5 cách hỗ trợ nhân viên vượt qua áp lực công việc

Các nhà tuyển dụng thường đòi hỏi ứng viên phải có khả năng chịu được áp lực công việc nhưng thực tế là có rất nhiều cuộc chia tay giữa nhân viên với doanh nghiệp vì lý do áp lực quá nặng nề. Áp lực nghề nghiệp là điều khó tránh khỏi nhưng nếu các nhà quản lý có những chế độ, chính sách phù hợp sẽ khiến nhân viên cảm thấy mình được hậu thuẫn, giúp họ có sức chịu đựng tốt hơn để vượt qua trở ngại trong công việc. 5 trong số những cách hỗ trợ đó sẽ được giới thiệu ngay sau đây!

Nói lời thông cảm và động viên

Áp lực công việc có thể đến từ nội bộ với những chỉ tiêu doanh số, từ đồng nghiệp không hợp tác hay từ bên ngoài như xử lý khiếu nại của khách hàng, theo dõi chất lượng của nhà cung cấp… Tất cả đều khiến nhân viên cảm thấy mệt mỏi, đôi khi quá tải.

Là một người quản lý, chắc chắn bạn cũng chịu không ít sức ép từ cấp cao hơn hoặc từ đối tác, nhưng bạn vẫn nên hiểu và thông cảm với những áp lực mà nhân viên đang đối mặt bởi bạn đã từng trải qua những điều “kinh khủng” đó, cũng hiểu sự khó khăn trong nhiệm vụ mà nhân viên đang đảm nhận. Việc mỉa mai hay lớn tiếng chỉ trích không giúp cho nhân viên làm việc tốt hơn mà ngược lại chỉ tạo cho họ cảm giác xấu hổ, sợ hãi người quản lý và lâu dài, họ không còn muốn tiếp tục công việc nữa.

Thay vào đó, hãy nói lời thông cảm và động viên. Một lời chia sẻ đúng lúc sẽ tiếp thêm sức mạnh cho nhân viên, giúp họ mạnh dạn chia sẻ những khó khăn với cấp quản lý để tìm ra giải pháp hơn là loay hoay tự xử lý vấn đề, mà rất có thể chính việc tự xử lý đó lại làm phát sinh những rắc rối mới khiến công việc áp lực hơn.

Duy trì sự cân bằng

Tạo điều kiện để nhân viên được tham gia các lớp thể dục như yoga, thể dục nhịp điệu, thể hình hoặc nhảy sau giờ làm là một cách làm giảm căng thẳng và áp lực cho nhân viên hiệu quả. Ngoài mục đích là giúp mọi người thư giãn và vui đùa với nhau mà không bị chủ đề công việc xen vào, thì các hoạt động này còn giúp nhân viên tăng cường thể lực, phòng tránh được các bệnh văn phòng phổ biến.

Truyền đạt mục đích và tầm nhìn

Ở nhiều công ty, nhân viên có thể nắm rất rõ mục đích và tầm nhìn của doanh nghiệp đó. Điều này giúp nhân viên hiểu được họ đang làm gì và họ đang đóng góp sức lực, khả năng vào “bức tranh tổng thể” như thế nào. Đây là điều đặc biệt quan trọng, nhất là trong những thời điểm khó khăn khi mà nhân viên cần một điểm tham chiếu giúp họ đối phó với sự thay đổi.

Xây dựng sự tự tin

Cung cấp cơ hội để nhân viên được học hỏi và phát triển là một phần quan trọng giúp họ cảm thấy được trang bị để đối phó với áp lực. Các nhà quản lý có thể giúp mọi người trong nhóm của mình nâng cao kỹ năng và xây dựng sự tự tin bằng cách xác định nhu cầu đào tạo thích hợp với từng cá nhân. Điều này không có nghĩa là bắt nhân viên tham gia vào các khóa đào tạo tốn kém – hướng dẫn, tư vấn và hoán đổi nhân sự giữa các phòng ban là những cách giúp tiết kiệm chi phí đồng thời giúp nâng cao kỹ năng của nhân viên.

Nâng cao năng suất

Công việc là chuỗi hành trình dài có cả sự tiến lên và dừng lại nên cần có khoảng thời gian dưỡng sức, phục hồi và tái sáng tạo. Vì vậy, nhà quản lý hãy dừng lo lắng xem nhân viên dành bao nhiêu giờ ngồi chăm chú vào màn hình, mà nên xem họ làm được những gì trong thời gian đó; đồng thời cũng nên nghĩ ra các biện pháp giúp đỡ để họ thực sự tập trung và đạt hiệu suất cao trong công việc. Quan trọng hơn là để nhân viên có thời gian tái tạo sức lao động và khả năng sáng tạo.  

Bất cứ công việc nào cũng có áp lực riêng nhưng nếu nhân viên cũng không nhận được thông cảm và chia sẻ từ đồng nghiệp và cấp trên thì việc mệt mỏi, chán nản thậm chí bỏ việc là điều tất yếu sẽ xảy ra. Do đó, người quản lý cần có những cách riêng để hỗ trợ cấp dưới nhằm giúp họ “sống sót” qua giai đoạn khó khăn cũng như tránh tình trạng “thay máu” liên tục trong vấn đề nhân sự. Bạn đã hỗ trợ nhân viên vượt qua căng thẳng và áp lực như thế nào? Hãy chia sẻ cùng Careerlink nhé!

Mừng Mẫn

Sao chép thành công