Đôi khi chúng ta làm điều gì đó chỉ đơn giản vì đó là điều mà những người khác đều làm… và điều này đặc biệt đúng với các câu hỏi phỏng vấn. Mục đích của các câu hỏi là thúc đẩy một cuộc trò chuyện giúp cả hai bên tìm hiểu lẫn nhau. Thế nhưng, có những câu hỏi mang tính đóng khung khiến cả hai bỏ lỡ nhiều cơ hội tìm được tiếng nói chung.
Dưới đây là 4 câu hỏi phổ biến được xem là đơn điệu và cách làm mới chúng để tăng hiệu quả cho buổi phỏng vấn, hãy cùng tham khảo nhé.
Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Các ứng viên đều biết cách trả lời câu hỏi này: chỉ cần chọn một điểm yếu và biến lỗ hỏng đó thành sức mạnh một cách lý thuyết. Chẳng hạn, “Điểm yếu lớn nhất của tôi là quá chú tâm vào công việc đến nỗi quên cả thời gian. Mỗi ngày tôi nhìn lên và nhận thấy các đồng nghiệp đã ra về. Tôi biết mình nên ý thức tốt hơn về thời gian, nhưng tôi thực sự yêu thích những gì mình đang làm nên dù đã cố gắng nhưng tôi vẫn chưa thay đổi được.”
Để tránh câu trả lời “suông” thế này, hãy làm cho câu hỏi của bạn hấp dẫn hơn, ví dụ “Hãy kể về lần gần đây nhất đồng nghiệp hay khách hàng giận dữ với bạn, chuyện gì đã xảy ra?”
Xung đột là điều không thể tránh khỏi khi tất cả mọi người cùng làm việc chăm chỉ để hoàn thành nhiệm vụ của mình, và lúc này điểm yếu có thể được bộc lộ, một trong số đó là đổ lỗi. Chắc chắn không ai hoàn hảo cả nhưng một người có xu hướng đổ lỗi và đùn đẩy trách nhiệm cho người khác là kiểu ứng viên ta nên tránh tuyển dụng. Ngược lại, một ứng viên biết xác định và giải quyết vấn đề, thay vì đổ lỗi cho ai đó, là người bạn cần có. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều đánh giá cao nhân viên sẵn sàng thừa nhận khi mắc lỗi, tìm cách khắc phục và rút ra được bài học từ những sai lầm đó.
Bạn muốn mình ra sao trong 3 năm tới?
Có hai cách trả lời cơ bản cho câu hỏi này. Các ứng viên sẽ cố gắng thể hiện họ vô cùng tham vọng bởi vì họ nghĩ bạn muốn điều đó bằng cách đưa ra một câu trả lời cực kỳ lạc quan, chẳng hạn “Tôi muốn vị trí như anh/chị hiện tại”. Hoặc cố gắng thể hiện sự khiêm nhường bằng một câu trả lời tự ti như “Có rất nhiều người tài năng ở đây… Tôi chỉ muốn làm một công việc thú vị và để xem khả năng của tôi đến đâu”. Trong cả hai trường hợp, bạn đều sẽ không có được những thông tin thực tế và cụ thể về ứng viên.
Mặt khác, câu hỏi “Bạn thích làm những công việc như thế nào?” sẽ cho bạn biết hy vọng và ước mơ, sở thích và niềm đam mê của ứng viên, công việc mà họ thích làm, những người họ thích làm việc cùng… Nếu có thể chuyển câu hỏi này thành một cuộc trò chuyện bằng cách đặt các câu hỏi giản đơn như “tại sao”, “bằng cách nào” bạn sẽ biết rõ hơn về tiềm năng phát triển của họ trong tổ chức của bạn.
Nói cho tôi biết một chút về bạn đi!
CV và thư xin việc của ứng viên chứa rất nhiều thông tin, mạng xã hội của họ cũng cho bạn biết thêm nhiều khía cạnh khác. Vì vậy bạn đã nắm bắt rất nhiều thông tin về ứng viên trước khi buổi phỏng vấn bắt đầu.
Mục tiêu của bạn là để xác định xem ứng viên nổi bật trong công việc ra sao. Điều này có nghĩa là cần đánh giá các kỹ năng và thái độ cần có của ứng viên cho công việc đó. Họ có phải là một trưởng nhóm có sự thấu cảm hay không? Họ có muốn cùng đưa công ty của bạn lên một tầm cao mới không?… Hãy hỏi họ về những điều đó.
Nếu bạn muốn tìm hiểu con đường sự nghiệp của họ, hãy hỏi vì sao họ lại làm các công việc đã trải qua, tại sao họ lại rời bỏ công ty trước. Nếu muốn biết về kiến thức của họ, hãy hỏi vì sao họ lại chọn một trường đại học nào đó, tại sao họ quyết định học đại học…
Biết càng nhiều về ứng viên trước khi phỏng vấn và sau đó đặt ra các câu hỏi có mục đích, bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về họ. Điều này sẽ giúp bạn đưa ra quyết định tuyển dụng hiệu quả hơn.
Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn?
Câu trả lời thường thấy của hẩu hết ứng viên là mô tả niềm đam mê tột cùng và mong muốn, hứa hẹn sẽ thực hiện tốt công việc… Chính vì vậy, bạn sẽ không thấy được những điểm nổi bật riêng của từng người.
Thay vì vậy, khi hỏi “Bạn cảm thấy tôi cần biết điều gì thêm mà chúng ta chưa đề cập đến?” hoặc thậm chí “Nếu bạn có thể trả lời lại câu hỏi của tôi, bây giờ bạn sẽ trả lời như thế nào?”
Hiếm khi các ứng viên khi đến cuối buổi phỏng vấn cảm thấy họ đã làm hết sức mình. Bởi có lẽ cuộc trò chuyện đã đi theo một hướng bất ngờ hoặc ứng viên đã bắt đầu cuộc phỏng vấn một cách đầy lo lắng và bây giờ họ ước rằng có thể quay lại để thể hiện tốt hơn về trình độ – kinh nghiệm của mình. Ngoài ra, mục tiêu của bạn là tìm hiểu càng nhiều về ứng viên càng tốt, thế thì cho họ một cơ hội làm lại cũng là cách để đảm bảo bạn chọn được ứng viên phù hợp nhất.
Chỉ cần chắc chắn “biến” phần này của buổi phỏng vấn thành một cuộc trò chuyện, không phải là sự độc thoại. Đừng chỉ lắng nghe một cách thụ động và sau đó nói “Cảm ơn. Chúng tôi sẽ liên lạc với bạn”, mà hãy đặt các câu hỏi tiếp theo để nắm bắt rõ hơn vấn đề. Nếu không, bạn thực sự chỉ sử dụng các từ khác nhau để hỏi “Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn?” mà thôi.
Hoàng Oanh
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.073 kỹ năng giao tiếp giúp phỏng vấn ứng viên hiệu quả hơn
- Nghệ thuật quản lý2024.09.30Làm gì khi nhân viên phản đối sự đổi mới?
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.234 câu hỏi giúp đánh giá tinh thần trách nhiệm của ứng viên
- Nghệ thuật quản lý2024.09.16Để các cuộc họp doanh nghiệp diễn ra đúng tiến độ và đúng hướng