Làm quản lý, bạn phải sẵn sàng đối diện với cô đơn!

Nhiều người trong chúng ta luôn không ngừng phấn đấu để được làm quản lý, trở thành những vị sếp tài ba được mọi người ngưỡng mộ. Chinh phục từng cấp bậc nghề nghiệp thường có nghĩa là sẽ được trả lương cao hơn, có quyền tự chủ và đưa ra các quyết định quan trọng nhưng nó cũng đi kèm với một cái giá không liên quan gì đến tiền lương, đó là cảm giác cô đơn và cô lập.

Làm quản lý và cô đơn luôn song hành

Nhân viên thường cho rằng sếp chẳng có thời gian để buồn nhưng sự thực là trong quỹ thời gian ít ỏi ngoài công việc của sếp lại chất chứa nỗi niềm rất riêng, đó chính là sự cô đơn.

Nhìn vào thực tế, có thể thấy rằng khi chỉ là một nhân viên quèn chúng ta có rất nhiều đồng nghiệp, có rất nhiều người thấu cảm cùng những suy nghĩ, cảm xúc của chúng ta. Nhưng khi trở thành sếp, nhìn đi ngó lại xung quanh ta bỗng chốc chẳng còn ai.

Sếp thường lủi thủi đi ăn trưa một mình trong khi nhân viên luôn tụ tập ăn uống, trò chuyện cùng nhau vô cùng vui vẻ. Trong các buổi tiệc, sếp nổi bật và được tôn kính giữa đám đông nhưng luôn cảm thấy một mình vì tuy sếp không phải cọp nhưng nhân viên chẳng một ai muốn ngồi cùng bàn. Cảm giác đó cứ như đang một mình ở trên đảo hoang vậy.

Thế nhưng hãy khoan buồn bã, có một điều mà nhiều người không nói với bạn là cảm giác cô đơn thường là một dấu hiệu cho thấy bạn đang làm đúng. Bởi vì:

Sếp là lãnh đạo, không phải một người bạn của nhân viên

Làm quản lý rất giống với việc trở thành một bậc cha mẹ. Khi là cha mẹ, chúng ta yêu con của mình rất nhiều đến mức có thể cho chúng bất cứ điều gì chúng muốn. Bằng cách chiều chuộng vô điều kiện, chúng ta hi vọng rằng các con sẽ yêu thương chúng ta nhiều hơn.

Tuy nhiên, việc làm cha mẹ nào có đơn giản như thế. Chúng ta có trách nhiệm nuôi dưỡng con trở thành một người mạnh mẽ, được tôn trọng và thành công trong tương lai. Điều này đòi hỏi sự kỷ luật, răn dạy và đưa ra những quyết định khó khăn. Nếu muốn điều tốt nhất cho con, chúng ta cần phải cư xử như cha mẹ trước và sau đó mới là những người bạn của con mình.

Logic này cũng áp dụng để quản lý một nhóm. Với tư cách là một nhà quản lý, sẽ rất tốt nếu mọi người được thư giãn, thoải mái, vui vẻ và chúng ta được xem là người sếp thân thiện. Tuy nhiên, cũng giống như làm cha mẹ, trở thành một nhà quản lý đòi hỏi nhiều hơn thế. Chúng ta không thể giúp nhân viên ngày càng phát triển hơn nếu không thúc đẩy họ.

Nếu không đặt kỳ vọng cho đội nhóm của mình, đẩy nhân viên ra khỏi vòng an toàn của họ, khiến họ phải chịu trách nhiệm về công việc thì chúng ta đang mất đi vai trò lãnh đạo. Sự dễ chịu quá mức, xem nhân viên như bạn bè sẽ trở thành con dao hai lưỡi khiến nhân viên dần mất đi tính tự giác, sự nghiêm túc và tính kỷ luật trong công việc, văn hóa, dẫn đến sự trì trệ của cả đội nhóm, nghiêm trọng hơn còn có thể kéo cả một hệ thống đi xuống. Lúc này, cố gắng trở thành bạn thân của mọi người về cơ bản là một hành động ích kỷ. Đó là điều thứ nhất.

Thứ hai, khi chúng ta muốn làm bạn với nhân viên thì cũng nên hỏi nhân viên có muốn làm bạn với sếp không đã. Câu trả lời dù có hơi phũ phàng nhưng lại rất thực tế, họ không cần sếp làm bạn mà chỉ cần một người có thể tạo điều kiện tốt nhất để họ càng ngày tiến bộ hơn. 

“Bạn có thể là sếp với trách nhiệm làm quản lý hoặc bạn có thể là bạn bè với nhân viên, nhưng bạn không thể là cả hai.”

Làm quản lý và câu chuyện về “cao độ”

Mình từng đọc được một mẩu chuyện như thế này:

“Tôi đứng ở tầng 1, có người chửi tôi, tôi nghe thấy thì vô cùng tức giận.

Tôi đứng ở tầng 10, có người chửi tôi, tôi nghe không rõ, còn cho rằng người ta đang chào mình.

Tôi đứng ở tầng 100, có người mắng tôi, tầm mắt tôi vẫn hướng về phía đằng xa, thu lại nơi đáy mắt chỉ có tột cùng cảnh sắc”.

Ở những vị trí khác nhau, cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá vấn đề sẽ không giống nhau. Làm  quản lý, chúng ta làm những công việc khác, suy nghĩ khác và tầm nhìn khác hoàn toàn so với nhân viên cấp dưới. Chúng ta đang phải đương đầu với những thách thức dành riêng cho vai trò của chúng ta mà đôi khi có nói ra cũng không ai hiểu. Giống như khi bạn đi chơi cùng một nhóm và không ai trong số đó làm công việc như bạn, có cùng quan điểm như bạn, bạn sẽ rất khó bắt đầu một cuộc trò chuyện. Điều này càng lý giải vì sao người làm sếp thường cảm thấy lẻ loi.

Thế nhưng, trăm ngàn lần đừng nên vin vào điều đó để bỏ ngoài tai mọi ý kiến đóng góp

của cấp dưới. Bởi vì sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu và thay đổi để trở nên tốt hơn cũng là

một đức tính đáng trân trọng ở một người sếp đáng kính.

Làm quản lý cô đơn lắm. Nhưng bạn thử nhìn xung quanh mình mà xem, có mấy ai không muốn trở thành sếp? Sở dĩ có cụm từ “công danh sự nghiệp” chính vì thăng tiến là đích đến của rất nhiều người trong cuộc đời. Cao độ của bạn càng hơn người, thành công của bạn lại càng khó lòng đong đếm được. Nói cách khác, muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được thì phải chịu những cảm giác không ai chịu được.

Trang Đoàn

Sao chép thành công