Làm mới văn hóa doanh nghiệp phù hợp buổi “tân thời”

Văn hóa doanh nghiệp được khơi nguồn và xây dựng từ những nhà sáng lập cốt lõi. Nhưng theo thời gian, sự biến đổi chung của nền kinh tế đã khiến các nhà lãnh đạo phải đau đáu tìm ra các bước “chuyển mình” để phù hợp với dòng chảy chung hiện đại.

Nhưng “làm mới” thế nào là câu hỏi không dễ trả lời, nên bài viết dưới đây của CareerLink.vn sẽ đưa ra 6 gợi ý giúp việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp được diễn ra một cách trơn tru và hiệu quả nhất có thể.

1. Ban quản trị cần tinh nhạy với các dấu hiệu

Trên quan điểm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ban quản trị nên là những người nhìn thấy sự bất ổn của bộ máy trước nhất. Bởi nếu nề nếp tập thể bị xuống cấp một cách rõ ràng thì sẽ khó hàn gắn tinh thần đoàn kết và làm giảm năng suất lao động của đội ngũ.

Lưu ý rằng các nhân sự cấp cao nên xem xét tình hình dựa trên cơ sở kết hợp giữa các con số thống kê và cả môi trường thực tế. Thái độ làm việc của nhân viên, bầu không khí sinh hoạt tập thể, mối tương tác giữa mọi người trong cuộc họp là những thứ cần đặc biệt lưu tâm để “bắt mạch” các dấu hiệu tiềm ẩn.

2. Mở rộng thu thập ý kiến đến toàn bộ nhân viên

Văn hóa doanh nghiệp là đại diện cho tập thể chứ không riêng gì cá nhân nào. Do vậy, việc “cách tân” hệ trọng này không nên là cuộc họp “kín cổng cao tường” của ban quản trị, mà nên mở rộng đến toàn bộ đội ngũ nhân viên của công ty. Chắc hẳn những lời góp ý chân thành từ các thành viên sẽ hiệu quả hơn rất nhiều thay vì chỉ khư khư giữ các ý kiến có phần cục bộ của hội đồng cấp cao.

3. Tôn trọng ý kiến của bất kì ai

Sẽ thật là vô nghĩa nếu việc trưng cầu ý kiến của tập thể chỉ là hoạt động “hình thức”. Bên cạnh ý kiến của những “cựu binh” dày dặn kinh nghiệm, thực tế cho thấy đóng góp của người mới với tư duy cởi mở, hiện đại cũng thiết thực và đáng ghi nhận không kém. Qua đó sẽ giúp doanh nghiệp nhìn ra nhiều vấn đề được “ngụy trang” khéo léo.

Chắc chắn ban lãnh đạo sẽ nhận được nhiều ý kiến khác biệt độc đáo, thậm chí trái chiều. Trong những trường hợp như thế, việc phớt lờ hoặc phản đối lập tức sẽ dễ khiến doanh nghiệp đánh mất đi một quan niệm “tân thời” phù hợp. Do vậy, việc cẩn trọng xem xét ý kiến là điều kiện bắt buộc phải có trong suốt quá trình thay đổi.

4. Truyền thông liên tục trong suốt quá trình “cách tân”

Bất kì thành công nào của doanh nghiệp đều cần đến sự đồng lòng của tập thể và việc thay đổi văn hóa cũng không ngoại lệ. Nhưng có những thành viên luôn rất “kín tiếng”, hoặc họ ít quan tâm đến các điều lệ chung. 

Do vậy, ban quản trị cần “hút” tất cả nhân viên vào quá trình “cách tân” bằng nhiều cách như: tạo hòm thư góp ý chung; thường xuyên tạo ra các cuộc họp ý kiến; mở cuộc thi và trao thưởng cho đóng góp nhận nhiều bầu chọn nhất. Thông qua các việc làm này, tự mỗi người sẽ hào hứng và chủ động hơn trong việc thay đổi nề nếp của “ngôi nhà chung”.

5. Hãy biết kiên nhẫn trong suốt quá trình chuyển giao

Có lẽ “cách tân” văn hóa doanh nghiệp là một trong những sự thay đổi tiêu tốn thời gian nhiều nhất. Bởi sẽ rất khó để khiến mọi người quen với các quy định, kiểu cách, hoặc tư duy làm việc khác lạ, đặc biệt là những nhân viên nhiều thâm niên.

Do vậy, thời gian để nhìn thấy kết quả không thể “một sớm một chiều”, nên ban lãnh đạo cần kiên nhẫn “từng chút một” để bộ máy thích nghi với kiểu vận hành theo kiểu “tân thời”.

6. Khéo léo quan sát và nhanh chóng điều chỉnh bất cập

Tuy nhiên, việc thay đổi không chỉ đơn giản là “rung đùi” và chờ đợi. Các nhà quản trị cần hết sức để ý đến mọi chuyển biến trong doanh nghiệp. Bởi có những kế hoạch rất trơn tru nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì lại gây ra tác dụng phụ, thậm chí ngược chiều. Do vậy, quá trình thay đổi không nên quá cứng ngắc mà cần tùy thuộc vào điều kiện thực tế để uyển chuyển điều chỉnh cho phù hợp.

“Cách tân” văn hóa doanh nghiệp là lộ trình dài

Cuối cùng, mọi sự thay đổi đều tiêu tốn nhiều nguồn lực, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất. Nên nếu việc điều chỉnh nề nếp theo kiểu “trào lưu” xoành xoạch, hoặc “một lần cho xong”, thì điều này chỉ khiến công ty đánh mất bản sắc và dễ rơi vào trường hợp “hòa tan chứ không hòa nhập”.

Tóm lại, làm mới văn hóa doanh nghiệp phù hợp buổi “tân thời” cần được thực hiện một cách có chọn lọc, từng bước nhỏ chậm rãi và phù hợp với từng giai đoạn phát triển khác nhau.

Trung Thành

Sao chép thành công