Các kỹ năng cần thiết để trở thành một người quản lý tuyệt vời hoàn toàn khác với các kỹ năng cần thiết để trở thành một cá nhân đóng góp tuyệt vời. Thế nên, các nhà quản lý mới – người vừa được thăng chức – sẽ có thời gian khoảng thời gian đầu khá khó khăn, làm việc quá sức và thậm chí không đạt hiệu quả như mong đợi. Bài viết này nhằm mục đích khắc phục vấn đề đó. Dưới đây là sáu trở ngại phổ biến mà các nhà quản lý mới thường gặp phải và giải pháp để vượt qua mà bạn có thể tham khảo để áp dụng cho chính mình.
Thay đổi suy nghĩ cùng với vai trò mới của bạn
Trong vai trò cũ là một nhân viên, mối quan tâm chính của bạn là hoàn thành các nhiệm vụ của mình. Bây giờ, trọng tâm chính của bạn là giúp đỡ người khác hoàn thành nhiệm vụ của họ. Điều quan trọng trong quá trình chuyển đổi này là thay đổi suy nghĩ của bạn và có cách làm việc mới. Trước đây bạn chịu trách nhiệm về bản thân nhưng bây giờ bạn là một nhà quản lý. Trách nhiệm của bạn là giám sát, hướng dẫn nhóm của bạn và điều này sẽ liên quan đến việc phát triển các kỹ năng mềm của bạn. Hãy lắng nghe và chú ý đến nhu cầu của nhân viên để giúp họ đạt được mục tiêu chung của đội nhóm. Một cuộc trao đổi trực tiếp hàng tháng là cách tuyệt vời để đảm bảo bạn và nhân viên cấp dưới cùng chung suy nghĩ và không bất đồng ý kiến với nhau.
Quản lý thời gian
Mặc dù bạn nên sẵn sàng hỗ trợ cho nhân viên cấp dưới khi cần thiết nhưng điều quan trọng là bạn phải dành thời gian để thực hiện các trách nhiệm cá nhân của bản thân. Việc cân bằng này sẽ khá khó khăn nhưng bằng cách lên lịch cho từng nhiệm vụ cụ thể và cho các thành viên biết trước rằng bạn sẽ bận trong thời gian đó, bạn sẽ quản lý tốt hơn thời gian của mình.
Các vấn đề về hiệu suất của nhân viên
Giải quyết các vấn đề về năng suất luôn là nguyên nhân khiến nhiều nhà quản lý mất ngủ hàng đêm. Mặc dù vấn đề này không dễ dàng để xử lý nhưng cũng không phải là quá khó khăn. Nhiều rắc rối về hiệu suất có thể được ngăn chặn bằng cách tuyển dụng nhân viên phù hợp và đưa ra các kỳ vọng rõ ràng. Trong quá trình làm việc, một khi đã xác định được trở ngại, bạn nên sớm đưa ra phản hồi mang tính xây dựng để nhân viên có thể nhanh chóng thay đổi hành vi. Nếu họ không cải thiện, một quy trình kỷ luật minh bạch, công bằng nên được thực hiện. Việc trì hoãn các cuộc thảo luận hoặc tránh việc kỷ luật sẽ kéo dài thêm những đêm mất ngủ của bạn. Đối mặt với các yếu tố cản trở hiệu suất ngay khi chúng xuất hiện ở nơi làm việc sẽ giảm bớt mức độ căng thẳng của bạn.
Đưa ra quyết định tuyển dụng đúng đắn
Tuyển chọn nhân viên mới vào nhóm của bạn là một quyết định quan trọng. Do đó đừng ngại ngùng khi nhờ những người quản lý có kinh nghiệm hoặc những người khác trong bộ phận nhân sự hỗ trợ và tư vấn. Điều quan trọng là bạn cần xem xét các ứng viên dưới góc nhìn bao quát, có kinh nghiệm làm việc trong quá khứ, phù hợp văn hóa và suy nghĩ về những gì họ sẽ mang lại cho nhóm dựa trên các kỹ năng và kiến thức đã có.
Giải quyết xung đột giữa các nhân viên
Là người quản lý, bất kỳ ai cũng muốn nhân viên của mình hợp tác, làm việc ăn ý để có thể đạt được những thành tích cao nhất. Tuy nhiên, đôi khi bất đồng cũng sẽ xảy ra. Khi một nhân viên đến gặp bạn để phàn nàn về đồng nghiệp, chắc chắn điều này sẽ khiến bạn rơi vào tình thế khó xử khi phải phân xử tranh chấp. Điều đầu tiên bạn cần xác định đó là xung đột khi thực hiện nhiệm vụ hay mâu thuẫn mang tính cá nhân. Xung đột nhiệm vụ được chứng minh là lành mạnh và điều đó sẽ giúp tạo ra các ý tưởng thay thế tốt hơn. Tuy nhiên, xung đột cá nhân là điều tiêu cực đối với đội nhóm và phải được loại bỏ sớm nhất có thể. Hãy tiến hành một cuộc thảo luận công bằng, thẳng thắn với các bên liên quan và chỉ ra rằng họ cần điều chỉnh hành vi của mình ngay lập tức. Nếu xung đột tiếp tục xảy ra, việc sa thải một vài cá nhân khỏi nhóm là điều bắt buộc.
Kiệt sức
Sự thật là, các nhà quản lý mới thường làm việc nhiều giờ hơn so với trước đây và trải qua mức độ căng thẳng cao. Bởi quản lý con người là điều không hề dễ dàng, các sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhân viên đột ngột nghỉ việc, mọi người không hoàn thành công việc đúng hạn… Có rất nhiều điều khó đoán trong quản lý, trái ngược với việc là một nhân viên bình thường.
Giải pháp ở đây là bạn cần nhận thức được rằng việc thăng chức lên quản lý có nghĩa là căng thẳng hơn và làm việc nhiều giờ hơn. Nếu bạn biết được thực tế điều gì sẽ xảy ra, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát hơn. Bên cạnh đó, hãy chăm sóc sức khỏe của bạn và có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý nhằm “sạc” lại năng lượng. Nếu không, bạn sẽ là một tấm gương “khủng khiếp” cho nhân viên của mình và họ cũng sẽ kiệt sức cùng với bạn.
Tú Trinh
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?