6 kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh khoa học và hiệu quả cho nhà quản trị

Lập kế hoạch kinh doanh giống như bản đồ đường đi. Bạn có thể đi khắp nơi mà không cần có bản đồ nhưng điều này sẽ chỉ làm tăng khả năng bị lạc trên đường đi.

Thay vì đặt mình vào tình thế có thể phải dừng lại hỏi đường hoặc thậm chí quay lại và xuất phát lại từ đầu, các nhà quản lý thường lập kế hoạch kinh doanh nhằm xác định rõ định hướng. Kế hoạch thường bao gồm thông tin chi tiết có thể giúp cải thiện cơ hội thành công của doanh nghiệp.

 Lập kế hoạch là gì?

Lập kế hoạch là quá trình suy nghĩ về các hoạt động cần thiết để đạt được một mục tiêu mong muốn. Đó là hoạt động đầu tiên và quan trọng nhất nếu muốn đạt được kết quả tốt đẹp. Nó liên quan đến việc tạo ra và duy trì một kế hoạch, chẳng hạn như các khía cạnh tâm lý đòi hỏi kỹ năng nhận thức.

Mặc dù nghe có vẻ tẻ nhạt và tốn thời gian nhưng kế hoạch rất cần thiết bởi những lí do sau.

Tại sao lập kế hoạch kinh doanh lại quan trọng?

Lập kế hoạch kinh doanh giúp thiết lập phương hướng

Nếu bạn không có kế hoạch kinh doanh, bạn sẽ không có trọng tâm. Bạn sẽ bị cuốn vào những yêu cầu từ nhân viên, khách hàng… và bạn sẽ không biết phải làm gì.

Tuy nhiên, điều đó sẽ thay đổi khi bạn có một kế hoạch chiến lược. Kế hoạch chiến lược của bạn sẽ vạch ra chính xác những gì bạn cần làm vào mỗi giai đoạn khác nhau. Bạn sẽ không phải phân vân nên làm điều gì tiếp theo hoặc bị phân tâm vì tất cả đã được vạch sẵn. Thay vì đi từ A đến C và quay lại B, bạn sẽ làm mọi thứ theo thứ tự, đúng như dự định và không bị cuốn vào những điều nhỏ nhặt. 

Lập kế hoạch kinh doanh giúp đưa ra các quyết định quan trọng

Xây dựng kế hoạch cho phép bạn xác định câu trả lời cho một số quyết định quan trọng nhất trước thời hạn. Khi lập kế hoạch, bạn phải ngồi xuống và suy nghĩ về các mục tiêu của doanh nghiệp. Lúc đó, bạn sẽ nhận thấy và trả lời nhiều câu hỏi hóc búa trước khi chúng thực sự xuất hiện. Đồng thời suy nghĩ sâu sắc về các chiến lược cốt lõi cũng có thể giúp bạn hiểu những quyết định đó sẽ tác động như thế nào đến các mục tiêu chính của bạn.

Lập kế hoạch kinh doanh giúp giảm rủi ro

Không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro trong thế giới kinh doanh. Không có rủi ro sẽ không có phần thưởng. Tuy nhiên, không ai muốn liên tục đối mặt với rủi ro cả. Là một nhà quản lý, bạn phải giảm thiểu rủi ro bằng mọi cách có thể và lập kế hoạch kinh doanh giúp bạn đạt được điều đó.

Việc lập kế hoạch giúp nhận ra những điểm mạnh và điểm yếu của bạn, đồng thời nó cũng bộc lộ ra các cơ hội và mối đe dọa xuất hiện ở thế giới bên ngoài. Bằng cách hiểu những trở ngại bạn phải đối mặt và các công cụ bạn có sẵn, bạn có thể giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa hiệu quả. Nói cách khác, bạn có thể điều hướng những chướng ngại khó chịu đó và đạt những gì đã đề ra.

Lập kế hoạch kinh doanh giúp quản lý thời gian hiệu quả

Nếu không biết doanh nghiệp hoạt động để đạt được những gì thì bạn sẽ không biết phải tập trung nỗ lực vào đâu. Và như thế, bạn sẽ lãng phí thời gian vào những nhiệm vụ mang lại ít hoặc không có giá trị. Lập kế hoạch kinh doanh sẽ giúp bạn xác định trách nhiệm nào là quan trọng nhất để có thể phân bổ thời gian thích hợp để hoàn thành.

Cách cải thiện kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh

Lập kế hoạch kinh doanh là một kỹ năng có thể thành thạo và bạn có thể đạt được hiệu quả cao hơn với các bí quyết sau.

Nhìn vào bức tranh lớn

Trước khi lập kế hoạch kinh doanh, hãy lùi lại một chút và dành thời gian thu thập thông tin. Thông tin bạn thu thập được sẽ giúp bạn nhìn thấy được bức tranh lớn hơn.

Nhìn thấy bức tranh lớn là hiểu được tình hình hiện tại của bạn và dự đoán được những gì có thể xảy ra. Những tài nguyên bạn có sẵn là gì? Những thay đổi nào của thị trường bạn cần phải lường trước?… Biết người biết ta, kế hoạch của bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công.

Suy nghĩ về việc thực thi

Một điều khác bạn nên làm khi lập kế hoạch kinh doanh là duy trì tính thực thi. Bạn phải chắc chắn rằng các mục tiêu đặt ra có thể đạt được và kế hoạch được thực hiện mà không gặp trục trặc. Điều này có nghĩa là để các thành viên trong nhóm cùng tham gia và bạn cần lắng nghe ý kiến đóng góp của họ.

Mục đích là làm cho mọi người hào hứng và cam kết thực hiện kế hoạch. Đổi lại, bạn có một cái nhìn rõ ràng về việc liệu kế hoạch bạn đang lập có thể được thực hiện bằng cách sử dụng các nguồn lực đang có hay không.

Quá trình này cũng cho phép bạn dự đoán nhu cầu về các nguồn lực bổ sung. Ví dụ, khi có những phần của dự án mà các thành viên trong nhóm không thể xử lý, bạn có thể đưa ra quyết định tuyển dụng thêm nhân viên mới hoặc thuê ngoài.

Đặt khung thời gian

Hầu hết các kế hoạch kinh doanh đều thất bại vì chúng không đảm bảo tính khả thi và không có các mốc thời gian chặt chẽ, hợp lý. Trên thực tế, đặt ra thời hạn và cân nhắc thời gian là một phần của quá trình lập kế hoạch chiến lược. Các nhiệm vụ cần được đặt trong một khung thời gian cụ thể, điều này sẽ giúp cho kế hoạch được thực hiện thành công.

Tương tự như lập kế hoạch kinh doanh, bạn cần phải thiết lập khung thời gian hợp lý. Hãy tham khảo ý kiến của các bên liên quan và các thành viên trong nhóm để có thể đặt ra thời hạn thực tế mà mọi người có thể đáp ứng. Đây là lúc bạn thể hiện khả năng của mình với tư cách là một nhà quản lý.

Đảm bảo tính linh hoạt

Mặc dù việc tạo ra một kế hoạch kinh doanh chi tiết là quan trọng, nhưng lên kế hoạch quá tỉ mỉ không phải là điều bạn nên làm. Thay vào đó, bạn nên linh hoạt và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với các tình huống khác nhau. Không phải tất cả các rủi ro đều có thể dự đoán trước, vì vậy có thể dễ dàng nhận thấy sự linh hoạt đó có thể hữu ích như thế nào trong tương lai.

Lập kế hoạch kinh doanh quá chi tiết cũng dẫn đến việc bạn trở nên quá tham vọng với mục tiêu của mình. Đây cũng là điều bạn cần tránh vì những tác động tiêu cực mà nó mang lại. Khi các mục tiêu quá khó để đạt được, các thành viên trong nhóm sẽ mất đi động lực. Trên hết, bạn nên đề ra các kế hoạch có ý nghĩa. Sau khi hoàn thành việc lập kế hoạch, hãy để qua một bên và quay lại kế hoạch sau một tuần hoặc lâu hơn. Nếu cảm thấy ổn, có nghĩa là bạn đã có một kế hoạch tốt để thực hiện.

Xem xét và đánh giá

Bạn không cần phải đợi cho đến khi toàn bộ kế hoạch đã hoàn thành mới thực hiện đánh giá. Đánh giá nên là quá trình liên tục và xuyên suốt. Để có thể sớm phát hiện ra các vấn đề tiềm ẩn, hãy chia kế hoạch thành các giai đoạn nhỏ hơn và đánh giá theo từng mốc thời gian cụ thể đó. Hiện tại, có nhiều công cụ và công nghệ giúp bạn thu thập dữ liệu quan trọng và làm cho việc phân tích dễ dàng hơn.

Đưa ra các phần thưởng

Phần thưởng luôn hiệu quả hơn hình phạt. Vì vậy, khi lập kế hoạch kinh doanh, hãy đảm bảo có hệ thống thưởng phạt rõ ràng. Trước tiên, hãy đặt ra các mốc quan trọng mà nhóm phải đạt được, cả trong ngắn hạn và lâu dài. Sau đó đưa ra các phần thưởng cho các thành viên trong nhóm nếu đạt được các tiêu chí này.

Bản thân phần thưởng không quan trọng. Bạn không cần phải có các phần thưởng lớn và đắt tiền. Sự đánh giá cao mới là vấn đề. Ví dụ, bạn có thể cân nhắc các ưu đãi du lịch hoặc nghỉ phép cho các nhân viên làm tốt công việc. Đây chỉ là một điều nhỏ khi lập kế hoạch kinh doanh, nhưng nó là yếu tố giúp mọi người có động lực và đồng lòng khi thực hiện các mục tiêu.

Kiều Giang

Sao chép thành công