Bên cạnh kinh nghiệm sống và kỹ năng chuyên môn, chỉ số tò mò (CQ) là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công của một nhà quản lý. Thậm chí, tác giả Thomas L. Friedman đã từng đề xuất một mô hình để nhấn mạnh mức độ cần thiết của tính tò mò bằng công thức “CQ+PQ > IQ” với ý nghĩa sự kết hợp giữa tính khát khao học hỏi và niềm đam mê sẽ cho kết quả lớn hơn trí thông minh thuần túy.
Vì sao CQ có sức mạnh như thế? Hãy cùng tham khảo những điểm ảnh hưởng tích cực của tính tò mò đến hiệu quả quản lý để tìm ra câu trả lời nhé!
(PQ: chỉ số đam mê; IQ: chỉ số thông minh)
Đẩy mạnh năng suất tập thể nhờ “ham” kiến thức
Thông thường, chúng ta có 3 dạng người: thứ nhất là hài lòng với những gì có sẵn; thứ hai là thờ ơ với diễn biến xung quanh; và thứ ba là người luôn tò mò về mọi thứ trong cuộc sống. Sẽ ra sao nếu một nhà quản lý chỉ biết “chấp nhận”, hoặc tệ hại hơn là “bơ” với những kiến thức mới?
Điều này sẽ khiến cho “tầm nhìn” của họ bị thu hẹp nên dễ dẫn đến việc khó tiếp thu những cách tân hiệu quả. Thêm nữa một người quản lý cố chấp với các ý kiến thiển cận thì sẽ khiến cho năng suất của tập thể bị dậm chân tại chỗ, thậm chí tụt hậu so với tình hình phát triển chung. Do vậy, người quản lý giỏi sẽ cần tính tò mò cao nhằm giúp tăng năng suất tập thể thông qua việc chắt lọc điều mới mẻ.
Rèn luyện tư duy phản biện
Một nhà quản lý giỏi cần có tư duy phản biện nhạy bén. Bởi nếu ý kiến đề xuất nào của nhân viên cũng dễ dàng thông qua thì văn hóa lẫn chất lượng việc sẽ bị rối tung. Thêm nữa, nhà quản lý cũng cần phải hồi đáp thông minh các câu hỏi từ phía nhân viên hoặc cấp trên về chuyên môn công việc.
Nhưng không phải ai cũng có tư duy đối đáp thiên bẩm mà phải trải qua quá trình rèn luyện thường xuyên. Từ đó, việc phản biện sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn so với kiểu “cãi bướng” tiêu cực thông thường. Và yêu cầu đầu tiên để nâng cao tính phản biện chính là bản tính tò mò với các câu hỏi Cái gì? Tại sao? Như thế nào?
Truyền “lửa” sáng tạo cho nhân viên
Sáng tạo thường không thể chỉ trông chờ vào riêng cá nhân nào mà nên được xem như là hành động tập thể. Cách đơn giản nhất để thổi bùng “ngọn lửa” cải tiến chung là người “thuyền trưởng” phải luôn trong tình trạng “đổi mới hay là chết”.
Nhưng để khơi nguồn và giữ vững tinh thần sáng tạo thì người quản lý cần nâng cao bản tính hiếu kỳ. Từ đấy, họ sẽ luôn muốn tìm hiểu mọi thứ, thường xuyên đưa ra các ý tưởng, chủ động bàn bạc với nhân viên về cách cải tiến của sản phẩm/dịch vụ. Nhờ vậy, “lửa” sáng tạo sẽ truyền và “cháy” mãi trong mỗi nhân viên.
Mở rộng và thắt chặt mối quan hệ
Việc đọc sách hoặc tỉ mỉ quan sát không thể thỏa mãn hết tất cả các vấn đề mà cần phải trao đổi trực tiếp “người với người”. Do vậy trái ngược với bản tính ù lì hoặc tự mãn, người luôn tò mò sẽ sẵn sàng mở rộng mối quan hệ với người xung quanh nhằm thu nạp các luồng ý kiến mới.
Thông qua điều này, người quản lý sẽ bỏ bớt dần “cái tôi” để hòa đồng với tập thể. Chắc chắn, bất kì ai cũng có thiện cảm và cái nhìn tốt về một người sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu các vấn đề của cấp dưới, cũng như chủ động học hỏi từ góp ý chân thành của cấp trên.
Vững lòng hơn trước các thất bại
“Thất bại là mẹ thành công” nhưng có rất nhiều người mãi mãi không thể đứng dậy được sau vấp ngã. Đơn giản là bởi vì họ thiếu sự dũng cảm, kiên trì và tính tò mò. Chính bởi cái tính cầu thị đã khiến cho một nhà quản lý luôn trong tình trạng thắc mắc “Tại sao thế này?”. Từ đây, khi đã đi qua các khó khăn và tự rút ra nhiều kinh nghiệm thì nhà quản lý sẽ vững lòng hơn khi đối diện với các thử thách mới. Và nếu họ có thất bại thì họ cũng sẽ bị tính tò mò “dẫn đường” đến sự thay đổi để buộc phải đến cái đích của thành công.
Thiên tài Albert Einstein từng nói rằng: “Tôi không phải là một thiên tài. Tôi chỉ là một người rất tò mò mà thôi”. Tuy khó có thể trở thành một vĩ nhân như ông nhưng người có tính tò mò sẽ không ngại sự mới lạ, luôn đưa ra các phát kiến hữu ích để từ đó học cách vượt qua giới hạn và phát triển không ngừng.
Trung Thành
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?