không được chốt. Mặc dù điều này đem lại sự thất vọng, nhưng nhân viên vẫn luôn được đánh giá cao vì thời gian và công sức đã bỏ ra. Điều này giúp họ nhanh chóng vượt qua được cảm giác thất bại và có động lực để làm tốt hơn trong lần tới” – Cao Nguyên, Sales Manager tiết lộ.

“Nhân viên là con người và con người cần sự phát triển. Khi doanh nghiệp giúp nhân viên phát triển và thành công, nhiều khả năng họ sẽ ở lại làm việc. Đó là lý do tại sao đầu tư vào sự nghiệp của nhân viên là một phần quan trọng của việc giữ chân. Khi bạn giúp các thành viên trong nhóm học các kỹ năng mới, họ sẽ trở nên có giá trị hơn đối với công ty. Và điều đó mang lại cho họ sự tự tin rằng họ đã chọn đúng nơi để gắn bó lâu dài” – Kim Huệ, Trưởng phòng Đào tạo cho biết.

Giữ chân nhân viên là một cuộc chiến vất vả với mọi nhà quản lý, tuy nhiên đây là mục tiêu có thể đạt được. Bạn có thể giữ chân nhân viên giỏi nhất của mình, đặc biệt là sau năm mới bằng cách tập trung vào việc tăng sự hài lòng của họ và tạo ra môi trường làm việc tích cực hơn.

Bạn đã bao giờ nhân viên của bạn nghỉ việc sau Tết chưa? Hãy cho CareerLink biết về trải nghiệm của bạn trong phần bình luận bên dưới nhé.

Trang Đoàn

Sao chép thành công