8 điều không nên làm nếu muốn được nhân viên nể trọng

 Làm “sếp” là một nhiệm vụ vẻ vang nhưng không hề đơn giản. Mặc dù rất nỗ lực, bạn vẫn cảm thấy khó khăn để chiếm được lòng tin, sự nể trọng của nhân viên? Vậy bạn đã bao giờ tự hỏi những thói quen, quan điểm và thái độ nào của bạn đang làm bạn bị mất điểm, giảm uy tín trong mắt các cộng sự của mình? Hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây để xem điều gì bạn cần thay đổi nhé!

Không chịu lắng nghe

Một lãnh đạo giỏi phải biết lắng nghe nhóm của mình. Nhóm của bạn có thể giúp bạn bổ sung nhiều thông tin có giá trị và các ý tưởng tốt. Hãy lắng nghe những gì họ nói và hãy xem xét, cân nhắc chúng. Khi bạn không dành thời gian để lắng nghe, các nhân viên sẽ cảm thấy không được sếp chia sẻ và đánh giá đúng. Tâm lý này cũng dẫn đến giảm sút năng suất, hiệu quả công việc của nhóm. 

Ôm đồm tất cả mọi việc

Bạn làm mọi thứ vì không tin tưởng nhân viên của mình hoặc vì những lý do khác. Dù bất kỳ lý do nào, việc bạn quản lý công việc quá chi tiết mà không giao quyền chủ động cho nhân viên, sẽ khiến họ cảm thấy không thoải mái. Ngoài ra, điều này còn gây mất thời gian của bạn và cả nhóm. Đồng thời, nó cũng thể hiện năng lực lãnh đạo của bạn chưa thực sự ổn.

Không khuyến khích nhân viên

Thường chỉ trích, phê bình nặng nề khi nhân viên mắc lỗi mà không khen ngợi khuyến khích kịp thời khi họ làm tốt, đó cũng là một thói quen xấu của nhiều người lãnh đạo. Thói quen đó gây áp lực cho nhân viên của bạn, tạo không khí căng thẳng ở nơi làm việc.

Một sai lầm phổ biến của các lãnh đạo kém hiệu quả là cho rằng tiền là yếu tố duy nhất thúc đẩy nhân viên của bạn nâng cao năng suất làm việc. Thực tế, có rất nhiều yếu tố và ưu đãi khác nhau có thể thúc đẩy tinh thần và năng suất của cấp dưới như giờ giấc linh hoạt, những lời khen ngợi kịp thời, cơ hội phát triển nghề nghiệp hay sự quan tâm lẫn nhau một cách chân thành giữa những người đồng nghiêp.

Không có mục tiêu rõ ràng

Là người lãnh đạo, bạn có trách nhiệm đặt ra mục tiêu, phương hướng phát triển công việc của toàn đội một cách rõ ràng. Nếu một người sếp không làm điều này, nhân viên sẽ nghi ngờ bạn thiếu chuyên nghiệp và thiếu kỹ năng quản lý.

Khi có mục tiêu rõ ràng, bạn cũng cần phân công nhiệm vụ hợp lý cho nhân viên, làm sao để mỗi người đều cảm thấy vai trò quan trọng của họ đối với công việc chung của toàn đội.

Tùy tiện trong ứng xử với cấp dưới

Nhiều người sếp có thói quen coi cấp dưới của mình như “người nhà”, tùy tiện sai bảo những việc không liên quan đến công ty, không phải là trách nhiệm của nhân viên. Một số người lại đối xử quá thân thiện với nhân viên tại nơi làm việc, xóa nhòa ranh giới cấp trên – cấp dưới. Đây là sai lầm của sếp khiến nhân viên cư xử suồng sã, thiếu tôn trọng bạn.

Đổ trách nhiệm cho nhân viên

Đây là thói quen mà không ít vị sếp mắc phải. Thông thường, khi có sự cố xảy ra hoặc bị các lãnh đạo cấp cao hơn chất vấn, bạn vội vàng đổ hết mọi tội lỗi lên đầu nhân viên của mình. Nên nhớ bạn là người quản lý, khi công việc có trục trặc hay tổn thất nào đó, sếp chính là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Đừng đổ lỗi cho cấp dưới vì cách làm đó chứng tỏ bạn kém bản lĩnh, không dám nhận trách nhiệm và khiến nhân viên ngấm ngầm coi thường bạn.

Thiếu công bằng

Sếp chỉ thích trao đổi, làm việc với những người hợp với mình mà không “đếm xỉa” gì đến những nhân viên khác thậm chí là đối xử với họ một cách bất công, đây là điều xảy ra khá phổ biến ở nhiều môi trường làm việc. Một người sếp giỏi không tạo ra sự chia rẽ, ức chế trong tập thể, vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhân viên và ảnh hưởng xấu đến hiệu quả công việc.

Hứa nhưng không làm

Để thúc đẩy nhân viên tăng năng suất làm việc, nhiều người sếp thích cho họ “ăn bánh vẽ”, hứa tăng lương, hứa cất nhắc lên vị trí quản lý… Hãy cân nhắc kỹ trước khi bạn hứa hẹn bất cứ điều gì với nhân viên bởi vì họ sẽ rất trông chờ vào lời hứa của sếp. Khi bạn cứ liên tục hứa mà không thể hoặc không muốn thực hiện nó, nhân viên sẽ không còn tin tưởng bạn. Và một khi đã mất lòng tin với nhân viên, bạn sẽ rất khó để quản lý tốt nhóm của mình.

 

Minh Khang

Sao chép thành công