Quản lý cần tránh lỗi gì khi ghi nhận thành tích của nhân viên?

Nếu nhắc đến những lần được sếp khen ngợi, chắc rằng bạn có thể kể một cách chi tiết, rõ ràng và sống động. Bởi đó là khoảnh khắc đáng nhớ trong sự nghiệp, khiến bạn cảm thấy như được truyền thêm năng lượng, tràn đầy hứng khởi, sẵn sàng tiến về phía trước bất chấp mọi khó khăn để đạt được mục ngắn hạn lẫn dài hạn của công ty. Đây cũng là lí do vì sao các nhà quản lý luôn chú trọng vào các hoạt động ghi nhận thành tích, khen thưởng và khích lệ nhân viên.

“Sự công nhận và đánh giá cao là công cụ động viên hiệu quả nhất trong kho “vũ khí” của bất kỳ nhà quản lý nào. Nó giúp bạn giữ chân lực lượng lao động hiện tại, khiến họ gắn bó lâu dài và nỗ lực không ngừng nghỉ”, anh Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng Nhân sự chia sẻ. Đồng thời anh cũng đặt ra câu hỏi “Nhưng liệu cách làm của bạn có phù hợp hay vô tình gây hại cho nhóm? Để biết câu trả lời, hãy xem bạn có mắc các lỗi phổ biến khi khen thưởng nhân viên sau đây không nhé.

“Khi việc ghi nhận thành tích được thực hiện tốt, điều đó có thể tác động tích cực đến nhân viên và lợi nhuận của doanh nghiệp.”

Sai lầm hàng đầu khi ghi nhận thành tích của nhân viên

Chờ đợi quá lâu để đưa ra lời khen ngợi

Chắc hẳn bạn đã quen với câu nói “Muộn còn hơn không” nhưng trong việc ghi nhận đóng góp của nhân viên thì “khen muộn đồng nghĩa với việc không khen thưởng gì cả”. Khi công nhận thành tích, thời điểm là vô cùng quan trọng và việc trì hoãn sẽ làm giảm đáng kể tác động nâng cao tinh thần của những lời khen. Nếu nhân viên làm được điều gì đó tuyệt vời nhưng lại không nhận được bất kỳ sự đánh giá cao nào trong vài ngày hay vài tuần tiếp theo, chắc chắn họ chẳng còn động lực nào để tiếp tục phấn đấu.

Nhiều người cho rằng: “Chờ đến đợt đánh giá cuối năm thì khen luôn thể” nhưng anh Minh Tuấn hỏi lại: “Thế bạn muốn nhân viên có động lực làm việc trong suốt cả năm không? Nếu có thì hãy khen thưởng ngay khi sự việc còn “nóng hổi”. Chỉ cần dành vài phút nhấc điện thoại hoặc viết email để nói “Hôm nay em làm việc X tốt lắm. Tiếp tục phát huy nhé” sẽ không tốn quá nhiều thời gian và công sức nhưng sẽ cho thấy bạn đánh giá cao hành động của nhân viên và lời động viên của bạn xuất phát từ tận đáy lòng”.

Công nhận mọi người theo cùng một cách

“Áp dụng cách khen thưởng chung cho tất cả mọi người tạo cảm giác thiếu chân thành, có thể gây hại nhiều hơn là có lợi ngay cả khi nó có mục đích tốt nhất”, anh Minh Tuấn chia sẻ.

Theo anh thì, bạn không nhất thiết phải tạo một chương trình khen thưởng hoành tráng và độc đáo cho từng nhân viên nhưng nên lưu ý rằng mỗi người đều khác nhau và bạn nên điều chỉnh cách hành động phù hợp với điều này. Chẳng hạn, nếu bạn đang khen thưởng một người thích làm “trung tâm của vũ trụ”, thì việc đứng trước cả phòng và dành cho họ một tràng pháo tay nồng nhiệt sẽ khiến họ cảm thấy dễ chịu. Nhưng với một người hướng nội, họ sẽ thích một email hoặc lời nhắn “cảm ơn” lặng lẽ đặt trên bàn làm việc hơn.

Chỉ tập trung vào những thành tựu lớn

Một sai lầm phổ biến khiến việc khen thưởng nhân viên không đạt hiệu quả trọn vẹn là chỉ tập trung vào những thành tựu lớn. “Không hiếm trường hợp nhân viên nỗ lực hết mình để giúp đỡ đồng nghiệp thực hiện một nhiệm vụ khó hoặc thường xuyên đưa ra phản hồi có giá trị trong các cuộc họp nhưng lại không nhận được sự công nhận giống như người chốt được các giao dịch có 9 con số”, anh Minh Tuấn đưa ra ví dụ.

Mặc dù ăn mừng thành tích và hiệu suất cao là điều cần thiết nhưng sự công nhận không nên chỉ dừng lại ở những con số và kết quả mà cũng có thể dành cho những việc thường ngày như khi nhân viên nhận được lời khen từ khách hàng, linh hoạt hoặc học hỏi nhanh, tuân thủ tốt nguyên tắc công ty, có sáng kiến độc đáo hay luôn năng nổ khi làm việc nhóm… Những hành động này thường kém hào nhoáng hơn nhưng vẫn đáng được tôn vinh. Chúng chính là nền tảng để nhân viên đạt được thành tích lớn hơn. Mặt khác, nếu bỏ qua những điều này thì bạn sẽ vô tình hạn chế một số phẩm chất thiết yếu của nhân viên lý tưởng. Họ sẽ cho rằng “Chỉ cần chốt được đơn hàng là được, cần gì phải hỗ trợ đồng nghiệp hay tuân thủ quy tắc”. Cách nghĩ này cũng sẽ phần nào gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường làm việc chung.

Phớt lờ một số nhân viên

Ghi nhận thành tích, sự chăm chỉ và đóng góp của các thành viên trong nhóm là một việc làm cần thiết. Nhưng bạn có từng nghĩ đến điều này có thể làm mất tinh thần của những người cũng tích cực làm việc nhưng không tạo ra kết quả chưa? Nó có thể khiến họ cảm thấy bản thân thật kém cỏi và không còn hứng thú với công việc. Họ sẽ nỗ lực ít hơn và làm giảm năng suất tổng thể. Trên hết, họ sẽ tách mình khỏi nhóm, điều này có thể dẫn đến sự chia rẽ giữa các đồng nghiệp.

Nói về cách giải quyết vấn đề này, anh Minh Tuấn gợi ý: “Tất cả nhân viên đều đáng được ghi nhận, không vì thành tích vượt trội thì cũng vì những đóng góp nhỏ như các hành động đã được nêu ở ý trên. Hay đơn giản hơn, nếu họ hoàn thành công việc thường ngày một cách suôn sẻ, không làm bạn đau tim vì những lời phàn nàn thì cũng đáng được ghi nhận. Chắc hẳn rằng, nhân viên của bạn ai cũng có những ưu điểm nhất định (nếu không thì họ đã không làm việc được ở công ty). Hãy dựa vào đó và đưa ra lời khen ngợi để họ cảm thấy được tôn trọng và đánh giá cao”.

Đưa ra sự công nhận không mấy ý nghĩa

Thà im lặng còn hơn đưa ra những lời khen ngợi thiếu chân thành. Bạn có thể đưa ra hàng ngàn lời khen có cánh nhưng sẽ không hiệu quả nếu đó là sự công nhận mang tính máy móc, rập khuôn. Thử hình dung xem, tên của một ai đó xuất hiện lặng lẽ trên bảng thông tin của công ty kèm theo dòng chữ Nhân viên của tháng, thì sẽ ra sao? Rõ ràng, sự công nhận này chẳng có chút ý nghĩa nào cả, ngược lại còn cho thấy lãnh đạo công ty cũng không thực sự tin vào điều này, họ làm vì nghĩ đây là việc phải làm mà thôi. Nhân viên sẽ nhanh chóng nhận ra sự thiếu chân thành, thậm chí còn cảm thấy tổn thương trong khi đáng lẽ phải vui vẻ hết nấc.

“Vì vậy, trước khi khen ngợi ai đó, hãy chắc chắn rằng bạn thực sự đánh giá cao về bất cứ điều gì họ đã làm với thái độ chân thực nhất. Khi nhân viên nhận được sự ghi nhận có tác động sâu sắc từ trái tim, họ cũng sẽ đáp lại bằng những nỗ lực đáng kể. Và nếu bạn không chắc mình biết cách nói chuyện đi vào lòng người, dù có cố gắng nhưng không đáng kể thì cũng đừng ngại. Chỉ cần bạn chân thành thì ngại gì người khác không nhận ra”, anh Minh Tuấn bày tỏ.

Ghi nhận thành tích và đánh giá cao nhân viên có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng chỉ khi được thực hiện đúng cách. Nếu bạn đang mắc phải bất kỳ sai lầm phổ biến nào ở trên, không bao giờ là quá muộn để xoay chuyển tình thế và thúc đẩy văn hóa làm việc khuyến khích sự tham gia của nhân viên, tạo ra bầu không khí nơi mọi người muốn làm việc cùng.

Huỳnh Trâm

Sao chép thành công