Nhân viên giỏi là yếu tố quan trọng giúp một tổ chức vận hành trơn tru. Họ trung thành, đặt niềm tin vào bạn và có tài năng thực sự. Những nhân viên này càng tham gia nhiều vào các quyết định của công ty, họ càng có thể đóng góp vào sự tăng trưởng chung. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều lãnh đạo công ty gọi họ là “cộng sự” thay vì “nhân viên”. Tạo điều kiện thuận lợi để họ góp phần vào quá trình ra quyết định có thể đem lại cho tổ chức của bạn nhiều lợi ích, điển hình là những điều sau.
Các thành viên cảm thấy có giá trị
Thực tế cho thấy, các nhân viên không chỉ gắn bó với công ty vì lý do tài chính. Có một số điều quan trọng hơn thúc đẩy họ, chẳng hạn như cảm giác tự hào về những gì họ làm và là người không thể thiếu trong sự thành công của đội nhóm. Khi bạn tham khảo ý kiến của nhân viên cấp dưới trong việc đưa ra quyết định, họ sẽ cảm thấy mình có giá trị và công việc của họ thêm phần ý nghĩa. Điều này sẽ khiến họ nỗ lực nhiều hơn và cam kết để đảm bảo thành công cho bộ phận hoặc công ty.
Nhiều góc nhìn khác nhau
Càng nhiều bộ não làm việc cùng nhau, bạn càng có nhiều giải pháp. Nếu bạn có một đội ngũ nhân viên 10 người, bạn sẽ có ít nhất 10 giải pháp từ nhân viên của mình và có thể dễ dàng chọn một trong số đó. Tất cả chúng ta đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Bạn không đứng ở vị thế của nhân viên và không có cách nhìn giống họ, do đó việc lắng nghe họ sẽ mở ra nhiều ý tưởng mới cho bạn.
Tạo sự gắn kết
Thực tế rằng, ở nhiều công ty nơi nhân viên không được tham gia vào việc ra quyết định sẽ không hăng say làm việc và thường đổ lỗi cho ban lãnh đạo cao nhất về các kết quả xấu. Tuy nhiên, khi mọi người làm việc theo nhóm và đưa ra quyết định tập thể sẽ giúp xóa bỏ tình trạng đổ lỗi. Điều này giúp tạo ra một bầu không khí thân thiện hơn trong doanh nghiệp.
Tiết kiệm thời gian
Bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các nhiệm vụ khác khi các nhân viên cùng góp ý vào việc ra quyết định. Để đưa ra quyết định bạn có thể phải trải qua một quá trình khó khăn, liên quan đến rất nhiều thứ, quan trọng nhất là phản ứng của nhân viên.
Khi bạn có nhân viên cùng hỗ trợ đưa ra quyết định, bạn không phải lo lắng về những gì họ có thể bàn tán về nó. Bạn đang khiến họ tham gia vào quá trình và do đó, bạn có nhiều thời gian hơn để dành cho các hoạt động khác.
Nhiều trách nhiệm hơn
Nhân viên sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn khi họ góp tiếng nói trong một quyết định. Hãy nghĩ về tình huống khi bạn thực hiện một cuộc thăm dò xem liệu nhân viên có chấp nhận làm việc theo ca lâu hơn để được thêm một ngày nghỉ hay không. Nếu có nhiều người chọn cách tăng thời gian cho mỗi ca làm việc, họ sẽ sẵn sàng làm thêm giờ vì họ cảm thấy có trách nhiệm với nó, so với việc ban quản lý thông báo thay đổi chính sách mà không cần lắng nghe họ nói gì. Trong trường hợp này, ngay cả phần lớn nhân viên ủng hộ chính sách đó, họ cũng sẽ cảm thấy chán nản vì sự đồng thuận có vẻ gượng ép.
Khi nói về việc khuyến khích nhân viên tham gia vào quá trình ra quyết định, không có nghĩa là cho họ tất cả quyền hạn, mà là lắng nghe ý kiến của họ và xem xét chúng trước khi đi đến “tuyên bố chung”. Họ chỉ có thể phát biểu ý kiến và không thể tự quyết định cuối cùng. Ngoài ra, nhân viên cũng không nên hoặc không cần tham gia vào tất cả các loại quyết định. Tốt nhất là họ chỉ nên có tiếng nói trong các quyết định tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến họ như chính sách, thay đổi trong hợp đồng hoặc các công việc mang tính sáng tạo vì bạn cần nhiều bộ não hơn để đưa ra giải pháp.
Tuy nhiên, toàn bộ quá trình này có thể là khó khăn. Khi bạn hỏi ý kiến của nhân viên, họ muốn được lắng nghe và xem giải pháp của họ được thực hiện. Và nếu điều này không xảy ra, họ có thể cảm thấy thất vọng. Với vai trò là người quản lý, bạn cần xử lý các tình huống như thế này một cách cẩn thận và đảm bảo rằng nhân viên không cảm thấy bị phớt lờ ngay cả khi đề xuất của họ không phù hợp.
Điều này có thể được thực hiện bằng cách trao đổi và nhấn mạnh rằng quyết định của công ty có lợi cho tất cả mọi người. Từ khóa ở đây là giao tiếp, nếu nhân viên được truyền đạt lí do một cách rõ ràng và khéo léo, họ sẽ không cảm thấy xuống tinh thần.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.073 kỹ năng giao tiếp giúp phỏng vấn ứng viên hiệu quả hơn
- Nghệ thuật quản lý2024.09.30Làm gì khi nhân viên phản đối sự đổi mới?
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.234 câu hỏi giúp đánh giá tinh thần trách nhiệm của ứng viên
- Nghệ thuật quản lý2024.09.16Để các cuộc họp doanh nghiệp diễn ra đúng tiến độ và đúng hướng