Bạn khao khát trở thành nhà quản lý giỏi hơn bằng cách sở hữu một đội ngũ nhân viên gắn bó và đạt năng suất cao? Có một số yếu tố cốt lõi mà nhà quản lý cần có để đạt được những kết quả mong muốn và lắng nghe là một trong những nền tảng cho sự quản lý hiệu quả đó. Dưới đây là 7 lợi ích khác nhau đến từ việc lắng nghe tích cực và làm thế nào những điều đó có thể giúp bạn trở thành một nhà quản lý tốt hơn, hãy cùng tham khảo nhé.
Thể hiện sự quan tâm
Lắng nghe chăm chú là một trong những cách cho thấy bạn quan tâm đến nhân viên cấp dưới. Khi được bạn quan tâm, họ có xu hướng làm việc chăm chỉ hơn và đặt mục tiêu vượt quá mong đợi của bạn. Bởi bất cứ nhân viên nào cũng muốn được dẫn dắt bởi những người quan tâm đến việc họ là ai, công nhận khả năng của họ và luôn hỗ trợ khi họ gặp khó khăn cả về công việc lẫn cuộc sống riêng.
Hiểu rõ hơn về thực tế của đội nhóm
Khi cởi mở để lắng nghe những gì đang diễn ra xung quanh, bạn có thể phát hiện ra những dấu hiệu nhỏ nhất về tình hình thực tế của đội ngũ đang quản lý. Bạn có thể biết được liệu nhân viên có đang cảm thấy hoài nghi, thất vọng hoặc họ đang nhiệt tình và nỗ lực để vươn lên. Tất cả các thông tin đó đều xuất hiện xung quanh bạn mỗi ngày. Và quan sát, lắng nghe sẽ giúp bạn có được bức tranh chân thực về nét văn hóa mà bạn đang tạo ra.
Học những điều mới
Trở thành một nhà quản lý tốt hơn có nghĩa là bạn cần học hỏi liên tục và lắng nghe là một trong những cách dễ nhất để học. Khi bạn chọn nghe tất cả những gì đang diễn ra xung quanh, khả năng học tập là vô tận. Việc học hỏi này khác rất nhiều so với những gì chúng ta trải qua thời còn đi học. Đó là những mẩu thông tin nhỏ xuất phát từ việc kết nối với người khác và lắng nghe những gì họ nói ra. Là một nhà quản lý, bạn sẽ là người tổng hợp những mảnh ghép đó và đúc kết kinh nghiệm không chỉ cho bản thân mà còn có thể truyền đạt lại cho nhân viên.
Đưa ra quyết định chính xác
Các nhà quản lý chắc chắn sẽ gặp phải những tình huống căng thẳng bởi vì đó là một phần của công việc và lắng nghe tích cực có thể giúp bạn có cách nhìn đa chiều về vấn đề và đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Thay vì chỉ phán đoán nếu có điều không mong muốn xảy ra, lắng nghe nhân viên cấp dưới thường sẽ tiết lộ những thông tin mà bạn không ngờ đến, đồng thời cho bạn chút thời gian để củng cố lại suy nghĩ cũng như cảm xúc về tình huống, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Dự đoán những gì sắp xảy ra
Nói về tương lai – tất cả các nhà quản lý giỏi luôn có tầm nhìn xa trông rộng. Lắng nghe những gì đang xảy ra có thể cung cấp manh mối tuyệt vời cho những gì có thể xảy ra trong tương lai. Nếu thành viên trong nhóm của bạn bày tỏ sự lo lắng về các mốc thời gian, nguồn lực sẵn có hoặc các trở ngại khác, bạn nên lưu ý những cảnh báo đó và xử lý lập tức để tránh các vấn đề tiềm ẩn.
Lắng nghe mỗi ngày có thể là một trong những yếu tố quan trọng cho một chiến lược chủ động.
Xây dựng niềm tin và lòng trung thành
Lắng nghe là kỹ năng quan trọng không chỉ bởi vì giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn mà còn vì nó sẽ bảo đảm việc có được sự tôn trọng từ nhân viên cấp dưới. Mặc dù nhà quản lý và nhân viên có ranh giới rõ ràng nhưng tạo cảm giác tất cả mọi người (bao gồm cả bạn) đều là một phần của đội nhóm là điều quan trọng.
Các nhà quản lý phớt lờ nhân viên của họ có nhiều nguy cơ sẽ không thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp cũng như không tạo được sự tin tưởng với cấp dưới, trong khi những người biết lắng nghe một cách nghiêm túc có nhiều khả năng có được những nhân viên trung thành nhất.
Tạo ra văn hóa gắn kết
Nếu bạn là một tấm gương sáng về kỹ năng lắng nghe thì có nhiều khả năng bạn sẽ truyền cảm hứng được cho nhân viên và họ sẽ làm theo. Đây là điều rất quan trọng bởi nếu mọi người không lắng nghe lẫn nhau thì khả năng xây dựng một môi trường làm việc gắn kết gần như là không thể.
Lắng nghe tích cực là một kỹ năng mà mọi người đều biết là quan trọng, nhưng ít ai có thể thực hiện một cách hiệu quả. Nó cần sự luyện tập, kiên nhẫn thậm chí là hỗ trợ từ những người khác để giúp bạn có thể tinh chỉnh theo thời gian. Do đó, hãy nhờ nhân viên và những người xung quanh cung cấp phản hồi về mức độ lắng nghe của bạn và những gì cần làm để cải thiện. Hãy chú ý đến những gì họ nói – đó có thể là buổi thực hành đầu tiên của bạn về cách lắng nghe tích cực giúp bạn trở thành một nhà quản lý hiệu quả hơn trong tương lai.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.073 kỹ năng giao tiếp giúp phỏng vấn ứng viên hiệu quả hơn
- Nghệ thuật quản lý2024.09.30Làm gì khi nhân viên phản đối sự đổi mới?
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.234 câu hỏi giúp đánh giá tinh thần trách nhiệm của ứng viên
- Nghệ thuật quản lý2024.09.16Để các cuộc họp doanh nghiệp diễn ra đúng tiến độ và đúng hướng