Khi lần đầu trở thành sếp, suy nghĩ trong tôi về phẩm chất của nhà quản trị là thái độ chuyên nghiệp cùng các bộ trang phục công sở chỉn chu. Để cố gắng sống theo hình ảnh đó, tôi đi giày cao gót mỗi ngày và giấu nụ cười thân thiện dưới vẻ mặt nghiêm túc toát lên một chút lạnh lùng.
Nhưng liền sau đó tôi nhận ra rằng một đôi giày cùng cái cau mày khó chịu không thể giúp tôi trở thành một người quản lý tốt như tôi vẫn tưởng. Đó cũng không phải là phong cách thường ngày của tôi và cố tình đóng vai một người khác còn khiến tôi với nhân viên ngày càng xa cách.
Bất ngờ là khi kể lại chuyện này với nhiều người bạn cũng là quản lý, tôi nhận ra rằng họ cũng có suy nghĩ đóng khuôn về những gì sếp nên làm và những ý tưởng sai lệch đó khiến cả người có tiềm năng nhất cũng không thể trở thành vị sếp đúng nghĩa.
Hiểu lầm kinh điển nhất về phẩm chất của nhà quản trị phải kể đến nhận định “Quản lý phải là người hướng ngoại”
Nghe quá quen thuộc đúng không? Bạn đã nghe điều này bao nhiêu lần khi ai đó nhắc đến các phẩm chất cần có của người quản lý? Tôi thì đã nghe rất rất nhiều lần và cũng đã từng nghĩ điều đó là chân lý. Người hướng ngoại là mẫu người tự tin và thoải mái trong giao tiếp, có thể biến lạ thành quen chỉ trong chớp mắt. Điều này quá tốt nhưng không có nghĩa là nó hoàn toàn cần thiết để bạn trở thành một người quản lý giỏi.
Việc hướng ngoại hay hướng nội liên quan nhiều hơn đến cách chúng ta xử lý vấn đề. Người hướng ngoại có thể dễ dàng vượt qua các tình huống bằng cách thảo luận và tìm kiếm lời khuyên từ người khác. Trong khi đó người hướng nội sẽ tự suy nghĩ và giải quyết vấn đề độc lập. Đây mới chính là những phẩm chất thực sự tạo nên một nhà quản lý xuất sắc.
Mặc dù việc tham khảo các ý kiến khác nhau là rất quan trọng nhưng cuối cùng quản lý cần là người ra quyết định. Thế nên, không thích đám đông và ngại giao lưu không hề khiến người hướng nội bị lép vế trong việc trở thành một nhà quản lý giỏi. Những người hướng nội như Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg là bằng chứng sống của sự thật đó.
Hiểu lầm thứ hai cũng phổ biến không kém điều thứ nhất “Quản lý chỉ cho mọi người biết nên làm việc như thế nào”
Khi đã lên đến chức quản lý thì hẳn là chúng ta đã có nhiều đóng góp hữu ích và đạt nhiều thành tích đáng nể. Và như một thói quen chúng ta sẽ muốn nhân viên làm y xì những việc đã giúp chúng ta thành công. Điều này cũng vì muốn giúp họ phát triển mà thôi.
Thế nhưng xem xét từng li từng tí nhất cử nhất động của nhân viên sẽ hạn chế khả năng sáng tạo và mức độ đầu tư vào công việc của họ. Tôi đã thấy nhân viên của mình như không còn sức sống theo đúng nghĩa đen mặc dù đã chọn sẵn mẫu báo cáo, mẫu email và lên sẵn lịch làm việc cho họ. “Chăm” quá mức, tình héo rũ là có thật.
Thực tế là công việc của quản lý không phải là nói cho nhân viên biết nên làm thế nào mà là hỗ trợ họ đạt được các mục tiêu mà hai bên đã cùng thống nhất. Thay vì hướng dẫn họ cách thực hiện, hãy dành thời gian nói về những việc họ nên hoàn thành vào cuối tuần, cuối tháng hoặc cuối quý và việc bạn cần làm để hỗ trợ họ đạt được điều đó. Sau đó để yên cho họ làm chủ công việc.
Hiểu lầm thứ ba “Nếu nhân viên không thích quản lý, có nghĩa là quản lý đã làm sai”
Nhiều nhà quản lý luôn muốn được nhân viên yêu thích mọi lúc, tuy nhiên ưu tiên hàng đầu của quản lý không phải là được yêu thích mà là hỗ trợ, hướng dẫn và phản hồi để nhân viên ngày càng phát triển.
Có lần tôi nói với nhân viên rằng báo cáo mà bạn ấy làm cần bổ sung thêm nhiều thông tin và có 1 ngày để chỉnh sửa lại. Nghe vậy bạn ấy đã tỏ ra rất thất vọng với tôi. Vì điều này mà tôi muốn nói chuyện và trấn an bạn ấy rằng mọi thứ sẽ ổn. Nhưng tôi lại nghĩ rằng bạn ấy cần tự xử lý vấn đề nên không đả động đến chuyện đó. Đến khi báo cáo được nộp, tôi rất hài lòng về các vấn đề đã được chỉnh sửa và còn vui hơn vì nhận ra mối quan hệ của chúng tôi cũng trở nên dễ chịu hơn.
Có lẽ nhân viên ấy đã biết rằng tôi yêu cầu chỉnh sửa lại bản báo cáo vì nghĩ về lợi ích lâu dài của bạn ấy, giúp bạn ấy có thêm kinh nghiệm, còn tôi thì biết rằng mình đã làm một điều hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với phẩm chất của nhà quản trị. Không phải cứ nhân viên không vui đều là do quản lý đã làm sai.
“Có một người quản lý giỏi với đầy đủ các phẩm chất của nhà quản trị là điều cần thiết đối với doanh nghiệp, giống như hơi thở đối với cuộc sống của chúng ta vậy.”
Hiểu lầm thứ tư “Nếu không nghe thấy bất cứ ai phàn nàn có nghĩa là mọi nhân viên đều hạnh phúc”
Nếu bạn không nghe thấy những lời phàn nàn, đừng vội cho rằng mọi người đều ổn. Ngay cả khi tất cả nhân viên của bạn đều cảm thấy hoàn toàn hài lòng, thì vẫn luôn có nhiều điều để học hỏi thêm. Nếu không có bất kỳ lời kêu ca nào, có thể nhân viên ngại nói về các vấn đề họ đang phải đối mặt hoặc sợ hãi khi gặp quản lý giống như tình huống mà tôi đã trải qua.
Sau khoảng 6 tháng lên làm sếp, một nhân viên nòng cốt của tôi bỗng dưng xin nghỉ việc với lí do là việc quá nhiều. Tôi rất bất ngờ vì bạn ấy luôn hoàn thành tốt chỉ tiêu và bình thường thì ai quá tải công việc đều lên tiếng ngay còn bạn này thì không. Hỏi ra mới biết lí do là bạn ấy sợ bị ăn mắng. Để giữ chân được nhân viên, tôi phải sắp xếp lại công việc và chủ động gần gũi hơn với mọi người để lắng nghe được nguyện vọng của họ.
Cuối cùng, “Quản lý ở vị trí cao nên luôn là người có công”
Một tình huống rất khó xử mà tôi gặp phải với người quản lý trước đây là anh ấy coi tôi như một đối thủ cạnh tranh. Hết lần này đến lần khác, anh ấy cho rằng thành tích tôi đạt được đều có công của anh ấy và các thành công đó như một mối đe dọa đến chiếc ghế mà anh đang ngồi hơn là thành công chung của cả nhóm.
Điều mà anh ấy không thể tiếp thu được, giờ đây là nguyên tắc mà tôi luôn thực hiện, đó là thành tích của nhân viên chính là thành tích của quản lý. Thế nên, không bao giờ tôi đứng ra tranh phần mà sẽ để nhân viên tỏa sáng, bằng cách nói về các sáng kiến mà họ đưa ra với cấp cao hơn mà không giấu giếm chẳng hạn. Điều này sẽ giúp sự nghiệp và tinh thần của họ sẽ tăng cao, tất nhiên cả nhóm đều có lợi.
Bạn đã từng có định kiến gì về phẩm chất của nhà quản trị và những điều họ cần làm, có giống với những điều được nhắc đến trên đây không?
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Nghệ thuật quản lý2024.12.02Tuyệt chiêu xây dựng đội ngũ hợp tác và chia sẻ
- Bí quyết tuyển dụng2024.11.265 sáo ngữ cần tránh khi viết tin tuyển dụng và gợi ý thay thế
- Nghệ thuật quản lý2024.11.18Khắc phục phong cách quản lý vi mô bằng cách nào?
- Nghệ thuật quản lý2024.11.04Làm gì để nhân viên ít hỏi lại và nâng cao tinh thần chủ động?