8 cách khơi dậy tiềm năng của nhân viên trong năm mới

Thành công trong việc nuôi dưỡng văn hóa hỗ trợ và khơi dậy tiềm năng tối đa của nhân viên sẽ giúp bạn có một đội ngũ xuất sắc. 

Bạn đã tuyển chọn nhân sự kỹ càng và có một nhóm nhân viên tuyệt vời. Tuy nhiên, có những ngày bạn nghĩ rằng họ không phát huy hết khả năng của bản thân. Không phải vì nhân viên lười biếng mà là họ có cảm giác không thể tập trung hoàn toàn vào công việc.

Rất may là có rất nhiều cách để bạn thay đổi điều đó. Và đây là 8 cách tốt nhất để phát huy hết tiềm năng của nhân viên mà bạn có thể áp dụng trong năm 2022. 

Kéo họ ra khỏi vùng an toàn

Có lẽ một trong những cách hiệu quả nhất để phát huy tối đa thế mạnh của nhân viên là kéo họ ra khỏi vùng an toàn. Điều này không có nghĩa là khiến họ thất bại bằng cách yêu cầu họ thực hiện một nhiệm vụ mà họ không thể hoàn thành.

Thay vào đó, hãy thử thách họ làm việc ở một lĩnh vực nào đó mà họ là chuyên gia nhưng vẫn cần thêm một số kỹ năng để làm tốt nhiệm vụ. Điều này không chỉ giúp họ khơi dậy tiềm năng mà còn vượt qua nỗi sợ hãi. Ví dụ, nếu ai đó sợ nói trước đám đông, hãy đề xuất họ tham gia một khóa học và sau đó để họ dẫn dắt một cuộc họp trong tương lai.

Cho nhân viên biết họ phù hợp với bức tranh lớn như thế nào

Nhân viên của bạn có biết họ quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp không? Nếu không, hãy dành thời gian cho họ biết. Nhóm của bạn có thể không nhìn thấy bức tranh toàn cảnh nếu bạn không cho họ xem. Tuy nhiên, nếu bạn chia sẻ điều này như một đặc quyền bổ sung, họ sẽ thúc đẩy bản thân để cống hiến 110% khả năng.

Thúc đẩy sự hợp tác và tinh thần đồng đội

“Bạn sẽ không thể khơi dậy tiềm năng của nhân viên nếu họ bị cô lập trong môi trường làm việc và không có ai để nói chuyện cùng, ngay cả khi công việc của họ cần kỹ năng làm việc độc lập.”

Đầu tư thời gian và thậm chí có thể cả tiền bạc vào việc xây dựng nhóm sẽ được đền đáp xứng đáng. Tổ chức các sự kiện thể thao hoặc các chuyến du lịch cùng nhau sẽ khiến nhân viên cảm thấy được chào đón, hỗ trợ cũng như biết rằng họ là một phần của nhóm, chứ không phải chỉ là một bánh răng trong cỗ máy.

Luôn nghĩ về “chúng ta”

Các nhà quản lý giỏi nhất luôn nghĩ đến tập thể. Họ không nói “Tôi đang gặp khó khăn” mà là “Chúng ta đang gặp khó khăn”. Không phải là “Tôi có thể làm gì?” mà là “Điều chúng ta cần làm là gì?”. Không phải là “Thành công của tôi” mà là “Thành công của chúng ta”.

Điều này tạo ra cảm giác chia sẻ quyền sở hữu đối với mọi thứ đang diễn ra. Tất nhiên, không phải mọi quyết định đều được đưa ra bởi sự đồng thuận nhưng điều này có nghĩa là mọi người sẽ làm việc tốt hơn khi họ được tham gia vào các khía cạnh của doanh nghiệp có ảnh hưởng đến họ.

Thường xuyên đưa ra phản hồi

“Tôi đang làm việc như thế nào?” là câu hỏi mà mọi nhân viên đều có trong đầu. Họ khao khát phản hồi của bạn và điều đó giúp họ biết mình nên cải thiện điều gì cũng như cần phát huy thế mạnh nào. Bất cứ khi nào nhân viên gửi một bản báo cáo hay thực hiện nhiệm vụ, hãy cung cấp cho họ phản hồi. Bạn không cần phải trình bày chi tiết bằng văn bản, một lời khen “Làm tốt lắm!” là đủ trong nhiều trường hợp.

Nếu bạn nhận thấy nhân viên chưa phát huy hết tiềm năng với nhiệm vụ, hãy yêu cầu họ cải thiện như “Bạn có thể sửa đổi một số điểm không? Mọi thứ đều tốt nhưng tôi tin bạn có khả năng làm tốt hơn nữa”. Tất nhiên, bạn cũng cần đưa ra hướng dẫn chính xác về những gì mong muốn. Khi nhân viên làm tốt việc cải thiện, họ xứng đáng nhận được lời khích lệ “Làm tốt lắm!” mà họ đang chờ đợi.

Tuyên dương nỗ lực

Khen ngợi không chỉ nên giới hạn ở kết quả đạt được mà còn là ở sự nỗ lực. Điều này sẽ giúp nâng cao tinh thần, xây dựng sự tự tin và thúc đẩy nhân viên cố gắng và tiến xa hơn nữa trong tương lai.

Việc khen ngợi không bó gọn trong các cuộc gặp riêng với nhân viên mà nên được thực hiện trong các cuộc họp nhóm và các tình huống khác mà lời khen có thể được chia sẻ với nhiều người hơn. Bất cứ nhân viên nào cũng đánh giá cao cơ hội được tỏa sáng trước đồng nghiệp.

Đầu tư vào việc đào tạo và hỗ trợ

Nếu bạn nghĩ rằng việc tuyển dụng một người thành thạo công việc thì không cần phải đào tạo thêm, hãy suy nghĩ lại. Một chuyên gia ngày nay sẽ trở thành người mới vào nghề khi công nghệ mới xuất hiện, do đó việc học phải được thực hiện liên tục.

Bước đầu tiên để khơi dậy tiềm năng là biết nhân viên cần cải thiện điều gì, sau đó là lựa chọn hoạt động phù hợp như mời các chuyên gia đào tạo, tham gia các khóa học trực tuyến, hội thảo hoặc hội nghị…

Cởi mở và lắng nghe

Nhân viên không phải là người ngang hàng với bạn về quyền hạn hoặc trách nhiệm nhưng điều đó không có nghĩa là bạn chỉ nên ra lệnh và “lập trình” để họ lắng nghe bạn mà không đưa ra bất kỳ câu hỏi nào.

Cho nhân viên cơ hội để hỏi, đề xuất, phàn nàn và nói lên suy nghĩ sẽ khiến họ trở nên sáng tạo, phản biện và đóng góp nhiều hơn. Có thể một trong những ý tưởng của họ là tất cả những gì bạn cần để “chốt sale” hoặc cải thiện chất lượng sản phẩm.

Hầu hết các nguồn lực của doanh nghiệp đều mất giá trị theo thời gian. Công nghệ và phần mềm không còn có giá trị như lúc mới mua nhưng nhân viên thì khác. Họ có tiềm năng tạo ra giá trị lớn hơn cho công ty khi họ làm việc lâu hơn. Và một trong những vai trò quan trọng nhất của các nhà quản lý là tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên phát huy hết tiềm năng. Thực hiện 8 ý tưởng khơi dậy tiềm năng trên đây sẽ giúp bạn nhìn thấy bầu không khí đó trong đội nhóm vào năm mới này.

Trâm Nguyễn

Sao chép thành công