Sự ảnh hưởng của văn hóa phản biện nơi công sở

Một doanh nghiệp xây dựng được văn hóa phản biện tốt sẽ giúp nâng cao năng suất làm việc, gắn kết tinh thần đoàn kết của tập thể, từ đó xây dựng được bộ máy nhân sự ổn định và vững mạnh. Vậy văn hóa phản biện là gì, và tại sao chúng lại có sức ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp như vậy? Hãy cùng CareerLink.vn tìm hiểu thêm nhé.

Văn hóa phản biện là gì?

Về phía nhân viên, văn hóa phản biện là cách thức doanh nghiệp khuyến khích và tạo điều kiện để đội ngũ nhân viên của mình sẵn sàng đóng góp và phản hồi nhiều ý kiến trái chiều mang tính xây dựng với nhau hoặc thậm chí là với cấp trên cho một vấn đề nào đó.

Ngược lại, đối với bản thân các cấp lãnh đạo, văn hóa phản biện được phản ánh thông qua việc họ sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp, đề cao tiếng nói của người nhân viên trong công việc, không để xảy ra tình trạng chèn ép, “sếp bảo gì thì cấm không được cãi lại” để kích thích tinh thần tự nguyện tham gia vào việc xây dựng văn hóa phản biện của toàn công ty.

Lợi ích mà văn hóa phản biện đem lại

Kích thích sự sáng tạo

Tư duy phản biện khuyến khích nhân viên luôn suy nghĩ dưới nhiều góc độ của sự việc, đưa ra các ý kiến trái ngược, không đi theo số đông để từ đó phát triển sự sáng tạo trong cách thức nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, đôi khi những ý kiến phản biện, sáng tạo lại thường bị cho là “lập dị” vì quá khác thường và khó nhận được sự đồng thuận của những người khác trong đội nhóm. Và ở đây, tầm nhìn của một người quản lý giỏi chính là khi họ thấy được bức tranh tổng thể, hiểu rõ vấn đề và đánh giá được tính khả thi và tôn trọng mọi “sáng kiến” của người nhân viên để khuyến khích họ tiếp tục phát huy. Về lâu về dài, tư duy phản biện sẽ giúp doanh nghiệp thúc đẩy sự sáng tạo, cải tiến trong cách làm việc và giải quyết vấn đề của cả tập thể.

Nâng cao tinh thần đoàn kết

Phản biện giúp cải thiện việc giao tiếp giữa các cá nhân trong nhóm, và giữa nhân viên với người quản lý của mình. Phản biện khuyến khích sự trao đổi, trình bày ý kiến, suy nghĩ của từng người, đồng thời tạo cho mỗi người thói quen lắng nghe và tôn trọng những ý kiến được nêu ra, dù cho ý kiến đó có khác biệt như thế nào đi chăng nữa. Do vậy, văn hóa phản biện chính là điều kiện cần cho mọi cá nhân làm việc gắn kết với nhau hơn, để cùng đạt được một mục tiêu chung của đội nhóm.

Cải thiện hiệu suất công việc

Khi một cá nhân trong tổ chức có quyền được nêu ý kiến và ý kiến của họ được đánh giá cao, người lãnh đạo sẽ tin tưởng và giao cho họ chịu trách nhiệm chính trong hạng mục đó. Và để giành được sự thừa nhận của cấp trên, nhân viên sẽ phải cố gắng phối hợp với đồng nghiệp để thực hiện tốt công việc được giao, từ đó năng suất làm việc của chính họ sẽ được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, môi trường làm việc luôn mang dấu ấn của sự cạnh tranh nhằm thúc đẩy quá trình phát triển và tiến bộ không ngừng, việc một người sẵn sàng nêu ý kiến và được tín nhiệm trao quyền thực hiện sẽ thúc đẩy và truyền cảm hứng cho những người khác trong đội nhóm cũng phải cố gắng làm việc, thể hiện khả năng và tự khắc phục đi thiếu xót của bản thân, từ đó, năng suất làm việc của các thành viên trong nhóm đều sẽ được nâng cao hơn nữa.

Có nhiều giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề

Khi một vấn đề càng nhận được nhiều tranh luận, nhiều ý kiến đưa ra thì người lãnh đạo sẽ càng có được nhiều ý tưởng để giải quyết vấn đề và có cái nhìn đa chiều hơn đối với sự việc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng và tránh được những rủi ro không đáng có. Trong khi đó, nếu chỉ sử dụng cách thức giải quyết vấn đề một chiều như thông thường: sếp đưa ra chỉ thị và nhân viên phải làm theo phương hướng đó, trong khi người trực tiếp thực hiện và hiểu công việc nhất ở thời điểm hiện tại lại không được trình bày ý kiến, thì sẽ dễ dẫn đến cách giải quyết vấn đề không theo sát được với yêu cầu của cấp trên, và kết quả công việc ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Do đó, để có thể khuyến khích nhân viên phát huy tư duy phản biện, người đứng đầu doanh nghiệp phải nhận thức rõ được sự khác nhau giữa phản biện (ý kiến mang tính xây dựng, tranh luận để tìm ra được giải pháp) và phê phán (chỉ trích, chê bai ý kiến người khác và không có tinh thần đóng góp xây dựng), cũng như giúp các cấp quản lý trong doanh nghiệp mình hiểu được tầm quan trọng của văn hóa phản biện và sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân viên thông qua các buổi thảo luận, dù cho ý kiến đó đó có khác biệt và không theo số đông.

An Huyên

Sao chép thành công