5 sai lầm trong cách quản lý nhân sự khiến người giỏi rời đi

Bạn cần nhận biết các sai lầm trong cách quản lý nhân sự khiến nhân viên nghỉ việc nhằm giữ cho nhóm của mình nguyên vẹn và ngày càng phát triển.

Khi hỏi bất cứ nhà quản lý nào của doanh nghiệp về điều gì khiến họ khó chịu nhất thì câu trả lời phổ biến là mất đi những nhân viên giỏi.

Nghệ thuật giới thiệu bản thân ngắn gọn để lại ấn tượng khó phai

Anh Hà Minh Trung, Giám đốc điều hành chia sẻ: “Khi bạn mất đi những nhân viên giỏi, họ không từ bỏ ngay lập tức. Thay vào đó, sự hứng thú của họ đối với công việc sẽ dần tan biến. Họ dường như đang làm việc tốt: làm việc nhiều giờ, vẫn hoàn thành công việc, đóng góp ý kiến cho nhóm và nói tất cả những điều đúng đắn trong các cuộc họp. Tuy nhiên, họ đang làm việc trong trạng thái im lặng và hậu quả có thể dự đoán được là sự thiếu gắn kết. Giống như những ngọn lửa đang tắt, họ dần mất đi nhiệt huyết với công việc của mình”.

Để ngăn chặn tình trạng mất nhân sự và giữ chân những nhân tài hàng đầu, các công ty và nhà quản lý cần phải hiểu rõ lý do tại sao họ nghỉ việc. Theo anh Minh Trung và nhiều lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm thì lý do có thể là những sai lầm trong cách quản lý nhân sự.

“Các nhà quản lý tuyến đầu luôn làm mọi cách để nhân viên luôn vui vẻ và tập trung vào công việc, nhưng có một số người vô tình mắc phải sai lầm trong cách quản lý nhân sự khiến nhân viên khó chịu và muốn nghỉ việc”.

Sai lầm trong cách quản lý nhân sự khiến nhân viên giỏi “dứt áo ra đi”

Thiếu sự hỗ trợ cần thiết

“Một trong những cái bẫy phổ biến nhất mà nhiều nhà quản lý có thể mắc phải là vô tình khiến nhân viên giỏi nhất làm việc quá sức”, chị Nguyễn Thị Ánh Hoa, Trưởng phòng Nhân sự chia sẻ.

Chị giải thích, “Khi có một nhân viên làm được việc, luôn chủ động và hoàn thành công việc với chất lượng cao, chúng ta sẽ có xu hướng muốn giao nhiều việc cho họ hơn những nhân viên khác. Mặc dù điều này có thể khiến nhân viên cảm thấy được coi trọng trong một thời gian nhưng nếu khối lượng công việc càng ngày càng nhiều mà không có sự hỗ trợ thích hợp hoặc những thành viên có năng lực kém hơn vẫn thong dong tự tại, thiếu trách nhiệm trong công việc thì sẽ dẫn đến sự bất bình. Có một ranh giới mong manh giữa việc khen thưởng năng lực và xem đó là điều hiển nhiên. Những thành viên có thành tích cao nhất có thể nhanh chóng kiệt sức và nghỉ việc khi họ cảm thấy quá tải”.

Thiếu sự trân trọng

Các nhân viên thường dành 8-10 tiếng mỗi ngày ở nơi làm việc để dốc sức cho thành công chung của đội nhóm và nếu họ cảm thấy bản thân không được trân trọng, điều đó sẽ dần dần làm cạn kiệt năng lượng và mong muốn cống hiến hết mình của họ. Chị Hồ Thúy Diễm, Giám sát bán hàng phân tích: “Việc thiếu sự trân trọng có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trong cách quản lý nhân sự. Một ví dụ điển hình là thiếu sự công nhận những thành tựu mà nhân viên đạt được. Thử nghĩ xem, nếu chúng ta làm việc chăm chỉ, làm tốt công việc và dường như không ai để ý, điều đó sẽ giết chết mong muốn tiếp tục làm nhiều hơn của chúng ta, vì thế việc rời đi chỉ là sớm hay muộn mà thôi”.

Mọi người đều thích lời khen ngợi. Việc khen thưởng những thành tích cá nhân cho thấy bạn đang chú ý. Bạn cần giao tiếp với nhân viên của mình để tìm hiểu điều gì khiến họ cảm thấy vui (với một số người, đó là tăng lương; với những người khác, đó là sự công nhận của toàn thể doanh nghiệp) và sau đó thưởng cho họ vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với những người có thành tích cao nhất, sự trân trọng và khen thưởng sẽ là động lực rất lớn thúc đẩy họ ngày càng gắn kết với công ty và đạt được những kết quả ấn tượng hơn.

Thiếu sự vui vẻ

Nhiều năm trước, ý tưởng cho rằng nơi làm việc cần phải vui vẻ sẽ khiến nhiều nhà quản lý ngạc nhiên. Công việc là công việc và mọi người chỉ nên cười đùa vui vẻ bên ngoài nơi làm việc. Nhưng thực tế, nhân viên sẽ không làm hết sức mình nếu họ không cảm thấy vui và sự vui vẻ là cách tuyệt vời để tiếp thêm sinh lực cho mọi người, mang đến cho họ điều gì đó để mong đợi, thậm chí là giảm bớt căng thẳng và buồn chán.

Anh Hà Minh Trung dẫn chứng “Những công ty tốt nhất để làm việc đều biết tầm quan trọng của việc để nhân viên thoải mái làm việc. Ví dụ, Google làm mọi thứ có thể để khiến công việc trở nên vui vẻ hơn từ cung cấp bữa ăn miễn phí, khuyến khích nhân viên chơi bóng bàn trong giờ giải lao hoặc mở ra các lớp tập luyện thể thao. Ý tưởng của họ rất đơn giản là: nếu môi trường vui vẻ, nhân viên sẽ không chỉ làm việc tốt hơn mà còn gắn bó lâu hơn và đóng góp nhiều hơn”.

Đặt ra những quy tắc không cần thiết

Các công ty cần có quy tắc, đó là điều hiển nhiên nhưng không cần phải quá chú tâm vào những điều nhỏ nhặt. Chỉ một vài quy tắc không cần thiết cũng có thể khiến mọi người cảm thấy không thoải mái.

Chị Hà Thị Minh Hương, Marketing Manager nêu suy nghĩ: “Đối mặt với một nền văn hóa ngập tràn quy tắc, những người tài năng và chăm chỉ nhất thường sẽ ra đi đầu tiên vì họ được săn đón và có nhiều cơ hội hơn hầu hết những người khác. Những người còn lại sẵn sàng thỏa hiệp và chủ yếu làm việc vì tiền lương. Và nếu bạn có những nhân viên không dốc lòng làm việc để tiến xa hơn thì doanh nghiệp sẽ khó lòng phát triển về lâu dài”.

Thiếu sự tự chủ

Để cảm thấy thỏa mãn trong công việc, nhân viên cần cảm thấy có tiếng nói trong vai trò của mình. Quyền tự chủ sẽ làm tăng sự hài lòng, thúc đẩy sự gắn kết và mang lại cho nhân viên cảm giác làm chủ công việc của họ, từ đó có thể mang lại kết quả tốt hơn. Quan trọng nhất, nó cho thấy bạn tin tưởng họ sẽ hoàn thành công việc.

“Tuy nhiên, nếu nhân viên cảm thấy bị quản lý quá mức hoặc được hướng dẫn quá nhiều về cách hoàn thành mọi nhiệm vụ, họ sẽ cảm thấy bị mất quyền chủ động. Điều này không chỉ ngăn cản họ đóng góp nhiều hơn mà còn buộc họ làm việc theo “cách chúng ta vẫn hay làm” gây cản trở quá trình cải tiến và đổi mới cần thiết cho doanh nghiệp”, anh Hồ Viết Đức, Giám đốc kinh doanh vùng khẳng định.

Tin tốt là tất cả những lỗi trong cách quản lý nhân sự này đều dễ sửa. Nhiều nhà quản lý đã có những màn xoay chuyển tình huống tuyệt vời nhờ vào việc tập trung vào những điều quan trọng này. Bằng cách cung cấp sự hỗ trợ và vui vẻ, thể hiện sự tôn trọng, trao cho nhân viên quyền tự chủ và xóa bỏ bớt các quy tắc không cần thiết, bạn sẽ tạo ra một môi trường làm việc tích cực khiến mọi người mong muốn tham gia và trên hết là giữ chân những nhân tài hàng đầu.

Ngọc Quyên

Sao chép thành công