Sự đoàn kết “đồng lòng nhất trí” trong công việc là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty nhỏ hay startup mới thành lập. Khi tất cả mọi nhân viên cùng đồng lòng hợp sức sẽ tạo ra một nguồn năng lượng làm việc lớn nhất và đạt hiệu quả cao nhất. Nhưng vấn đề đặt ra là mỗi người đều là mỗi cá thể riêng biệt, nên sẽ không dễ dàng để gắn kết mọi người cùng hòa vào dòng chảy chung của tập thể.
Để xây dựng nên một văn hóa doanh nghiệp đậm tình đoàn kết thì sẽ cần rất nhiều các yếu tố khác nhau. Theo CareerLink.vn để tạo nên một tinh thần đoàn kết vững mạnh, thì cần đảm bảo 4 yếu tố cơ bản bao gồm: rõ ràng, bình đẳng, chia sẻ và thống nhất. Bài viết dưới đây sẽ phân tích tại sao 4 yếu tố này lại cần thiết cho việc xây dựng sự đoàn kết cho mỗi doanh nghiệp.
1.Rõ Ràng
Hãy bắt đầu bằng việc xác định rõ ràng mục tiêu chung của công việc. Dù là một doanh nghiệp nhỏ hay công ty đa quốc gia, dù là nhân viên mới hay cũ thì mọi người đều cần biết đích đến cuối cùng. Chỉ như vậy nhân viên mới hiểu rõ mình cần phải làm gì, nỗ lực như thế nào cho tập thể để đóng góp vào thành công chung.
Nếu tập thể cùng chạy theo một mục tiêu quá chung chung, mơ hồ, thì sẽ không thể tận dụng nguồn lực sẵn có và phát huy thế mạnh của từng thành viên. Vài cá thể sẽ đặt trọng tâm công việc vào những vấn đề không cần thiết, ngoài lề. Dần dà, cái đích đến của mỗi người sẽ khác nhau, nó có thể trật hoàn toàn hoặc chưa đạt đến điểm kết thúc như dự định.
Ngoài ra, yếu tố rõ ràng ở đây còn mang ý nghĩa “có thể thực hiện được”. Mỗi thành viên đều có những khả năng và hạn chế nhất định, và thành công là cả một quá trình dài. Vì vậy chúng ta không thể cứng nhắc khi đề ra những mục tiêu chung “rõ ràng không thể thực hiện được” cho cả nhóm. Một mục tiêu chung rõ ràng kèm theo những mục tiêu nhỏ là một điều cần thiết. Điều này giúp mọi người từng bước bám sát vào lộ trình phát triển, tránh lạc hướng và hiểu rõ vấn đề cần giải quyết.
2.Bình Đẳng
Mọi người sẽ làm việc tốt với nhau khi họ cảm thấy được đối xử công bằng trong công việc. Một vài nhân viên bình thường, không có đóng góp nhiều cho tập thể nhưng luôn nhận được sự thiên vị hoặc đối xử đặc biệt trong công việc, khen thưởng hay xử phạt. Điều này chắc chắn sẽ khiến những người còn lại không hài lòng, thậm chí bất mãn vì cách đối xử thiếu phân minh.
Nếu tập thể thiếu đi yếu tố bình đẳng thì điều này tạo ra sự bất hòa, không nhất quán trong công việc. Từ đó, sự đoàn kết sẽ không tồn tại và năng suất làm việc của cả tập thể bị giảm sút, các nhân viên luôn cảm thấy lạc lõng, xa rời tập thể và không còn hứng thú làm việc.
Phân bố nhiệm vụ, khối lượng công việc hợp lý, thưởng phạt phân minh sẽ khiến cho mọi người đều nhận thấy sự bình đẳng. Mỗi cá nhân sẽ thi đua một cách công bằng để phát triển công việc và hoàn thành mục tiêu chung của nhóm.
3.Chia Sẻ
Yếu tố chia sẻ ở đây nên hiểu theo hai hướng là cho và nhận. Theo hướng “nhận” có nghĩa là mọi người đều có quyền được biết những thông tin cần thiết về kế hoạch phát triển hoặc nội dung công việc liên quan đến bản thân và cả người khác. Qua đó, mọi người sẽ hiểu rõ hơn về nhiệm vụ của từng người để hỗ trợ nhau khi vấn đề xảy ra. Còn theo hướng “cho” có nghĩa mỗi nhân viên đều có quyền tự do chia sẻ những quan điểm, ý kiến của mình vào công việc chung của cả nhóm.
Để giúp mọi người cởi mở và dễ dàng hơn trong chia sẻ, doanh nghiệp nên có các hoạt động như họp định kỳ – nơi mọi thông tin sẽ được phổ biến rộng rãi và mọi người tự do chia sẻ về các ý tưởng, tin tức mới; các hoạt động “ngoài lề” công việc như du lịch, đi từ thiện, tổ chức tiệc giáng sinh, năm mới,… Đây đều là những dịp để mọi người xích lại gần nhau, trò chuyện nhằm hiểu nhau hơn để nâng cao sự đoàn kết.
4.Thống Nhất
Trong một đội ngũ thì sẽ luôn tồn tại những cá thể “khác biệt”, họ có thể là những cá nhân với tài năng xuất chúng hoặc phong cách làm việc đặc biệt. Tuy nhiên, không có thành công nào hoàn toàn dựa trên cá nhân mà thành quả luôn thuộc về tập thể. Do vậy, nếu trong nhóm bạn tồn tại thứ gọi là “chủ nghĩa cá nhân cực đoan” trong công việc thì điều này sẽ phá hủy sự đoàn kết.
Không phải ngẫu nhiên mà một số công ty sử dụng đồng phục chung cho nhân viên, hoặc những nhân viên đồng cấp đều sử dụng chung loại cơ sở vật chất văn phòng (máy vi tính, bàn làm việc, ghế ngồi,…), điều này nhằm đảm bảo sự tương đồng, và xóa bỏ những khoảng cách “vô hình” giữa mọi người.
Việc xây dựng và nâng cao sự đoàn kết giữa các nhân viên không phải là một chuyện đơn giản và nhanh chóng. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác nhau về cả khách quan, chủ quan, bên ngoài và nội bộ. Thiết nghĩ, một văn hóa doanh nghiệp đậm tình đoàn kết nên được xây dựng từ 4 yếu tố cơ bản trên. Rõ ràng, bình đẳng, chia sẻ, và thống nhất đều là những thứ mà mọi cá nhân mong muốn có được trong đội ngũ mà họ tham gia. Bởi vì khi các nhân viên hài lòng với tập thể, với công việc thì họ sẽ cống hiến hết mình cho sự phát triển chung của doanh nghiệp. Từ đó, sự đoàn kết giữa mọi người sẽ càng thêm bền chặt, lớn mạnh.
Trung Thành
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.073 kỹ năng giao tiếp giúp phỏng vấn ứng viên hiệu quả hơn
- Nghệ thuật quản lý2024.09.30Làm gì khi nhân viên phản đối sự đổi mới?
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.234 câu hỏi giúp đánh giá tinh thần trách nhiệm của ứng viên
- Nghệ thuật quản lý2024.09.16Để các cuộc họp doanh nghiệp diễn ra đúng tiến độ và đúng hướng