Sử dụng đúng người, đưa nhân viên vào đúng vị trí phù hợp để không lãng phí tài năng là mối quan tâm và cũng là niềm trăn trở của nhiều nhà lãnh đạo. Thực tế, không ít sếp giỏi vẫn mắc sai lầm khi chọn người “thừa kế” hoặc tìm kiếm chủ nhân cho những vị trí quan trọng. Nếu bạn đang băn khoăn làm thế nào chọn đúng người phù hợp trong nhiều nhân viên ưu tú của mình, để huấn luyện và cất nhắc họ lên vị trí quản lý, hãy tham khảo những gợi ý sau đây nhé!
Tạo ra thử thách cho nhân viên
Cách dùng người như thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của từng thành viên và của cả doanh nghiệp. Vì vậy, khi một hay nhiều thành viên trong đội ngũ nhân sự có tố chất, tiềm năng, hãy mạnh dạn giao cho họ những nhiệm vụ mới đầy thử thách. Đây không chỉ là cơ hội giúp nhân viên của bạn thể hiện bản thân, trau dồi kinh nghiệm, mà qua đó sẽ giúp bạn đánh giá đúng năng lực, trình độ và cả cách họ đối mặt với khó khăn trong công việc. Nếu qua đó, những gì họ thể hiện là tính hiệu quả trong công việc, sự nhiệt huyết, sáng tạo, linh hoạt trong việc giải quyết các tình huống phát sinh… thì hãy cân nhắc trao cơ hội để họ có thể phát huy khả năng của mình ở vị trí cao hơn.
Quan sát thái độ của nhân viên khi làm việc nhóm
Nhiều nhân viên giỏi chuyên môn nhưng không hẳn phù hợp với vị trí quản lý. Nếu một nhân viên có năng lực tốt nhưng chỉ biết tập trung làm xong việc của mình, không quan tâm đến xung quanh thì người đó rất khó để đứng ở vai trò dẫn dắt đội nhóm. Bạn hãy để ý những nhân viên thường tỏ ra nhiệt tình giúp đỡ và hướng dẫn đồng nghiệp hoàn thành công việc. Khả năng chuyên môn cao là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên để đảm nhận vai trò quản lý thì tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc và cách người đó xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp cũng quan trọng không kém.
Dựa trên hiệu suất công việc của nhân viên
Người có năng lực là người làm việc hiệu quả. Bạn cần có biện pháp đánh giá chính xác hiệu suất công việc của nhân viên chứ đừng để những biểu hiện bên ngoài đánh lừa. Ngoài ra, bạn hoặc bộ phận nhân sự có trách nhiệm trong công ty cần lập kế hoạch đào tạo hay lên một lộ trình phấn đấu cho mỗi cá nhân, tạo điều kiện cho nhân viên nỗ lực nâng cao hiệu quả công việc và đạt được các mục tiêu vạch ra.
Hãy khách quan
Đây có vẻ như là điều đơn giản nhưng thực tế, khá nhiều lãnh đạo mắc phải sai lầm là chọn người “hợp ý” mình hơn là một nhân viên có năng lực và thực sự phù hợp cho vị trí quản lý. Chúng ta không ai hoàn hảo và đôi khi, một cấp dưới có tính cách hơi khác thậm chí trái ngược với bạn lại là lựa chọn đúng đắn, bởi vì họ sẽ bổ sung cho bạn phần khiếm khuyết. Ngoài ra, hãy nhớ những người tài giỏi thường khá thẳng thắn, ghét xu nịnh, bè phái nên đừng vì vậy mà đánh giá nhầm thiện chí của họ. Những người này khi được cấp trên tin tưởng, giao trọng trách, có thể là những người cộng sự đắc lực, cống hiến hết mình cho công việc.
Chọn người có nhân cách, đạo đức tốt
“Có tài mà không có đức là người vô dụng”, vì vậy ngoài những tố chất cần có của một người lãnh đạo như năng lực chuyên môn, sự quyết đoán, lòng can đảm, tài xoay xở, khả năng giao tiếp… thì nhân cách đạo đức là yếu tố quan trọng cần được xét đến khi chọn người để cất nhắc lên vị trí quản lý. Không chỉ vì người có đạo đức tốt sẽ là người đáng tin cậy đối với tập thể, mà còn vì, những người điều hành có đạo đức thì doanh nghiệp mới tạo được niềm tin từ đối tác, cổ đông và khách hàng.
Để đánh giá đạo đức của các thành viên, tốt nhất là công ty nên xây dựng những giá trị, chuẩn mực đạo đức cụ thể. Chẳng hạn như những hành vi nào công ty mong muốn từ nhân viên, hành vi nào không, chứ đừng chỉ đưa ra quan điểm chung chung hoặc các nhận xét cảm tính.
Mặc dù thăng chức cho nhân viên là một trong những nhiệm vụ nổi bật của quản lý, nhưng điều quan trọng là nhân viên cũng cần đồng tình với quyết định đó. Việc thăng chức chỉ mang lại hiệu quả khi nhân viên có ý thức về cả những thách thức và trách nhiệm mới của họ. Vì vậy, trước khi trao cho nhân viên vị trí cao hơn, hãy chắc chắn rằng họ thực sự cũng muốn ở đó.
Kiều Giang
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.13Offer letter nên tránh lỗi nào để tăng cơ hội ứng viên đồng ý?
- Nghệ thuật quản lý2025.01.066 dấu hiệu bạn đang lãnh đạo nhóm hiệu quả
- Bí quyết tuyển dụng2024.12.305 câu hỏi giúp đánh giá khả năng ứng viên qua CV
- Nghệ thuật quản lý2024.12.23Vượt qua thành kiến khi đánh giá hiệu suất làm việc cuối năm