Là người quản lý, khi thấy nhân viên của mình chán nản, thiếu tập trung và nhiệt huyết trong công việc thì bạn sẽ làm gì? Lớn tiếng phê bình, trừ lương hay quyết định cho nhân viên đó nghỉ việc? Đâu là giải pháp hiệu quả mà một nhà quản lý giỏi nên áp dụng?
Dưới đây, CareerLink.vn sẽ bật mí 7 bí quyết giúp bạn trở thành người có thể truyền cảm hứng, năng lượng tích cực và tạo sự tin tưởng từ phía nhân viên của mình.
1.Có định hướng rõ ràng
Thông qua lời nói, hành động, người quản lý tài giỏi phải có định hướng rõ ràng trong công việc, xem xét tính khả thi sao cho phù hợp với điều kiện thực tại của công ty, từ đó vạch ra chiến lược dài hạn, dự đoán những thách thức có thể đối mặt và tìm cách để nắm bắt thời cơ. Trên cơ sở đó, hãy cho nhân viên thấy được sứ mệnh, vai trò và trách nhiệm của họ trong một bức tranh lớn. Nếu nhân viên của bạn hiểu rõ cơ hội mà họ sẽ nhận được trong tương lai một cách cụ thể, tích cực, họ sẽ có thêm động lực để làm việc hăng say, hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu thay vì chỉ hoàn thành công việc được giao.
2.Khuyến khích sự sáng tạo
Hãy thử đặt mình vào địa vị của cấp dưới, liệu bạn có thể làm việc hiệu quả, thỏa sức cống hiến nếu làm việc trong một môi trường gò bó, triệt tiêu sức sáng tạo của nhân viên hay không? Để khuyến khích sức sáng tạo, bạn nên lắng nghe, tiếp nhận các ý tưởng mới, ý kiến đóng góp của nhân viên để từ đó cải thiện kết quả công việc.
Ngoài ra, bạn cũng nên trao cơ hội thể hiện cho nhân viên của mình, giao việc theo đúng năng lực để họ phát huy óc sáng tạo. Khi cấp dưới thấy được ý kiến đóng góp của mình được trân trọng, họ sẽ ngày càng nỗ lực để làm việc và cống hiến nhiều hơn, góp phần vào thành tích chung của tập thể.
3.Tạo cơ hội cho nhân viên được học hỏi và phát triển
Một trong những nhân tố quan trọng giúp các công ty giữ chân nhân tài đó là tạo cho họ cơ hội được học hỏi, phát triển và thăng tiến. Đã qua rồi thời kì người quản lý lúc nào cũng bo bo nghĩ cho riêng mình, chèn ép và triệt tiêu cơ hội thăng tiến của nhân viên. Những người quản lý hiện đại sẽ tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, dự án mới, gặp gỡ khách hàng, đối tác để phát triển kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm. Một khi họ thấy được sự khích lệ của cấp trên cùng với mục tiêu và cơ hội rõ ràng, họ sẽ phát huy hết khả năng, phấn đấu vì mục tiêu chung và chắc chắn không muốn rời khỏi công ty.
4.Bạn phải là lá cờ đầu trong mọi việc
Làm sếp không có nghĩa là bạn có quyền đi muộn về sớm, giao hết mọi việc cho nhân viên hay đổ lỗi cho cấp dưới khi mắc sai lầm. Hãy truyền cảm hứng cho nhân viên bằng cách luôn đi đầu trong mọi việc, dám nhận trách nhiệm và trở thành tấm gương cho cấp dưới noi theo về tác phong làm việc có kỷ luật.
Bên cạnh đó, đừng chỉ đứng một chỗ, “chỉ tay 5 ngón” mà hãy cùng bắt tay vào thực hiện chung với cấp dưới của mình. Khi nhân viên cảm thấy cấp trên luôn đồng hành, hỗ trợ và thấu hiểu những khó khăn vất vả trong quá trình làm việc thì họ sẽ nỗ lực làm tốt hơn công việc của mình.
5.Thưởng phạt phân minh
Với tư cách là người quản lý, bạn nên nhìn nhận mọi việc dưới con mắt công bằng và xử trí thấu tình đạt lý, nhất là trong vấn đề nhạy cảm, dễ nảy sinh mâu thuẫn như khen thưởng hay kỷ luật. Trong bất cứ tổ chức, cơ quan nào, việc quản lý “công tư phân minh”, thưởng phạt hợp lý sẽ khiến nhân viên cảm thấy nỗ lực của mình được đánh giá đúng mức và gắn bó hơn với công việc của mình.
Hãy thể hiện thái độ của bạn thông qua những cử chỉ, lời nói tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả như lời cảm ơn, khen thưởng trước tập thể,… Ngoài ra, việc gửi thiệp chúc mừng và tặng quà nhân viên trong những ngày đặc biệt là một “bí kíp” để cho nhân viên thấy cấp trên trân trọng và biết ơn những cống hiến của họ.
6.Chia sẻ thành công
Bạn biết không, hình ảnh và thành tựu mà người quản lý đạt được cũng ít nhiều tạo nên sức ảnh hưởng đến nhân viên của mình. Nếu bạn đạt được thành tích với sự góp sức của nhiều người như đàm phán thành công một dự án mới cho công ty, được thăng chức…, hãy chia sẻ thành công đó bằng cách mời cấp trên và nhân viên tham gia một bữa tiệc để chúc mừng và gửi lời cảm ơn. Đồng thời hãy cho nhân viên của mình thấy họ hoàn toàn có thể đạt được những thành tích còn lớn hơn thế nếu thực sự nỗ lực và cống hiến hết mình. Như vậy sẽ giúp cấp dưới của bạn có thêm nhiệt huyết và động lực để nỗ lực, phấn đấu hơn nữa.
7.Xây dựng niềm tin
Yếu tố quan trọng nhất để xây dựng một tập thể vững mạnh, tương tác hiệu quả và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đó là xây dựng được sự tin tưởng giữa mọi người với nhau. Niềm tin được tạo dựng trong quá trình làm việc, khi giao tiếp với cấp dưới, dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Để tạo sự gắn kết, với vai trò là người quản lý, bạn nên dành thời gian tiếp xúc, nói chuyện trực tiếp với nhân viên, nhất quán trong suy nghĩ, hành động và luôn giữ lời hứa. Khi sự tin tưởng được xây dựng và trở nên vững chắc thì người quản lý có thể tạo nên sự ảnh hưởng mạnh mẽ và truyền cảm hứng đến nhân viên của mình.
Trên đây là một vài bí quyết để bạn có thể trở thành một người quản lý khiến nhân viên cảm thấy được truyền cảm hứng làm việc, luôn tin tưởng và nể phục. Chúc bạn thành công.
Phương Thảo
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?