Phong cách quản lý chinh phục lòng người

Mỗi người sinh ra đều sở hữu những nét tính cách khác nhau, có người thiên về mặt tình cảm, cảm xúc, có người thì thiên về lý trí, logic. Tuy nhiên, người quản lý với vai trò lãnh đạo tập thể và điều hành cả một công ty, thì đòi hỏi bạn phải là người không được để trái tim lấn át lý trí hay lý trí chi phối quá nhiều. Trong công việc, cần phải biết dung hòa – hòa hợp giữa một cái đầu lạnh và một trái tim nóng, có như vậy bạn mới có thể trở thành một nhà lãnh đạo vừa có tầm vừa có tâm, mang lại sức ảnh hưởng lớn đến nhiều người khác. CareerLink.vn sẽ cùng bạn tìm hiểu phong cách quản lý chinh phục lòng người như thế nào để giúp bộ máy công ty hoạt động một cách trơn tru và hiệu quả.

Tiến hành thảo luận – Không tự quyết

Đối với các vấn đề mang tầm chiến lược liên quan đến phương hướng phát triển của công ty, người lãnh đạo cần đưa ra bàn bạc, thảo luận thông qua những cuộc họp, đàm phán giữa các nhân viên quản lý cấp cao. Khi mọi vấn đề được thống nhất, thì tất cả các thông báo nội bộ nên được truyền xuống cho các nhân viên trong công ty nắm bắt tình hình về sự thay đổi, định hướng trong tương lai. Tất cả mọi công văn, thông báo, quyết định cần phải rõ ràng, minh bạch, chính xác.

Còn đối với những vấn đề liên quan đến cá nhân nhân viên đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc thì người quản lý nên có cuộc trao đổi kín nhằm giải quyết dứt điểm tình hình thực tại. Trong trường hợp, vấn đề xuất phát từ cá nhân nhân viên vượt ngoài tầm kiểm soát và quyết định của người quản lý, đòi hỏi ý kiến của nhiều cộng sự khác thì cần đưa ra biểu quyết có nhận được sự tán đồng ý kiến hay không? Nếu người quản lý tự quyết thì dễ dẫn đến việc các nhân viên khác hiểu lầm là sếp để tình cảm cá nhân chi phối mà thiên vị.

Lắng nghe trước khi đưa ra nhận định

Lắng nghe trước khi nói và trước khi đưa ra nhận định sẽ giúp người lãnh đạo hiểu được quan điểm của cộng sự và nhân viên của mình. Đứng trước một vấn đề quan trọng, cần đưa ra nhiều lựa chọn, nhiều giải pháp khác nhau để cùng nhau thảo luận, tiến tới quyết định đâu là giải pháp tối ưu nhất. Với những ý kiến khác nhau, lãnh đạo cần tránh cái nhìn phiến diện, mà nhận diện vấn đề theo hướng đa chiều cả mặt ưu lẫn khuyết, phân luồng tư tưởng theo nhóm ý kiến để có thể đưa ra lý giải chính xác và thỏa đáng nhất nhằm thuyết phục người nghe đồng tình.

Thay vì cố chấp, khăng khăng cho rằng ý kiến của mình là đúng thì việc lắng nghe trước khi nói giúp người quản lý có thể hiểu được suy nghĩ, quan điểm, góc nhìn của cộng sự và nhân viên, từ đó tăng cường sự liên kết, thấu hiểu được tính cách, sở trường, hoàn cảnh – vị trí… của nhau, tiến tới xác lập mối quan hệ tốt đẹp, hỗ trợ nhau phát huy điểm mạnh và khắc phục hạn chế.

Suy xét thấu đáo mọi khía cạnh

Lãnh đạo giải quyết vấn đề nên tuân theo quy định chung, nhưng phải dựa trên sự suy xét, nên suy xét vấn đề với tâm thế kiên nhẫn, bình tĩnh và tôn trọng cấp dưới. Kiên nhẫn lắng nghe giải trình đứng trên góc nhìn và quan điểm của nhân viên thì mới hiểu được suy nghĩ, vấn đề mà họ đang nhìn nhận, đối diện, đồng thời bình tĩnh đưa ra nhận định của mình cho nhân viên hiểu, cấp trên và cấp dưới cần có sự trao đổi dựa trên nguyên tắc tôn trọng. Khi hai bên hiểu được suy nghĩ của nhau thì dễ dàng tạo nên sự cảm thông và có xu hướng điều tiết lại hành động hướng về nhau nhiều hơn, đưa ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề đang mắc phải.

Người quản lý cần đề ra những nguyên tắc cụ thể để mọi người tuân thủ, tránh sự bất nhất, gây nên tình trạng hỗn loạn. Tuy nhiên, tiến độ – chất lượng công việc còn phụ thuộc vào những yếu tố khách quan ngoại cảnh tác động và yếu tố chủ quan của chính nhân viên đó nên người quản lý cần có cách nhìn đa chiều, suy xét cẩn trọng để đưa ra quyết định đúng đắn. Xử lý – giải quyết vấn đề nảy sinh trong công việc khéo léo, tinh tế dựa trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc là điều mà những nhà quản lý cần quan tâm và áp dụng.

Ứng xử công bằng, phẩm chất chính trực

Điều quan trọng là người quản lý phải thật sự công bằng trong giải quyết công việc, thể hiện là con người chính trực và đáng tin cậy. Một trong những biểu hiện của cách ứng xử công bằng chính là có khen thì phải có chê, khen đúng chỗ và chê đúng lúc, nhằm tạo nên văn hóa – môi trường năng động, tích cực, khích lệ tinh thần nhân viên cùng nhau phấn đấu.

Đồng thời, ứng xử công bằng cũng là cách thức hiệu quả khiến nhân viên “tâm phục khẩu phục”, loại bỏ đi những lời dèm pha, bàn tán, ý kiến trái chiều trong nội bộ, gây nên tình trạng lục đục, xích mích, mâu thuẫn khi cấp dưới không nghe cấp trên, nhân viên này “nghịch ý” nhân viên kia – nguyên nhân dẫn đến công việc bị đình trệ, chậm trễ, năng suất giảm, chất lượng kém.

Lời “nhờ vả” thay vì ra lệnh

Áp dụng nghệ thuật “nhờ vả” là phương pháp dùng người mà các nhà lãnh đạo nên lựa chọn. Đây là cách thức vừa để nhân viên nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, vừa tạo không khí, nhẹ nhàng, thoải mái trong mối quan hệ giữa cấp trên – cấp dưới, tăng cường sự chuyên tâm vào công việc của chính nhân viên đó.

Trong công việc, cả quản lý lẫn nhân viên đều phải chịu áp lực nặng nề khiến họ dễ dàng rơi vào trạng thái căng thẳng, lời “nhờ vả” sẽ là cách ứng xử thông minh giữa quản lý và nhân viên, hay giữa nhân viên này với nhân viên khác trong đội nhóm nhằm giúp công việc được hoàn thành một cách trọn vẹn.

Thực tế cho thấy nhiều trường hợp, nhân viên đã quyết định rời bỏ sếp chứ không phải là rời bỏ công việc của mình chỉ vì cách quản lý thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến người lãnh đạo phải đối diện với tình trạng nhân viên “nhảy việc”, tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn. Chính vì vậy, người lãnh đạo phải ứng xử như thế nào cho phù hợp thì đó là cả một nghệ thuật.

Hương Giang

Sao chép thành công