Không phải hiển nhiên mà từ một nhân viên bạn được thăng tiến lên làm lãnh đạo, và cũng không phải lãnh đạo nào cũng có thể chiếm trọn cảm tình từ nhân viên của mình, hơn ai hết bạn còn phải là một người lãnh đạo giỏi khiến tất thảy mọi người ngưỡng mộ và kính nể. Tất cả đều có nguyên do của nó, cho nên nếu muốn trở thành lãnh đạo giỏi thì bạn cần phải tự tôi luyện, rèn giũa bản thân để hình thành nên các thói quen cần thiết giúp duy trì mối quan hệ công việc tốt đẹp nhất. CareerLink.vn sẽ chia sẻ với bạn để biết rõ hơn những thói quen đó là gì nhé.
Nhìn mọi vấn đề dưới con mắt tích cực
Sự thật rằng mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhõm và dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn nhìn mọi thứ dưới con mắt tích cực và đơn giản hóa, nhưng trên thực tế lại chẳng mấy ai hiểu được điều này. Đó cũng là vấn đề dễ cảm thông thôi bởi khi đối diện với khối lượng công việc chồng chất, áp lực tứ phía nên không thể tránh khỏi sự cáu gắt, và ít người có khả năng giữ đủ sự tỉnh táo để tiếp cận lúc mà công việc thì cứ ập đến không thể nào kiểm soát được, thay vào đó cứ cuống cuồng, rối rít tìm cho ra bằng được biện pháp nào là phù hợp nhất, chỉ biết làm sao giải quyết một cách dứt khoát, gọn ghẽ hết mức có thể.
Vốn dĩ câu trả lời là nằm ở vấn đề thời gian, khi bạn đã giữ được bình tĩnh suy xét dưới con mắt tích cực chuyện gì rồi cũng sẽ có cách giải quyết thì mọi thứ sẽ dần trở nên ổn thỏa hơn rất nhiều. Hãy hít một hơi thật sâu và thở ra chầm chậm, bạn sẽ thấy tất cả đều diễn ra theo quy luật tất yếu của nó mà thôi.
Khơi gợi cảm hứng từ những câu chuyện
Vấn đề mà bạn gặp phải trong công việc không hề là duy nhất hay chỉ xảy ra với bạn, mà tất cả mọi người ở công ty đều vướng phải những khúc mắc của riêng họ. Là lãnh đạo, bạn nên khơi gợi cảm hứng từ những câu chuyện từng xảy ra trong công việc hay cuộc sống bên ngoài, thông qua đó truyền tải lời khuyên, chỉ bảo khéo léo và nhẹ nhàng nhất, như thể bạn muốn nói rằng nhân viên của bạn thừa khả năng giải quyết vấn đề một cách êm thắm. Đó không những là cách tăng cường hiệu quả công việc, mà còn góp phần tạo mối quan hệ khăng khít giữa cấp trên – cấp dưới.
Bạn có thể dễ dàng dành cho nhau những lời nói khó nghe trong lúc nóng nảy, bốc đồng, nhưng để nhân viên ấn tượng và thoải mái với cách xử trí đầy tinh tế thì chẳng phải là đã rất khó rồi hay sao? Qua đó, bạn sẽ tự rút ra bài học đáng giá và uyên thâm không chỉ cho riêng bạn mà còn truyền cảm hứng, động lực cho cả những nhân viên khác nữa.
Người bạn đồng hành lý tưởng
Chẳng nhân viên nào mong muốn lãnh đạo của mình là một người bảo thủ, luôn phủ nhận ý kiến đóng góp từ cấp dưới, mà cứ giữ khư khư quan điểm của bản thân cả. Nếu bạn muốn trở thành lãnh đạo giỏi thì một điều nữa bạn cần lưu tâm là luôn luôn xem mình vừa là người thầy trên khía cạnh kinh nghiệm, nhưng đồng thời cũng là người bạn đồng hành lý tưởng với mọi người, thể hiện tinh thần cộng tác cao độ thay vì chỉ thích “khoa chân múa tay”. Có như vậy, mối quan hệ giữa bạn và nhân viên sẽ được xây dựng trên nền tảng vững chắc nhờ vào sự tương đồng về quan điểm, nguyên tắc và lòng đam mê, nhiệt huyết trong công việc, giống như câu “hai cái đầu bao giờ cũng hơn một cái đầu” vậy.
Gây dựng niềm tin từ phía nhân viên
Con đường ngắn nhất để gây dựng niềm tin từ phía nhân viên của mình chính là giữ chữ tín và luôn nói sự thật. Là lãnh đạo bạn nên tỏ ra là người đáng tin cậy và chịu trách nhiệm trước bất kỳ điều gì mình đã nói và đã làm. Có như vậy, nhân viên sẽ hoàn toàn yên tâm và tin tưởng vào người dẫn dắt mình và rằng sự lựa chọn của họ là hoàn toàn đúng đắn, từ đấy, nhân viên có thể chuyên tâm tập trung vào công việc hơn, mà không còn sự hoài nghi về người mình đang cùng làm việc hay lấn cấn, e ngại về môi trường làm việc hiện tại.
Niềm tin chính là chiếc chìa khóa vàng hàn gắn và mốc nối giữa cá nhân này với cá nhân khác. Sức mạnh ý chí, nguyện vọng đôi khi còn to lớn hơn rất nhiều về những hào nhoáng phù phiếm bên ngoài, cho dù lời chiêu gọi có hấp dẫn đến mấy nhưng hiện thực không đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân viên thì họ cũng sẽ sẵn sàng rời xa bạn và tìm kiếm lối thoát cho riêng mình.
Sứ giả đại diện cho hòa bình và thiện chí
Có lẽ bạn không biết rằng, ngoài việc giỏi giang về năng lực nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn, bạn sẽ tạo được ấn tượng mạnh mẽ và không thể nào lu mờ trong mắt nhân viên nếu như bạn là sứ giả đại diện cho hòa bình và thiện chí.
Bởi trong môi trường công việc, bạn phải biết cách lắp ráp những mảnh ghép khác nhau tạo thành một bức tranh tổng thể, và các tranh chấp, mâu thuẫn là điều không thể nào tránh khỏi được. Với tư cách là người lãnh đạo, bạn nên đứng ở vị trí trung lập, nhìn nhận mọi việc dưới con mắt công bằng và xử trí thấu tình đạt lý nhất để không ai cảm thấy được thiên vị hay bị ác cảm quá mức, vì nhân viên cũng đủ sự tinh tế và sáng suốt để đưa ra đánh giá ngược lại về lãnh đạo của mình là người như thế nào? Liệu bạn là một người có tư tưởng, lập trường vững vàng “công tư phân minh” hay “gió bề nào che bề ấy”?
Hình ảnh của bạn sẽ được củng cố và hoàn thiện dần thông qua những thói quen hằng ngày của chính bạn đấy. Chúc các bạn thành công.
Hương Giang
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.09Khám phá sức mạnh của lắng nghe chủ động trong tuyển dụng
- Nghệ thuật quản lý2024.09.04Điều gì xảy ra nếu đặt kỳ vọng thiếu thực tế cho nhân viên?
- Bí quyết tuyển dụng2024.08.26Thổi phồng công việc để thu hút ứng viên, lợi hay hại?
- Nghệ thuật quản lý2024.08.19Nên làm gì với những nhân viên thiếu tự tin?