Với vai trò là nhà quản lý, tất cả chúng ta đều hướng đến việc truyền cảm hứng đến nhân viên của mình để họ đạt năng suất cao nhất mỗi ngày nhưng thực tế là “điều gì tạo nên cảm hứng” có thể còn là điều khá mơ hồ, đó là lý do tại sao rất nhiều người đứng đầu đã không nhận được kết quả như mong muốn. Vậy, truyền cảm hứng có ý nghĩa gì và làm thế nào để chúng ta có thể truyền cảm hứng cho những người khác?
Bài viết sau đây sẽ chia nhỏ ý nghĩa của việc trở thành một nhà quản lý truyền cảm hứng thành 8 đặc điểm chính để bạn có thể hiểu được cách hành động đối với nhân viên của mình.
Họ thể hiện sự tích cực không ngừng
Các nhà quản lý giỏi truyền cảm hứng có thể tìm thấy mặt sáng của bất kỳ vấn đề khó khăn nào. Họ biết rằng cam chịu và u sầu sẽ không giúp họ hoàn thành bất cứ điều gì, vì vậy họ luôn giữ sự tích cực khi đối mặt với thách thức và thất bại. Tất nhiên, khi có vấn đề xảy ra thì việc xử lý là điều đương nhiên, nhưng nếu bạn muốn trở thành một người quản lý truyền cảm hứng, hãy cho người khác thấy được sự tích cực và niềm tin “ngày mai trời lại sáng” ở bạn.
Họ luôn thể hiện sự biết ơn
Không có gì khiến nhân viên cảm thấy bất mãn hơn là nhìn thấy những nỗ lực của họ không được công nhận. Các nhà quản lý không thể hiện sự đánh giá cao đối với nhân viên đang đặt doanh nghiệp của họ vào tình thế khó khăn bởi tỉ lệ nghỉ việc cao hơn, năng suất làm việc thấp hơn và không khí công sở luôn căng thẳng. Trái lại, một nhà quản lý biết truyền cảm hứng luôn thể hiện sự biết ơn của họ dành cho nhân viên thông qua những cử chỉ nhỏ nhất như gửi thiệp sinh nhật hoặc nói “Cảm ơn bạn, dự án này sẽ không hoàn thành tốt nếu không có bạn”.
Họ có tầm nhìn rõ ràng cho tương lai
Thông qua lời nói, hành động và niềm tin, các nhà quản lý giỏi truyền cảm hứng cho thấy họ mong muốn điều gì sẽ đạt được trong tương lai và có thể hướng dẫn nhân viên cấp dưới biết chính xác làm thế nào để có được kết quả đó. Ngay cả khi có rắc rối xảy ra, họ vẫn giữ cho đội nhóm tập trung vào các mục tiêu và chiến lược đã định.
Họ chăm chú lắng nghe
Các nhà quản lý truyền cảm hứng thực sự lắng nghe những gì được nói với họ và trả lời một cách thích hợp, thay vì chỉ xem đó là những lời gió thoảng mây bay. Có đến 85% những gì chúng ta học được bằng cách lắng nghe. Hơn nữa, khi những nhân viên cảm thấy được lắng nghe, họ sẽ cảm thấy có giá trị hơn và có nhiều khả năng cống hiến nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp. Do đó, để trở thành một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng, việc lắng nghe để tiếp tục học hỏi là điều tối quan trọng.
Họ đáng tin cậy
Các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng cho những người khác bằng cách nói sự thật, thực hiện đúng với những gì họ hứa và sống trung thực, nghiêm túc. Khi nhân viên tự hào về khả năng lãnh đạo và tổ chức của họ, họ sẽ nỗ lực để làm theo.
Họ nhận trách nhiệm và chia sẻ công trạng
Những thành tích đạt được hiếm khi chỉ thuộc về cá nhân và nhà quản lý truyền cảm hứng luôn biết điều này. Họ hiểu rằng những gì đạt được là nhờ vào nỗ lực của đội nhóm và những cá nhân mà họ quản lý cũng như khả năng lãnh đạo của chính họ. Tương tự, khi thất bại xảy ra, hiếm khi chỉ do cá nhân hoặc đội nhóm đó. Các nhà quản lý truyền cảm hứng thực sự sẽ xem xét trách nhiệm của chính họ và sẽ không sợ phải gánh trách nhiệm. Lãnh đạo có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng các nhà quản lý truyền cảm hứng cũng sẵn sàng chấp nhận những rủi ro và gánh nặng mà vị trí của họ đòi hỏi.
Họ giúp nhân viên cải thiện
Một môi trường an toàn, nơi nhân viên cảm thấy được chấp nhận và tôn trọng là điều mà các nhà quản lý giỏi truyền cảm hứng luôn hướng đến. Bên cạnh đó, họ cũng cung cấp cho nhân viên các chương trình huấn luyện, đào tạo và hỗ trợ cần thiết để nhân viên của họ tự đưa ra quyết định, đạt được các mục tiêu, học hỏi cải thiện và trở thành nhà quản lý truyền cảm hứng trong tương lai.
Suy nghĩ sáng tạo
Đôi khi, điều khiến một nhà quản lý có thể truyền cảm hứng cho những người khác trong một tổ chức là khả năng suy nghĩ sáng tạo, không theo bất cứ chuẩn mực thông thường nào. Họ cảm thấy cần thiết phải thay đổi cách thức mọi thứ được thực hiện trong lĩnh vực của mình và chấp nhận rủi ro để thực hiện những thay đổi đó. Sự táo bạo và tận tâm đó là tấm gương khuyến khích đội ngũ nhân viên của họ sáng tạo và cải thiện không ngừng.
Ngân Linh
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.205 cái bẫy cần tránh khi phỏng vấn tuyển dụng ứng viên
- Bí quyết tuyển dụng2025.01.13Offer letter nên tránh lỗi nào để tăng cơ hội ứng viên đồng ý?
- Nghệ thuật quản lý2025.01.066 dấu hiệu bạn đang lãnh đạo nhóm hiệu quả
- Bí quyết tuyển dụng2024.12.305 câu hỏi giúp đánh giá khả năng ứng viên qua CV