Đâu là dấu hiệu nhận biết nhân viên mới không phù hợp?

Khi đã dành hàng giờ dài để lựa chọn ứng viên, ai trong chúng ta cũng mong đợi họ sẽ xuất sắc, thành công và khiến chúng ta tự hào. Nhưng đời không như là mơ, nhân viên mới không phù hợp và không đạt được kỳ vọng vì nhiều lí do. Họ có thể trông rất tuyệt vời khi phỏng vấn nhưng lại thất bại trong đời sống thực. Nếu nhận thấy các biểu hiện sau thì có lẽ bạn là một trong số rất nhiều người ngoài kia đang tuyển dụng sai người.

Đâu là dấu hiệu nhận biết nhân viên mới không phù hợp

Dấu hiệu nhận biết nhân viên mới không phù hợp

Họ không cho thấy sự tiến bộ

Bắt đầu công việc mới với quản lý mới, đồng nghiệp mới, quy trình mới là điều thật đáng sợ với bất cứ ai. Do đó, việc mọi người lo lắng là chuyện thường. Điều này có thể dẫn đến các sai sót khi thực hiện các nhiệm vụ có vẻ đơn giản hoặc cần đến sự hỗ trợ của các nhân viên khác vốn đã quen với quy trình. Nhưng nó không nên trở thành thói quen. Chúng ta đều muốn thấy sự tiến bộ, nhất là sau cả tuần làm việc.

Nếu đã qua vài tuần mà họ vẫn liên tục đặt câu hỏi và yêu cầu hỗ trợ để hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản được liệt kê trong mô tả công việc thì có thể họ thiếu sự tập trung hoặc động lực cần thiết để trở thành thành viên trong nhóm của bạn. Tất nhiên là bạn không nên cho họ nghỉ việc ngay. Một nhân viên mới không phù hợp trong thời gian đầu rất có thể sẽ trở thành người tốt nhất sau này. Thế nhưng, người phù hợp với công việc sẽ cho thấy sự cải thiện nhất quán và rõ rệt.

Giang Ngọc Diệp – Chuyên viên tuyển dụng

Họ khiến bầu không khí trở nên ảm đạm

Tạo ra một bầu không khí hài hòa và hiệu quả là một phần quan trọng của quá trình tuyển dụng. Nhưng nếu những gì bạn nhận được từ nhân viên mới trong vài tuần đầu tiên là lời phàn nàn về nhiệm vụ và trách nhiệm hoặc các vấn đề như máy lạnh lỗi thời, cà phê không ngon, phòng họp không đạt chuẩn hay bầu không khí nơi làm việc đột nhiên trở nên u ám, kém hiệu quả thì có nghĩa rằng bạn đang đi ngược mục tiêu.

Những lời góp ý mang tính xây dựng là cần thiết nhưng không ai thích một người suốt ngày chỉ biết phàn nàn cả. Nếu kiểu thái độ này xuất hiện quá sớm, hãy tưởng tượng xem bạn sẽ phải đối mặt với điều gì trong vài tháng tới? Họ sẽ gieo mầm bất mãn và hủy hoại tinh thần của cả nhóm.

Thái Minh Trung – HR Senior

“Nhân viên mới không phù hợp về kỹ năng và văn hóa công ty có thể tạo ra xích mích ở nơi làm việc và ảnh hưởng đến hiệu suất của mọi người.”

Họ chỉ làm vừa đủ và thiếu mong muốn học hỏi

Dù sao đi nữa, vài tuần đầu tiên của nhân viên mới nên là khoảng thời gian mà họ cố gắng tạo ấn tượng tốt nhất để chứng minh rằng việc lựa chọn họ là một bước đi khôn ngoan. Một nhân viên xuất sắc luôn muốn đảm nhận nhiều trách nhiệm nhất, thậm chí làm việc ngoài bảng mô tả. Họ cũng nên tự nguyện đưa ra ý tưởng hoặc giúp đỡ khi thấy cần thiết. Vì vậy, nếu nhân viên mới từ chối công việc, nói không với các dự án mới hoặc hình thành thói quen nói “Đây không phải là việc của tôi”, thì đó không phải là điềm báo tốt cho tương lai.

Không có yếu tố nào ảnh hưởng đến môi trường làm việc của bạn nhiều như việc nhân viên thiếu nhiệt tình. Họ ít có khả năng nói tốt về sản phẩm, dịch vụ lẫn doanh nghiệp. Và mặc dù có thể vẫn làm đều đều nhưng họ sẽ không nỗ lực hết mình. Điều này có thể khiến các lãnh đạo gặp khó khăn hơn trong việc tạo ra sự ủng hộ rộng rãi cho tầm nhìn của công ty.

Bạn muốn nhân viên hài lòng với việc làm ở mức tối thiểu hay một người sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để thành công? Điều này không có nghĩa là nhân viên nên liên tục thỏa mãn kỳ vọng của bạn nhưng họ nên sẵn sàng bước lên vì những điều quan trọng.

Nguyễn Thị Thùy Dương – Trưởng phòng Tuyển dụng và Đào tạo

Họ không đáng tin cậy

Tất cả nhân viên mới đều phải mất một thời gian để thể hiện năng lực, nhưng sự tín nhiệm thường được biểu hiện ngay lập tức.

Nếu nhân viên mới không tham gia đầy đủ vào quá trình đào tạo cho công việc, đi muộn về sớm, gặp khó khăn trong việc đáp ứng thời hạn và thực hiện lời hứa, bỏ lỡ các cuộc họp, xin nghỉ phép quá dài, đây là những dấu hiệu cho thấy họ không thực hiện công việc một cách nghiêm túc hoặc không có đạo đức làm việc tốt. Đối với tôi, đây là một dấu hiệu đáng báo động cho thấy nhân viên mới không phù hợp. Họ không chú tâm vào vai trò mới và có vẻ như họ đang tập trung vào nơi khác thay vì hòa nhập vào văn hóa công ty và xem mình có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào.

Phan Minh Lâm – Chuyên viên tuyển dụng cấp cao

Họ không tiếp thu phản hồi

Ai cũng từng mắc sai lầm nhưng sự khác biệt giữa một nhân viên xuất sắc và một người bình thường là cách họ xử lý hậu quả của những sai lầm đó. Nhân viên đáng tin cậy sẽ phản hồi lại ý kiến đóng góp với mong muốn cải thiện, nắm bắt cơ hội đó để phát triển bản thân. Trái lại, người không phù hợp với công ty sẽ tỏ ra bướng bỉnh hoặc từ chối thử một chiến lược mới, thậm chí sẽ nhân đôi hành vi ban đầu như một cách để bảo vệ bản thân.

Vấn đề là phản hồi là điều cần thiết ở nơi làm việc, giúp duy trì năng suất của cá nhân và cả đội nhóm. Nếu không khắc phục được chứng bệnh không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác, họ sẽ nhanh chóng bị trì trệ kéo theo kết quả của toàn đội cùng đi xuống. Thế nên, chúng ta cần sớm nhận ra dấu hiệu này để có biện pháp xử lý nhằm tránh các kết quả tiêu cực.

Nguyễn Thái Bình – HR Manager

Nên làm gì khi nhân viên mới không phù hợp?

Không phải chỉ vì nhân viên mới không phù hợp là chúng ta mất hi vọng hoàn toàn. Nếu biết xử lý tình huống bằng sự đồng cảm thì vẫn có thể mang đến kết quả tích cực.

Điều đầu tiên và có lẽ là quan trọng nhất để xoay chuyển tình thế là ngồi xuống nói chuyện với nhân viên về các khía cạnh họ cần cải thiện với thái độ cảm thông và kiên nhẫn, sau đó chăm chú lắng nghe lời giải thích và chia sẻ. Rất có thể chúng ta sẽ hiểu thêm được về thách thức mà nhân viên mới đang đối mặt và biết rõ hơn về công việc của họ.

Bước tiếp theo là đưa ra các gợi ý cải thiện mang tính xây dựng đồng thời nhấn mạnh niềm tin của bạn vào tiềm năng của họ. Chu đáo hơn, bạn có thể soạn thành văn bản để nhân viên có thể suy ngẫm về các ý tưởng đó. Lúc này, đừng quên đưa ra thời hạn và tiêu chuẩn mà bạn cần nhân viên đáp ứng để giúp họ có một lộ trình rõ ràng hơn.

Trong quá trình cải thiện, nhân viên có thể cần đến sự hỗ trợ của bạn, do đó hãy quan sát và cung cấp các nguồn lực, tài liệu hoặc lời khuyên kịp thời. Nếu họ có sự tiến bộ tốt hơn, dù là nhỏ thôi thì cũng cần khen ngợi. Đó sẽ là động lực rất lớn để họ tiếp tục phấn đấu thay đổi.

Khi mốc thời gian bạn đặt ra đã kết thúc, hãy đánh giá xem liệu đã có sự cải thiện đáng kể hay chưa. Những thay đổi tích cực cho thấy bạn đang đi đúng hướng, ngay cả khi mọi thứ chưa hoàn hảo. Nếu mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ vì có một số đặc điểm hành vi không thể thay đổi được thì giải pháp cuối cùng có thể là chia tay trong êm đẹp.

Dù tuyển dụng bất kỳ vị trí nào, ở đâu và khi nào, chắc hẳn không ai muốn nhìn thấy các dấu hiệu của một nhân viên mới không phù hợp trên đây phải không nào. Bạn hoàn toàn có thể giảm khả năng gặp phải các tình huống này ngay từ đầu nếu nhờ đến các dịch vụ tuyển dụng như CareerLink làm việc thay bạn. Với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn, họ sẽ gia tăng đáng kể cơ hội tuyển dụng thành công và mang đến cho bạn những ứng viên phù hợp với vị trí lẫn môi trường doanh nghiệp.

Huỳnh Trâm

Author Profile

CareerLink

Sao chép thành công