Quản trị nhân sự startup “hậu trăng mật” (Kỳ 3)

Dư vị ngọt ngào thành công của việc dung hòa nhân viên chưa kéo dài được bao lâu, thì startup lại đối mặt tiếp tục với thử thách “thù trong, giặc ngoài” cho giai đoạn “hậu trăng mật”. Ở bước phát triển này, startup đã ghi vài dấu ấn nhất định trong lĩnh vực chuyên môn, cũng như đón nhận nguồn tiền dồi dào từ nhà đầu tư, nhưng chính kết quả triển vọng này lại vô tình khiến toàn thể nhân viên rơi vào khủng hoảng nội bộ. Bài viết dưới đây của CareerLink.vn sẽ đưa ra 4 vấn đề nhân sự mà nhiều startup vướng phải trong giai đoạn “hậu trăng mật” và phương hướng giải quyết hữu hiệu, phù hợp nhất.

A. Rắc rối đến từ các nhân viên

1. Áp lực “núi công việc” leo thang

Khi startup “vượt cạn” thành công ở thời điểm đầu, dòng tiền từ các nhà đầu tư bắt đầu chảy vào lũ lượt, điều này dẫn toàn thể nhân viên đến với áp lực “núi công việc” lớn hơn trước đây rất nhiều. Vì ngoài sức ép từ nhà đầu tư, đội ngũ startup còn phải đối mặt với “mũi dùi” thách thức từ các ông lớn cùng ngành, hoặc yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Do vậy, mọi người sẽ dễ rơi vào tình trạng “quá tải” công việc dẫn đến một vài sự ra đi vì áp lực. Trong những lúc như thế này, đội ngũ sáng lập cần phải “xốc” lại tinh thần đấu tranh thông qua các hành động như: khích lệ nhân viên trong các buổi họp, trao thưởng cho nhiệm vụ khó, tuyên dương cá nhân xuất sắc. Quan trọng nhất là đội ngũ sáng lập phải luôn thể hiện nhiệt huyết làm việc năng nổ như “tấm gương sáng” cho tập thể.

2. Đối mặt với sự chèo kéo quyết liệt từ đối thủ

Ngay khi startup gây được tiếng vang trên thị trường, thì các “công thần” của startup rất dễ bị các ông lớn trong ngành dòm ngó, lăm le chèo kéo. Tất nhiên, bất kì ai cũng sẽ “đứng ngồi không yên” với lựa chọn tương lai mời gọi, đặc biệt là các nhân sự giỏi.

Trong tình thế này, đội ngũ startup cần nhanh chóng tìm hiểu, trao đổi trực tiếp vướng mắc với người có ý muốn rời đi. Bởi vì bên cạnh yếu tố lương bổng, nhân sự còn bị hấp dẫn bởi các điều khác như cơ hội thăng tiến, phúc lợi kèm theo, môi trường làm việc. Do vậy, đội ngũ startup cần xác định cốt lõi vấn đề là gì, từ đó cả nhóm mới có phương án giải quyết phù hợp. Tuy nhiên, startup đừng nên “chiều chuộng” nhân viên quá mức vì điều này sẽ tạo nên tiền lệ không hay. Tốt nhất là startup cần ứng biến dựa theo tình thế hiện tại của công ty và thái độ làm việc của nhân viên.

B. Vấn đề ngay trong đội ngũ sáng lập nòng cốt

3. Thành viên sáng lập không được việc

Tình trạng một nhà đồng sáng lập không được việc hoàn toàn có thể xảy ra khi xuất hiện các nhân sự giỏi, hoặc đội ngũ startup phải đối mặt với các thách thức khó nhằn. Thực tế, một người xứng đáng ghi nhận vì đóng góp lớn trong việc có công khai phá “miền đất mới”, nhưng không đồng nghĩa cái ghế quản trị được bảo đảm an toàn mãi mãi.

Do vậy, sẽ thật khó khăn để đội ngũ startup thân thiết buộc nói lời chia tay với một đồng sáng lập từ những ngày đầu, nhưng đây là lựa chọn bất đắc dĩ vì dự án cần phải phát triển. Bên cạnh đó, mặc dù tập thể nhân viên không muốn tình trạng thiên vị xảy ra, nhưng nếu “cựu công thần” tương lai chấp nhận quyết định thuyên chuyển vị trí, tỏ ý muốn tiếp tục cống hiến cũng như đảm bảo hiệu quả công việc, thì ban quản trị startup cũng nên cân nhắc lựa chọn khả dĩ này.

4. Xuất hiện rạn nứt quan hệ

Việc rạn nứt quan hệ, hoặc nội bộ lục đục là vấn đề xảy ra thường xuyên của tất cả công ty. Tuy nhiên, startup đang trong khoảnh khắc “chín muồi” (doanh số tốt, khách hàng tiềm năng tăng, tài chính dồi dào từ nhà đầu tư), thì một rạn nứt nhỏ thôi cũng đủ níu đà phát triển, thậm chí là đánh mất những “cơ hội vàng”.

Do đó, đội ngũ startup cần phải nhanh chóng bình tâm cùng nhau trực tiếp thảo luận để tìm ra nguyên do rạn nứt thực sự (sự phân cấp không hợp lý, định hướng phát triển chung mâu thuẫn, hoặc các yếu tố khách quan khác ngoài công việc). Trên hết, mọi người cần lưu ý rằng cuộc trao đổi là nhằm tìm ra các giải pháp tích cực, chứ không phải là kiểu truy xét tiêu cực “vạch lá tìm sâu”. Việc cải thiện tình hình luôn khó hơn vứt bỏ mọi thứ, chính vì vậy ban quản trị sẽ có rất nhiều điều phải làm cùng nhau.

Hãy biết nói lời chào tạm biệt đẹp đẽ khi cần thiết

Khi đội ngũ sánh bước cùng nhau đến giai đoạn “hậu trăng mật”, mỗi người đều là một mảnh ghép quan trọng trong tương lai. Tuy nhiên, thời gian sẽ làm thay đổi mọi thứ từ thái độ làm việc, quan điểm nhìn nhận và cả khả năng chuyên môn. Do đó, nếu thực sự vấn đề nằm ở tính cá nhân, thì sự ra đi là điều tất yếu nhằm bảo toàn sự phát triển tập thể. Nhưng để giữ ấn tượng, mối quan hệ tốt về sau cho nhau, đôi bên nên chuẩn bị đưa ra “lời chào tạm biệt” đẹp đẽ nhất.

Trung Thành

Sao chép thành công