6 cách xây dựng niềm tin với nhân viên

Là một nhà quản lý ai cũng mong muốn “được lòng” nhân viên của mình, tạo nhiều điều kiện và cho họ cảm giác được làm việc trong một môi trường tốt, có nhiều cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, phát triển kỹ năng.

Về vấn đề này Careerlink.vn xin chia sẻ một vài kinh nghiệm gây dựng niềm tin cũng như giữ chân được những nhân viên tài năng cho doanh nghiệp của mình.

Có chính kiến và nhất quán

Là một người lãnh đạo thì chính kiến gần như là điều quan trọng nhất nếu muốn nhân viên của mình nể phục. Đừng nên “gió chiều nào theo chiều ấy”, thay đổi quyết định liên tục mà vẫn chưa thể định hướng được đâu là đúng, đâu là không nên. Khi bạn quên đi những gì mình đã từng tuyên bố chắc nịch trước đây và phát biểu mâu thuẫn trong một buổi tranh luận thì quả thật sẽ rất “tồi tệ”. Lời nói và hành động cần nhất quán với nhau nếu không muốn sự nể trọng từ cấp dưới vơi dần đi.

Giữ lời hứa

Sẽ thế nào nếu bạn cứ thất hứa hết lần này đến lần khác với nhân viên của mình. Ví dụ như hứa thưởng nếu cấp dưới hoàn thành tốt nhiệm vụ hay sẽ tổ chức một bữa tiệc để chiêu đãi mọi người vì đạt doanh số vượt mục tiêu đã đề ra… nhưng tất cả chỉ là những cái cười gượng cho qua chuyện, những lí do như “Tôi bận”, “Tôi chưa thể làm lúc này” và im lặng luôn sau một thời gian dài. Chỉ một vài lần như vậy thì sẽ chẳng ai còn mặn mà với những lời hứa sáo rỗng ấy nữa, kết quả là niềm tin dành cho bạn sẽ chẳng còn lại bao nhiêu.

Dành nhiều thời gian trò chuyện để hiểu nhân viên

Nhiều người khi được cấp trên hỏi han và lắng nghe tâm tư, mong muốn họ sẽ thấy bản thân được tôn trọng hơn. Sẽ không có nhân viên nào thấy vui vẻ khi sếp của mình chẳng bao giờ đoái hoài đến, không một câu hỏi thăm hoặc không một lời động viên. Là một nhà quản lý thông minh hãy để cấp dưới có cơ hội được mở lòng, được trao đổi. Có như vậy bạn sẽ được mọi người trong công ty quý trọng và tin tưởng.

Khen ngợi chân thành

Thể hiện sự cảm kích đến người khác thật chân thành cũng là cách để bạn nhận được sự tín nhiệm từ họ. Điểm mấu chốt ở đây là xuất phát từ suy nghĩ thật lòng chứ không phải kiểu qua loa, khen cho có. Động lực và sự hiệu quả trong công việc của nhân viên đều liên quan khá mật thiết đến thái độ khen ngợi của cấp trên. Điều này sẽ giúp nhà quản lý chiếm được cảm tình và sự tin cậy từ cấp dưới.

Biết thừa nhận sai lầm

Đừng có ý nghĩ cho rằng mình không bao giờ mắc lỗi, hãy biết cách nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan. Cần tỏ ra minh bạch với nhân viên của mình, khi sai phạm phải nên thừa nhận, sửa chữa và thay đổi… có như vậy mới được cấp dưới của mình nể trọng bởi sự chân thành bao giờ cũng sẽ được cảm thông và thấu hiểu.

Tin tưởng vào nhân viên

Niềm tin có tính chất hai chiều, muốn nhân viên tin cậy bạn thì trước hết bạn hãy đặt niềm tin vào họ. Vậy làm thế nào để nhân viên thấy bạn tin tưởng họ? Hãy giao nhân viên các dự án quan trọng, khuyến khích họ đưa ra các sáng kiến mới hoặc cho họ cơ hội làm việc từ xa nếu có thể để chứng minh rằng bạn tin tưởng vào sự tự giác và năng lực của họ dù ở trong hoặc ngoài văn phòng. Lãnh đạo không chỉ là việc bạn hoàn thành công việc của một người sếp mà còn là giúp nhân viên của bạn trở thành người giỏi nhất có thể.

Yến Nhi

Sao chép thành công