Mục Lục
Trong tất cả những thách thức khi đảm nhiệm vai trò quản lý, có lẽ việc hướng dẫn và phát triển những nhân viên thiếu tự tin vào khả năng của mình là điều khó khăn nhất. Sự tự ti đó không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và năng suất làm việc của nhân viên mà còn là rào cản khiến đội nhóm khó đạt được thành tựu đáng chú ý.
Ngồi im như tượng trong các cuộc họp, chần chừ ra quyết định, luôn xin lỗi dù không cần thiết, có thái độ chỉ trích hoặc xem thường các thành tựu công việc trước đây, thích trì hoãn, tránh né rủi ro, sợ thất bại, mất nhiều thời gian cho các nhiệm vụ đơn giản, suy nghĩ quá nhiều hoặc đặc biệt nhạy cảm với phản hồi, làm việc quá sức và cuối cùng kiệt sức… là biểu hiện thường thấy ở nhân viên thiếu tự tin. Họ có khả năng nhưng vì quá tự ti nên dẫn đến năng suất kém và điều này không chỉ khiến bản thân họ mà người xung quanh cũng cảm thấy căng thẳng.
Đáng nói hơn, sự tự ti này là một vòng lẩn quẩn. Khi nhân viên có mầm mống của niềm tin tiêu cực như liên tục nhận định rằng “Em không đủ khéo để thuyết phục người khác” hay “Em không giỏi nói trước nhiều người” thì họ sẽ lặng lẽ đi tìm các bằng chứng ủng hộ suy nghĩ này. Khi tìm thấy càng nhiều chứng cứ thì họ càng bị bao trùm bởi cảm giác tự ti, bất an ngày càng lớn, tinh thần sa sút, thậm chí nghỉ việc – tất cả đều gây tổn thất lớn cho cá nhân và cả doanh nghiệp.
Là người quản lý, bạn nên làm gì để ngăn chặn điều này này một lần và mãi mãi đồng thời động viên nhân viên tự tin hơn trong công việc?
“Nhân viên thiếu tự tin có vẻ như là một vấn đề nhỏ, nhưng nếu không được kiểm soát, điều này sẽ gây hại cho cá nhân họ và cho cả đội nhóm.”
Khen ngợi khi thích hợp và trấn an bằng hành động cụ thể
Đây là điều mà chị Nguyễn Minh Tú, Trưởng phòng Hành chính nhân sự khuyên làm trong bước đầu tiếp cận các nhân viên thiếu tự tin. “Có nhiều cách để nói với nhân viên rằng họ đã hoàn thành tốt công việc nhưng khen ngợi công khai là có giá trị hơn cả, bởi họ còn có thêm sự công nhận từ đồng nghiệp. Tương tự như vậy, nếu họ đã đóng góp một ý tưởng mà bạn sẽ trình bày với các sếp lớn, hãy mời họ cùng vào phòng để bạn có thể ghi nhận công lao của họ”, chị chia sẻ.
Song song với việc khen thưởng đúng lúc, đúng nơi và đúng cách thì liên tục trấn an cũng là điều chị Minh Tú cho là cần thiết để thúc đẩy sự tự tin ở nhân viên. “Chắc chắn bạn không thể lúc nào cũng kè kè một bên để động viên họ nhưng có thể liệt kê các điểm mạnh cốt lõi của họ trên một tờ giấy thật đẹp để họ có thể đặt ở bàn làm việc như một bảo bối giúp tăng sự tự tin và mang lại cho họ cảm giác được coi trọng thật sự”, chị Tú gợi ý.
Ngoài ra, bạn cũng có thể khuyến khích họ viết ra một số câu nói ngắn gọn mang ý nghĩa tích cực mà họ có thể lặp lại trong đầu khi cảm thấy quá sức như “Mình có khả năng”, “Mình sẽ làm được”, “Mình xứng đáng đạt được thành công”… Nhân viên không nhất thiết phải tin vào những câu nói này ngay lập tức nhưng theo thời gian, chúng sẽ thấm dần vào tư tưởng của họ và nuôi dưỡng cho sự tự tin từ bên trong.
Xóa bỏ sự so sánh
Mỗi nhân viên đều là duy nhất và họ có điểm mạnh, điểm yếu riêng. Đương nhiên, khi so sánh với những người đồng cấp, sự khác biệt và thiếu sót trong hiệu suất của họ sẽ được nêu bật. Theo chị Tú, điều này sẽ làm xói mòn lòng tin của nhân viên vào khả năng của chính họ. Kết quả là, tinh thần của họ sẽ suy giảm và năng suất cũng theo đó mà đi xuống.
Vậy nên, nếu nhóm của bạn đang hiển thị công khai các số liệu liên quan đến hiệu suất như chỉ tiêu hay mức doanh số đạt được trong phòng làm việc hoặc các cuộc họp thì hãy xem có thể báo cáo riêng hay không. Chị Tú lý giải “Việc này sẽ giúp mọi người tránh so sánh bản thân với người khác và cảm thấy yếu kém trước mặt đồng nghiệp. Nếu nhân viên chưa đạt năng suất như mong đợi thì điều đó nên giải quyết trong các cuộc họp riêng chứ không phải mổ xẻ phân tích trước bàn dân thiên hạ”.
Tạo dựng văn hóa không đổ lỗi và bình thường hóa sự không hoàn hảo
Nhân viên thường sợ thừa nhận khi họ mắc lỗi hoặc thất bại. Họ sợ rằng lỗi lầm sẽ khiến họ gặp rắc rối hoặc thậm chí có thể mất việc và vì thế càng tự ti hơn. Cách tốt nhất để chống lại điều này là tạo ra văn hóa không đổ lỗi, khiến nhân viên biết rằng việc mắc lỗi không phải lúc nào cũng là lý do khiến họ bị đuổi việc. Khi một nhân viên thừa nhận lỗi lầm, hãy chỉ coi đó là cách để họ học được bài học để làm tốt hơn vào lần sau. Máy móc đôi khi còn bị lỗi thì con người được phép không hoàn hảo.
Có thể bạn đã từng thất bại hoặc mắc lỗi lầm nào đó, phải không? Không ngại chia sẻ về vấn đề này và sẵn sàng thừa nhận “Tôi không biết” cũng là cách phá vỡ ảo tưởng về chủ nghĩa hoàn hảo, tạo cảm giác an toàn về mặt tâm lý để nhân viên cảm thấy thoải mái hơn khi chấp nhận rủi ro và nói lên quan điểm chung. “Tôi thấy rằng việc chia sẻ về sai lầm của bản thân có thể giúp xây dựng sự tự tin của nhân viên. Nó cho phép tôi kết nối với những người khác và cho họ thấy rằng họ không đơn độc. Nhưng quan trọng hơn, nó giúp nhắc nhở tôi rằng tôi có thể vượt qua sự tự ti và họ cũng vậy”, chị Tú tâm sự.
Cởi mở và lắng nghe tích cực
Những nhân viên thiếu tự tin nhất của bạn cần biết rằng họ có thể thoải mái tìm đến bạn khi họ cần lời khuyên, sự trấn an hoặc lời nhắc nhở rằng họ đang làm tốt công việc. Nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn có thể chủ động tiếp cận họ và bắt đầu cuộc trò chuyện. “Bạn nên thực hành kỹ năng lắng nghe tích cực khi gặp họ, tạo được niềm tin rằng không có câu hỏi nào là ngốc nghếch và không có ý tưởng nào là tệ hại. Bằng cách xem xét mọi thắc mắc, cân nhắc mọi ý tưởng, bạn cho thấy rằng ý kiến đóng góp của họ rất đáng giá và họ quan trọng với đội nhóm biết bao. Họ sẽ có nhiều khả năng tin tưởng vào bản năng và phán đoán của mình hơn”, chị Minh Tú đưa ra lời khuyên.
Ưu tiên việc học tập và phát triển chuyên môn
“Sự tự tin của nhân viên sẽ tăng lên khi họ cảm thấy có năng lực trong vai trò của mình. Vì vậy, cung cấp các cơ hội phát triển chuyên môn hoặc đào tạo cũng là cách hay để giúp nhân viên vượt qua được sự tự ti đáng ghét”, chị Minh Tú quả quyết.
Không chỉ giúp trang bị thêm kiến thức và kỹ năng cho nhân viên thiếu tự tin mà khoản đầu tư này còn mang đến lợi ích về lâu dài. Nghiên cứu cho thấy rằng các doanh nghiệp cung cấp chương trình đào tạo toàn diện có doanh thu cao hơn, thu nhập của nhân viên cũng ở mức cao so với các công ty không có chương trình đào tạo chuẩn hóa. Nhờ vào điều này, doanh nghiệp cũng tăng khả năng giữ chân được nhân viên và xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng hiệu quả.
Hoàn cảnh thay đổi cùng nhiều sự kiện xảy ra khiến chúng ta đôi khi không còn cảm thấy tự tin vào khả năng của mình nữa. Điều tương tự cũng đúng với nhân viên của bạn. Hỗ trợ nhân viên thiếu tự tin trở nên năng động cần kết hợp nhiều hoạt động và không phải là chuyện ngày một ngày hai. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ nhiệt tình của bạn cùng các nguồn lực phù hợp, nhân viên sẽ trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn vào khả năng của mình. Theo cách này, bạn không chỉ đóng góp vào sự phát triển cá nhân của họ mà còn tạo nên một nơi làm việc kiên cường và gắn kết hơn.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.073 kỹ năng giao tiếp giúp phỏng vấn ứng viên hiệu quả hơn
- Nghệ thuật quản lý2024.09.30Làm gì khi nhân viên phản đối sự đổi mới?
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.234 câu hỏi giúp đánh giá tinh thần trách nhiệm của ứng viên
- Nghệ thuật quản lý2024.09.16Để các cuộc họp doanh nghiệp diễn ra đúng tiến độ và đúng hướng