7 ý tưởng giúp nhân viên vượt qua áp lực công việc cuối năm

Áp lực công việc là một vấn đề diễn ra quanh năm nhưng vào thời gian cuối năm mức độ này trở cao hơn bao giờ hết. Nhân viên phải đối mặt với các deadline công việc, các báo cáo tổng kết cũng như tổ chức các sự kiện tri ân hay tặng quà cho khách hàng… Khối lượng công việc tăng lên trong khi thời gian có hạn khiến nhân viên có thể bị đè nặng bởi căng thẳng thay vì cảm thấy nhẹ nhàng và vui vẻ.

Áp lực công việc là gì?

Áp lực công việc tiếng Anh là work stress hay job stress có thể được định nghĩa là các phản ứng có hại về thể chất và cảm xúc xảy ra khi các yêu cầu của công việc không phù hợp với khả năng, nguồn lực hoặc nhu cầu của người lao động. Nói một cách đơn giản, áp lực công việc xuất hiện khi một người không thể đối phó với các yêu cầu được đặt ra cho họ trong công việc. Áp lực công việc có thể dẫn đến sức khỏe kém và có thể dẫn đến thất bại trong công việc.

Trong thực tế, áp lực công việc xếp hạng cao hơn áp lực về kinh tế, trách nhiệm gia đình và sức khỏe cá nhân. Các nghiên cứu cũng đưa ra kết quả tương tự: ¼ nhân viên được khảo sát xem công việc của họ là yếu tố gây căng thẳng số một trong cuộc sống của họ. Các cuộc khảo sát cũng cho thấy 40% nhân viên nhận xét công việc của họ rất căng thẳng hoặc cực kỳ áp lực. Và các chuyên gia nhân sự tin rằng người lao động hiện nay có nhiều áp lực công việc so với trước đây một thập kỷ.

Căng thẳng trong công việc không nên nhầm lẫn với thử thách – điều thúc đẩy nhân viên học hỏi và thành thạo các kỹ năng mới. Thách thức là một khía cạnh quan trọng của công việc. Một số áp lực công việc là cần thiết nhưng khi nó xảy ra nhanh chóng với số lượng lớn như các dịp cao điểm cuối năm thì sức khỏe tinh thần và thể chất của nhân viên có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Lí do gây ra áp lực công việc

Căng thẳng trong công việc có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau hoặc đến từ khía cạnh trách nhiệm của nhân viên, điển hình là những điều sau:

Phong cách quản lý. Một trong những yếu tố phổ biến gây ra áp lực công việc chính là phong cách quản lý. Khi một nơi làm việc có phong cách giao tiếp kém và nhân viên không được tham gia vào quá trình ra quyết định, họ sẽ không cảm thấy được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp và cấp trên.

Trách nhiệm công việc. Cách phân công và thực hiện các nhiệm vụ cũng là lí do gây ra áp lực công việc. Điều này bao gồm khối lượng công việc lớn, thời gian làm việc dài, các công việc lặt vặt không cần thiết hoặc nhân viên phải thực hiện các công việc không phù hợp với kỹ năng và khả năng… Khi kỳ vọng công việc được đưa ra một cách không thực tế và có nhiều mâu thuẫn, nhân viên sẽ cảm thấy họ có quá nhiều trách nhiệm và trở nên căng thẳng.

Môi trường làm việc. Một yếu tố khác gây căng thẳng tại nơi làm việc là môi trường làm việc như sự không an toàn trong công việc hoặc thiếu cơ hội thăng tiến. Ngoài ra, việc thiếu các cơ hội học tập, đào tạo cũng được xác định là nguyên nhân gây ra áp lực công việc.

Xung đột. Xung đột thường xảy ra do một công ty có văn hóa “đổ lỗi”. Trong môi trường này, mọi người đều sợ hình phạt, vì vậy không ai sẽ thừa nhận điều đó khi họ phạm lỗi. Thay vào đó, nhân viên sẽ đổ lỗi cho nhau thay vì học hỏi từ những sai lầm của họ.

Tác hại khi nhân viên không chịu được áp lực công việc

Tất cả chúng ta đều cảm thấy áp lực về một số thời hạn sắp tới ngay cả sau khi chúng ta đi làm về nhà. Một số áp lực này là bình thường, nhưng nếu ngày một lớn hơn, nó thực sự có thể tàn phá sức khỏe và hạnh phúc của nhân viên.

Căng thẳng không được kiểm soát tại nơi làm việc có thể gây ra các tác động về thể chất như rối loạn giấc ngủ, đau đầu, đau dạ dày và tăng huyết áp, bệnh tim mạch, lo lắng, cáu kỉnh, trầm cảm và rối loạn cảm xúc.

Bất cứ ai từng làm việc đến mức kiệt sức cũng có thể nhận ra các triệu chứng khác bao gồm mất tập trung, thiếu động lực, khó khăn trong quá trình suy nghĩ, mất trí nhớ và đưa ra quyết định kém hiệu quả.

Và khi sức khỏe thể chất của nhân viên bị ảnh hưởng bởi sự căng thẳng, thì chắc chắn hiệu suất của doanh nghiệp sẽ không được như ý. Tác động có thể gây ra cho tổ chức khi nhân viên cảm thấy áp lực bao gồm nghỉ việc thường xuyên, tỉ lệ nghỉ việc tăng cao, trễ deadline, hiệu suất và năng suất kém, không còn động lực, những lời phàn nàn từ khách hàng sẽ tăng lên, thậm chí tai nạn lao động có thể xảy ra.

Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, những nhân viên bị áp lực công việc quá mức thường đối phó với tình trạng này theo những cách không lành mạnh như ăn quá nhiều, ăn thực phẩm không lành mạnh hoặc hút thuốc lá.

Là một người quản lý, nếu có điều gì đó bạn có thể làm để khiến thời gian cuối năm trở nên đặc biệt hơn đối với nhân viên, thì đó là mang đến cho họ một khoảng thời gian càng ít căng thẳng càng tốt. Như một câu nói hay về áp lực công việc “Đừng mong muốn công việc sẽ trở nên dễ dàng hơn, hãy mong muốn ta có đủ sức mạnh để chịu đựng với khó khăn”. Vậy, vào thời điểm bận rộn nhất trong năm, bạn cần làm gì để giảm thiểu áp lực công việc cho nhân viên trong khi vẫn duy trì mức năng suất hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu một vài gợi ý sau đây nhé.

Hỗ trợ nhân viên vượt qua áp lực công việc về mặt tinh thần

Hào phóng với những lời cảm ơn, khích lệ. Khi nhân viên cảm thấy căng thẳng vào thời điểm cuối năm, hãy chắc chắn rằng bạn biết được những việc họ đã hoàn thành tốt và nói lời cảm ơn. Ngoài ra, hãy lưu ý đến bất kỳ nhân viên nào có thể cần thêm một lời khích lệ như ai đó đang gặp một số khó khăn trong cuộc sống riêng. Cho thấy rằng bạn đánh giá cao đóng góp của nhân viên cũng như quan tâm đến đời sống của họ sẽ rất hữu ích trong việc “lên tinh thần” cho nhân viên và giữ chân được họ trong thời gian dài.

Giữ cho nơi làm việc vui vẻ. Mặc dù khá bận rộn nhưng bạn cũng nên dành ra một chút thời gian để củng cố tinh thần nhân viên bằng cách tạo không khí vui vẻ, thoải mái tại nơi làm việc. Tất nhiên bạn cần phải duy trì sự chuyên nghiệp của mình nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể nở một nụ cười, kể một câu chuyện vui hay chia sẻ tin tức tích cực từ khách hàng. Khi bạn cười, những nhân viên xung quanh bạn cũng sẽ làm như vậy và văn phòng của bạn sẽ là một nơi hạnh phúc hơn. Điều này sẽ giúp xoa dịu tình trạng căng thẳng mà các nhân viên “siêu” bận rộn của bạn đang gặp phải.

Trao quyền quyết định. Tạo cơ hội để nhân viên được tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến công việc của họ. Nếu bạn đang cần nhân viên trang trí lại văn phòng, lên ý tưởng cho tiệc tất niên cuối năm hay tặng quà cho khách hàng, hãy để nhân viên tự ra quyết định dựa trên những tiêu chí bạn đưa ra. Nếu được tham gia vào quá trình, họ sẽ tận tâm nhiều hơn.

Cách giảm áp lực công việc cho nhân viên qua các hành động thiết thực

Quản lý khối lượng công việc. Nhân viên thường bị căng thẳng trong những ngày nghỉ vì họ phải thực hiện nhiều thứ hơn. Do đó để tránh trục trặc, hãy lên kế hoạch và sắp xếp công việc ngay từ trước. Nếu có lịch trình hợp lý, bạn sẽ tránh được sự suy giảm năng suất và đảm bảo nhân viên không trở nên quá tải.

Chủ động hỗ trợ. Đừng tự nhốt mình trong văn phòng của bạn và để cho nhân viên tự “quay cuồng” với khối lượng công việc đang tăng cao vào dịp cuối năm. Giống như bất kỳ thời điểm nào khác trong năm, nhà quản lý cần thể hiện sự quan tâm đến nhân viên bằng cách hỏi họ những gì bạn có thể làm để giúp họ giảm căng thẳng trong các cuộc gặp mặt trực tiếp, các cuộc họp nhân viên hoặc cuộc gặp sau giờ làm việc. Nếu nhân viên cảm thấy được hỗ trợ khi mọi việc trở nên bận rộn hơn, họ sẽ có thể kiểm soát được lịch trình “hỗn loạn”, hoàn thành các nhiệm vụ tốt hơn và giải tỏa áp lực công việc.

Khuyến khích thời gian nghỉ. Hãy khuyến khích nhân viên tận dụng thời gian nghỉ phép trong năm để tạm thời rời xa công việc trong một hoặc nửa ngày để có thể làm điều họ thích. Bên cạnh công việc, hầu hết các nhân viên đều bị căng thẳng vào thời gian cuối năm vì họ không thể tìm thấy thời gian cho bản thân mình. Nếu được nghỉ ngơi và “sạc” thêm năng lượng, họ sẽ trở lại với một tâm trí tốt hơn và đạt năng suất cao hơn.

Tuyển dụng nhân viên thời vụ. Với khối lượng công việc tăng lên trong dịp cuối năm, việc tuyển dụng nhân viên thời vụ hoặc nhân viên part time có thể làm giảm căng thẳng cho nhân viên toàn thời gian của bạn. Điều này không chỉ đảm bảo rằng công việc được hoàn thành nhanh hơn và đúng thời hạn mà còn có nghĩa là nhân viên của bạn không phải làm việc ngoài giờ. Nhân viên càng làm việc nhiều, họ sẽ càng kém hiệu quả và cũng sẽ tăng căng thẳng, từ đó có thể dẫn đến nhiều sai sót.

Kiểm soát hiệu quả áp lực công việc và cuộc sống vào dịp bận rộn cuối năm không chỉ tốt cho sức khỏe tinh thần và thể chất của nhân viên mà còn giúp duy trì năng suất làm việc của doanh nghiệp. Một số khảo sát cho thấy rằng căng thẳng khiến nhân viên mất tập trung vào công việc và làm giảm chất lượng các nhiệm vụ được thực hiện. Nhưng tin tốt là bạn, với tư cách là một nhà quản lý có thể làm rất nhiều việc, điển hình là một số điều trên, để giúp nhân viên giảm được áp lực trong khi vẫn giữ cho doanh nghiệp đi đúng hướng.

 Huỳnh Trâm

Sao chép thành công