5 lí do đồng cảm và chia sẻ là kỹ năng tối quan trọng của nhà quản lý

Sự đồng cảm và chia sẻ ở nơi làm việc đang ngày càng trở nên quan trọng và nhà quản lý ở hầu hết các lĩnh vực cũng đang ghi nhận điều đó.

Đồng cảm thực sự có nghĩa là bạn hiểu được cảm xúc của người khác và cách nó tác động đến nhận thức của họ. Nó không đồng nghĩa với việc bạn phải đồng ý với cách họ nhìn nhận mọi thứ, mà thay vào đó, bạn sẵn sàng đánh giá cao những gì họ đang trải qua.

Vậy kỹ năng này có ích gì cho doanh nghiệp của bạn? Dưới đây là lý do tại sao sự đồng cảm và chia sẻ lại quan trọng ở nơi làm việc.

Nhân viên của bạn sẽ trung thành hơn

Một trong những thách thức mà mọi doanh nghiệp phải đối mặt là giữ chân nhân viên tài năng. Và một trong những lý do phổ biến nhất khiến mọi người rời đi là không nhận được sự tin tưởng và đánh giá cao từ người quản lý. Sự đồng cảm và chia sẻ sẽ làm tăng sự tin tưởng và khiến nhân viên cảm giác được coi trọng và quan tâm. Cho dù trong các mối quan hệ cá nhân hay công việc, mọi người có nhiều khả năng sẽ trung thành hơn khi cảm thấy mình được lắng nghe, được đánh giá cao và chia sẻ.

Nhân viên sẽ tận tâm và nỗ lực hơn

Bạn đã bao giờ để ý rằng khi ai đó hiểu được cảm giác của bạn hoặc nói với bạn rằng họ đánh giá cao điều gì đó bạn đã làm cho họ, bạn có xu hướng muốn hỗ trợ họ nhiều hơn? Với nhân viên, khi bạn chứng minh rằng bạn đồng cảm và quan tâm đến họ, tâm lý “có đi có lại” sẽ xuất hiện và họ sẽ muốn nỗ lực nhiều hơn nữa. Các doanh nghiệp thành công nhận thức được điều này và các nhà quản lý liên tục tìm cách để khen ngợi và thể hiện sự đánh giá cao đối với nhân viên của họ. 

Nhân viên hợp tác cùng nhau tốt hơn        

            

Nhân viên cảm thấy được trân trọng và được đánh giá cao không chỉ nhiệt tình với công việc của họ mà còn luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp. Khi sự đồng cảm và chia sẻ được thể hiện ở nhà quản lý, điều này cũng sẽ được lan tỏa trong toàn doanh nghiệp, tăng khả năng làm việc nhóm hiệu quả, giảm xung đột trong đội ngũ nhân viên và giảm gián đoạn tại nơi làm việc. Sự hợp tác này sẽ khiến mọi người nỗ lực phối hợp tốt hơn và từ đó chất lượng công việc cũng được nâng cao hơn.  

Nhân viên sẽ hạnh phúc hơn

Khi nhân viên cảm thấy được lắng nghe và được đánh giá cao, họ sẽ hài lòng hơn với công việc và kết quả là họ chăm chỉ đi làm hơn. Khi mức độ hài lòng với công việc tăng lên thì tỉ lệ nghỉ việc cũng sẽ giảm đi.

Những nhân viên không nhận được sự đồng cảm và chia sẻ sẽ cảm thấy ít có động lực để làm việc. Lí do của họ là vì không ai quan tâm, vậy tại sao họ phải làm việc chăm chỉ? Tình trạng vắng mặt ngày càng nhiều sẽ làm các nhân viên còn lại trở nên bực bội vì phải đảm trách công việc của đồng nghiệp khác. Điều này có thể khiến tinh thần của họ đi xuống và nâng cao tỉ lệ nghỉ việc.

Nhân viên sẽ sáng tạo hơn

Những nhân viên cho rằng họ là một phần của doanh nghiệp và cảm thấy được lắng nghe, được đánh giá cao có xu hướng muốn thử thách nhiều hơn và tìm cách tăng giá trị cho doanh nghiệp. Họ có nhiều khả năng dành thời gian và năng lượng để đưa ra những ý tưởng, quy trình và phương pháp mới để cải thiện công việc của chính họ và đưa doanh nghiệp phát triển. Sự gắn bó của họ với doanh nghiệp khiến họ cảm thấy rằng thành công của họ và của doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, thúc đẩy họ muốn tìm ra những cách thức làm việc mới, tốt hơn và hiệu quả hơn.

Làm thế nào bạn có thể xây dựng sự đồng cảm và chia sẻ ở nơi làm việc?

Trải nghiệm ngày làm việc với nhóm của bạn

Nhiều nhà quản lý cho rằng họ nên tập trung vào việc ra chiến lược và hướng đến tương lai hơn là chú trọng vào công việc hàng ngày của nhân viên. Tuy nhiên, đôi khi điều này có nghĩa là bạn sẽ không nắm bắt được những gì đang xảy ra trong nhóm. Để giải quyết vấn đề này, hãy dành thời gian cho nhóm của bạn và thực hiện công việc của họ cùng với họ. Tìm hiểu những thách thức và trở ngại mà họ gặp phải, bạn sẽ bắt đầu hiểu được những khó khăn và động lực của họ.

Giao tiếp cởi mở hơn

Giao tiếp cởi mở là yếu tố rất quan trọng để xây dựng sự đồng cảm và chia sẻ. Khi nhóm của bạn được thoải mái trao đổi các vấn đề, thành công và thách thức với bạn, bạn sẽ hiểu rõ hơn về tình hình của họ.

Lý tưởng nhất là bạn nên khuyến khích mọi người lên tiếng thay vì im lặng. Thường thì “không có tin tức nào là tin tốt” không phải là cách tiếp cận tốt vì sự thất vọng thường ẩn sâu bên trong.

Thoát ra khỏi môi trường bình thường

Ở vai trò nhà quản lý, bạn rất bận rộn với công việc hàng ngày. Nhưng cách duy nhất để có thể thực sự nhận thức được những gì đang xảy ra bên ngoài là bước ra khỏi phòng và quan sát.

Hãy dành thời gian thăm hỏi nhân viên của bạn. Nếu doanh nghiệp có những chi nhánh xa mà bạn khó đến thăm, hãy cân nhắc đến đó và xem họ đang phải đối mặt với những thách thức nào.

Thường xuyên dành thời gian ra khỏi môi trường bình thường của bạn có thể mở rộng tầm mắt và giúp bạn nhận biết những gì nhân viên đang gặp phải.

Khắc phục các định kiến

Những thành kiến ​​sẽ cản trở khả năng đồng cảm và chia sẻ của bạn. Chẳng hạn, bạn biết một nhân viên nào đó chưa bao giờ học đại học trong khi bạn đã tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng. Có thể bạn sẽ có thành kiến coi trọng bằng cấp, vì vậy bạn sẽ phớt lờ những gì họ đang cảm thấy và bác bỏ ý kiến của họ. 

Nếu không nhận thức được thành kiến ​​này, bạn có nguy cơ xa lánh họ. Nhưng khi bạn nhận thức được rằng bạn đang suy nghĩ và cảm nhận theo cách có thành kiến, bạn có thể hành động bằng cách chú ý hơn và thực sự lắng nghe những gì nhân viên đó đang nói.

Tất cả chúng ta đều có thành kiến. Những thành kiến ​​được xây dựng từ quá trình học tập và kinh nghiệm của mỗi người. Bạn không bao giờ có thể loại bỏ chúng, vì vậy điều tốt nhất là nhận thức được chúng để đảm bảo chúng không ảnh hưởng đến việc ra quyết định cũng như khả năng đồng cảm và chia sẻ của bạn.  

Hảo Đặng

               

Sao chép thành công