Phỏng vấn là con đường hai chiều và điều tối quan trọng là ở vai trò tuyển dụng, bạn phải có phong độ cao nhất giống như ứng viên của mình. Lí do là vì bạn không thể tuyển được một “ngôi sao” nếu không biết cách phỏng vấn ứng viên hiệu quả, cụ thể là kỹ năng phỏng vấn của bạn khiến họ cảm thấy hoài nghi, bối rối và thậm chí khó chịu.
Dưới đây là một số hành động mà người phỏng vấn chuyên nghiệp luôn tránh mắc phải và cách khắc phục để đảm bảo rằng bạn đang thu hút ứng viên tốt nhất cho doanh nghiệp của mình.
Có xu hướng thiên kiến
Thiên kiến là xu hướng tin rằng một số người, ý tưởng hoặc sự vật nào đó tốt hơn so với phần còn lại. Trong lĩnh vực nghiên cứu, thiên kiến của nhà khoa học có thể ảnh hưởng đến kết quả của thí nghiệm. Tương tự, thiên kiến cũng có thể tác động đến hiệu quả tuyển dụng.
Chẳng hạn, người phỏng vấn tin rằng ứng viên được đồng nghiệp giới thiệu sẽ có tiềm năng và phù hợp hơn là một người xa lạ. Thiên kiến của người phỏng vấn cũng có thể khó nhận thấy hơn, như họ vô tình ưu ái một ứng viên có tên giống với người bạn thân của họ.
Cách tốt nhất để vượt qua thiên kiến khi phỏng vấn là để nhiều người có đủ tiêu chuẩn gặp gỡ và đặt câu hỏi cho từng ứng viên ứng tuyển vào cùng một vị trí. Ví dụ, người phỏng vấn ở vòng đầu tiên có thể là nhân viên nhân sự, trong khi ở vòng thứ hai có thể là trưởng nhóm hay trưởng phòng.
Ngoài ra, một hội đồng phỏng vấn bao gồm giám đốc điều hành, người quản lý và thành viên trong nhóm có thể trò chuyện với từng ứng viên tiềm năng và so sánh các câu trả lời.
Những nhà tuyển dụng giỏi luôn nỗ lực tránh sai lầm để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình phỏng vấn.
So sánh ứng viên dựa trên tiêu chí khác nhau
Một điểm khác biệt giữa người phỏng vấn chuyên nghiệp và không chuyên là đánh giá một cách nhất quán. Người phỏng vấn thông minh sẽ suy nghĩ thấu đáo và thực hiện các cuộc phỏng vấn cho một vị trí theo cùng một phương pháp, đôi khi có thể biến tấu một chút để phù hợp với tình huống.
Trái lại, người phỏng vấn thiếu chuyên nghiệp sẽ tạo ra sự khác biệt cho mỗi cuộc phỏng vấn và bắt đầu mà không có sự chuẩn bị. Điều này đồng nghĩa với việc họ không có bất kỳ tiêu chí đánh giá nào trong khi đây là điều cần nhất để so sánh giữa các ứng viên tiềm năng.
Giải pháp cho điều này là hãy hỏi những câu hỏi giống nhau cho cùng một vị trí. Các câu hỏi này cần dựa trên yêu cầu cần thiết cho công việc.
Nhìn chung, một danh sách câu hỏi phỏng vấn tiêu chuẩn có thể được nhóm thành ba loại lớn: năng lực (để xem xét trình độ học vấn, quá trình làm việc), năng khiếu (để khám phá khả năng đặc biệt và sẵn sàng học hỏi) và kỹ năng cá nhân (để đánh giá khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc với tư cách là trưởng nhóm).
Ngoài ra, các câu hỏi phỏng vấn liên quan đến chuyên môn, khả năng phán đoán và nguyện vọng nghề nghiệp cũng có thể hữu ích.
Bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng lan tỏa
Nói đến cách phỏng vấn ứng viên hiệu quả, bạn nên tránh hiệu ứng lan tỏa. Hiệu ứng lan tỏa là thuật ngữ được sử dụng để mô tả tình huống trong đó người phỏng vấn quá ấn tượng với một khía cạnh cụ thể của ứng viên đến mức tô hồng hoặc bôi đen tất cả các mặt còn lại.
Điều này có thể khiến người phỏng vấn đánh giá quá cao hoặc quá thấp trình độ của ứng viên tiềm năng. Người phỏng vấn cũng chỉ là con người và không phải ai cũng có thể tránh được việc chú ý đến một mặt nổi trội nào đó. Tuy nhiên, hãy nhận biết hiệu ứng lan tỏa của bạn và cố gắng hết sức để kiểm soát chúng.
Để khắc phục, bạn cần tạo danh sách các kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết cho công việc và đánh giá ứng viên theo thang điểm từ 1 đến 5. Hành động này giúp bạn có bằng chứng rõ ràng về khả năng của ứng viên và có cơ sở thực tế để so sánh.
Quên chi tiết
Không ai có trí nhớ hoàn hảo và điều này có thể dẫn đến những sai lầm khi phỏng vấn. Sau khi phỏng vấn hàng chục ứng viên tiềm năng, nhà tuyển dụng có thể gặp khó khăn trong việc ghi nhớ chi tiết hoặc có thể nhầm lẫn câu trả lời của ứng viên với người khác.
Hãy ghi chú cẩn thận trong mỗi cuộc trò chuyện để dễ dàng so sánh các ứng viên tiềm năng và tìm ra các kẻ hở trong thông tin. Ghi chú tỉ mỉ cũng giúp ngăn chặn hiệu ứng lan tỏa. Một ứng viên thể hiện tốt khi phỏng vấn không phải lúc nào cũng sẽ trở thành nhân viên giỏi. Trái lại, một ứng viên dè dặt, khiêm tốn có thể phù hợp với nơi làm việc của bạn.
Chỉ trích câu trả lời của ứng viên
Là nhà tuyển dụng, không phải lúc nào bạn cũng đồng ý với câu trả lời mà ứng viên đưa ra. Thế nhưng, việc của bạn không phải là chỉnh sửa câu trả lời hoặc thể hiện rõ rằng bạn không đồng ý.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể đã hiểu sai, hãy đặt thêm câu hỏi để hiểu rõ tình huống. Nếu ứng viên gặp khó khăn khi trả lời, hãy đưa ra gợi ý để họ tập trung vào điều được hỏi.
Chú ý vào tương lai hơn là quá khứ
Thật khó để đưa ra đánh giá chính xác về ứng viên nếu chỉ dựa vào những gì họ có thể làm trong tương lai. Thay vì hỏi liệu ứng viên có sẵn sàng làm thêm giờ để hoàn thành nhiệm vụ trong tương lai hay không, hãy yêu cầu họ nói về những lần mà họ đã thực hiện các nhiệm vụ ngoài mô tả công việc để mang lại hiệu quả tốt hơn.
Tập trung vào cả quá khứ và tiềm năng tương lai là cách phỏng vấn ứng viên hiệu quả, sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện về ứng viên, từ đó có thể đưa ra quyết định tuyển dụng sáng suốt.
Pha Lê
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?