Một vài kinh nghiệm quản lý nhân sự thực tế sẽ làm phong phú thêm kiến thức của bạn và giúp bạn thành công hơn ở lĩnh vực này.
Tự đi xe máy qua những con đường quanh co trên núi, leo lên đỉnh núi để thưởng thức cảnh đẹp hùng vĩ, ghé thăm các vùng miền và hòa mình vào các nền văn hóa khác nhau… thật thú vị biết bao. Thế nhưng trong vài chục năm cuộc đời, không phải điều gì bạn cũng có thể tự mình trải nghiệm, mà có khi phải “ăn ké” trải nghiệm của người khác. Tương tự, trong công việc cũng thế. Hôm nay chúng ta sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm quản lý từ chị Thu Thảo, Trưởng phòng nhân sự và đào tạo.
“Tôi đã quản lý nhân sự trong 5 năm và làm công tác đào tạo trong 2 năm. Các khía cạnh này mặc dù rất khác nhau nhưng đã dạy cho tôi một số bài học quan trọng về quản lý hiệu quả. Nếu đã được hỏi về vấn đề này, tôi rất sẵn lòng chia sẻ”, chị Thảo mở đầu cuộc trò chuyện.
Mọi người đều là duy nhất, vì vậy phong cách quản lý cần linh hoạt theo từng nét riêng biệt đó
Nhóm của tôi và có lẽ của bạn cũng vậy, không khác gì một xã hội thu nhỏ. Ở đó luôn có những con người với tính cách mạnh mẽ, không ngại thử thách, cũng sẽ có một số thích trò chuyện nhẹ nhàng và một số khác thích đi thẳng vào vấn đề, không lòng vòng, quanh co.
Để làm việc tốt với tất cả các tính cách này có khi trái ngược nhau này đòi hỏi phải linh hoạt uyển chuyển trong cách giao tiếp, phản hồi, góp ý. Với bạn A có tính cách hướng nội thì tôi thường trao đổi qua email, phần mềm chat hơn là trực tiếp vì như thế sẽ giúp bạn ấy thoải mái hơn. Trong khi với bạn B là người hoạt bát thích không khí ồn ào, thì các buổi bàn việc ở quán cà phê sẽ có hiệu quả hơn phòng họp chật chội.
Có thể bạn cho rằng nhân viên phải theo phong cách của sếp, chứ sao sếp lại đi theo họ? Bạn có thể buộc nhân viên theo phong cách của mình nhưng chăc chắn họ sẽ không cảm thấy vui vẻ, hài lòng. Có một người sếp luôn hiểu mình muốn gì và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi thì sướng quá đi chư, ai mà không thích. Nhiều cái “thích” này cộng lại sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ giúp họ có thể cho ra những ý tưởng để đời hay luôn kề vai sát cánh cùng bạn trong lúc khó khăn nhất.
Bởi vậy, không tự nhiên mà các nhà quản lý giỏi được ví như những chú tắc kè hoa, có thể linh hoạt để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại. Với những người khác nhau họ sẽ là một nhà quản lý hoàn toàn khác biệt.
Nếu làm cho việc lắng nghe và quan sát trở thành thói quen, bạn sẽ đạt được nhiều hơn những gì bạn có thể có bằng cách nói chuyện
Điều cơ bản nhất trong tất cả nhu cầu của con người là được thấu hiểu và cách tốt nhất để hiểu mọi người là lắng nghe họ. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm quản lý nhân sự mà tôi muốn chia sẻ.
Bạn có đồng ý với tôi rằng khi ở vai trò quản lý, đôi khi chúng ta thường đánh giá thấp sức mạnh của việc lắng nghe. Để chứng tỏ cái uy của mình, chúng ta thường nói nhiều hơn nghe, đến nỗi khi nói xong còn chẳng nhớ mình đã nói những gì. Đối với bản thân tôi, đây là một thách thức rất lớn.
Điều tôi luôn nhắc nhở bản thân là mình không thần thông quảng đại đến mức biết tất cả mọi thứ trên đời mà cần lắng nghe những gì nhân viên đang nghĩ và giải pháp của họ. Đã có nhiều lần tôi tìm thấy lời giải cho những vấn đề hóc búa từ các ý tưởng và các cuộc trò chuyện với nhân viên.
Dalai Lama từng nói “Khi nói chuyện, bạn chỉ đang lặp lại những gì bạn đã biết. Nhưng nếu lắng nghe, bạn có thể học được điều gì đó mới mẻ”. Thật đúng như vậy, lắng nghe sẽ mở ra cho bạn một thế giới tốt đẹp hơn.
“Không dễ để trở thành một nhà quản lý phi thường. Điều này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, tích lũy kinh nghiệm quản lý nhân sự theo thời gian cũng như luôn áp dụng các kỹ thuật mới.”
Quản lý không phải là quản lý mà là một hình mẫu
Hãy thử hỏi một ai đó về vai trò của một nhà quản lý, bạn có thể nhận về câu trả lời đơn giản như “Quản lý là trông coi mọi thứ”, nhưng thực tế lại là một câu chuyện khác. Ở vai trò của mình, tôi đã được làm việc với rất nhiều các nhà quản lý, trưởng nhóm cùng các đội ngũ khác nhau. Và một trong những điều không bao giờ khiến tôi ngạc nhiên là văn hóa của nhóm có quan hệ mật thiết với niềm tin và thái độ của người quản lý. Ví dụ, nếu tôi thấy một nhóm nhiệt tình với công việc và sẵn sàng cống hiến thì 100% là do quản lý cũng là người nhiệt huyết, dấn thân và khát khao cống hiến.
Tại sao lại như vậy? Có phải các nhà quản lý đang tạo ra những bản sao của chính họ? Có thể không phải là “nhân bản” nhưng chắc chắc họ đang tạo ảnh hưởng và định hướng cách nhân viên suy nghĩ và hành động hàng ngày thông qua hành vi của chính họ. Bất kể số lượng và cấp độ nhân viên mà bạn đang quản lý ra sao, thì quản lý không chỉ đơn giản là một chức danh, điều đó có nghĩa là bạn đang định hình các nhà quản lý tương lai theo mọi cách có thể từ tư duy, niềm tin và thói quen của họ.
Quản lý con người không hề đơn giản và đó là một cuộc hành trình. Những điều tôi chia sẻ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm nhưng mất khá nhiều thời gian để học được. Tôi thường ước rằng mình nhận ra những kinh nghiệm quản lý nhân sự này sớm hơn, có lẽ tôi đã có thể tác động tích cực hơn đến cuộc sống và sự nghiệp của những người mà tôi dẫn dắt vào thời điểm đó.
Huỳnh Trâm
Author Profile
Latest entries
- Bí quyết tuyển dụng2024.10.073 kỹ năng giao tiếp giúp phỏng vấn ứng viên hiệu quả hơn
- Nghệ thuật quản lý2024.09.30Làm gì khi nhân viên phản đối sự đổi mới?
- Bí quyết tuyển dụng2024.09.234 câu hỏi giúp đánh giá tinh thần trách nhiệm của ứng viên
- Nghệ thuật quản lý2024.09.16Để các cuộc họp doanh nghiệp diễn ra đúng tiến độ và đúng hướng