Mâu thuẫn giữa nhân viên và trách nhiệm của nhà quản lý

Mâu thuẫn giữa các nhân viên là “đề tài” thường xảy ra ở môi trường công sở và gây ảnh hưởng đến tâm lý, công việc chung.

Với tư cách là một quản lý, việc giải quyết kịp thời và giảng hòa ổn thỏa luôn là bài toán “khó nhằn”. Nói về vấn đề này, CareerLink.vn sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi trên.

Xác định loại mẫu thuẫn giữa nhân viên

Trước tiên, nhà quản lý cần có một cuộc gặp gỡ với từng bên nảy sinh mâu thuẫn để xác định vấn đề là gì. Một cuộc nói chuyện thẳng thắn để giải bày sẽ cần thiết vào lúc này để nhà quản lý có thể hiểu rõ, đồng thời tìm ra “nhân tố” chính dẫn đến sự việc. Hãy thực hiện việc này một cách nhanh chóng để vấn đề không trầm trọng và mất kiểm soát.

Đưa ra giải pháp để 2 bên tiến tới thỏa thuận

Nếu sự việc chỉ là một hiểu lầm nhỏ nghiêng về tình cảm cá nhân hơn, nhà quản lý nên đưa những người có liên quan vào một cuộc nói chuyện thẳng thắn và mọi mâu thuẫn sẽ hóa giải khi họ được bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Hãy trở thành người lắng nghe trong tình huống này để góp ý và đưa những lời khuyên chân thành của một người lãnh đạo dành cho nhân viên của mình. Nhờ đó, nhà quản lý không chỉ giải quyết được vấn đề mà còn ghi dấu ấn, tạo sự ngưỡng mộ trong lòng nhân viên.

“Đa số thắng thiểu số”

Nếu là dạng 2 ý kiến trái chiều và không ai chịu nhận mình sai, thì nhà quản lý cần vận dụng nguyên lý đa số thắng thiểu số. Nghĩa là ý kiến nào được số đông biểu quyết tán thành thì người còn lại buộc phải tuân thủ theo sự thống nhất đó. Dù đây là cách làm “người thua cuộc” cảm thấy không mấy vui vẻ nhưng dẫu sao cũng đã phần nào khiến họ nhận ra ý kiến của mình không hẳn là chính xác.

Và nếu gặp trường hợp nhân viên phản ứng tiêu cực thái quá với kết quả nhận được, nhà quản lý cần liên kết cùng bộ phận nhân sự để đưa ra phương án hợp lý nhất. Ví dụ như đưa nhân viên cá biệt này vào diện lưu ý nhiều hơn hay chuyển sang phòng ban khác.

Đảm bảo thực thi những giải pháp

Có thể 2 nhân viên mâu thuẫn sẽ chỉ chấp nhận thỏa thuận khi có mặt nhà quản lý và quay ngoắt 180 độ khi cấp trên vắng mặt. Do đó, các nhà quản lý cần phải lên kế hoạch chi tiết, phân công rõ ràng, thời gian biểu cụ thể, giám sát và đánh giá kết quả cho sự thực thi này. Hãy đảm bảo rằng, các bên có liên quan đều thực hiện một cách tự nguyện và cảm nhận được sự tôn trọng của đối phương dành cho mình.

Để không khí của môi trường làm việc luôn được vui vẻ, hòa đồng, nhà quản lý thực hiện thêm những điều sau:

–       Khuyến khích nhân viên cùng nhau tạo nên một môi trường làm việc khoan dung, lịch sự và tôn trọng lẫn nhau.

–       Thường xuyên tạo ra những cuộc đối thoại mở để nhân viên tự do chia sẻ cũng như cập nhật thông tin mới về tổ chức. Đồng thời, đây cũng là dịp để nhà quản lý dập tắt những tin đồn không hay nếu có.

–       Ngoài những giờ họp thì nhà quản lý cũng nên chủ động tổ chức những buổi liên hoan nhẹ để gây dựng sự đoàn kết và thân thiết với nhân viên, từ đó thấu hiểu hơn tâm tư tình cảm của họ.

–       Xem xét lại các chính sách về việc sử dụng thư điện tử hoặc các trang mạng xã hội tại công ty. Một số nhân viên bất mãn có thể đưa ra những bình luận xấu về công ty ngay tại văn phòng hoặc ở ngoài, thậm chí là nói với đối thủ cạnh tranh. Hãy nắm rõ những chính sách truyền thông của công ty và trao đổi thẳng thắn với nhân viên của bạn.

Những mâu thuẫn xảy ra trong môi trường làm việc thường được đánh giá là chỉ làm nảy sinh những động thái tiêu cực nhưng xét theo tâm lý học, điều này đôi khi lại tạo ra điều tích cực. Chính nhờ sự cạnh tranh mà các nhân viên đều nổ lực để chứng tỏ khả năng của mình, cung cấp nhiều ý tưởng sáng tạo và đem lại lợi ích cho công ty.

Một môi trường làm việc tích cực với sự thân thiện và thấu hiểu nhau giữa các nhân viên cũng như giữa nhân viên với nhà quản lý sẽ giúp công việc ngày càng thuận lợi hơn.

Hoàng Ngân

Sao chép thành công